"Đại thụ" trên vùng biên giới Ia O

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Già làng Ksor Bơng (làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) thường xuyên vận động người dân tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, tuyên truyền xóa bỏ các tập tục lạc hậu… Những việc làm này của ông đã góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng bình yên, ấm no và hạnh phúc.
 Già làng Ksor Bơng (bìa phải) trò chuyện cùng cán bộ Đồn Biên phòng Ia O. Ảnh: V.H
Già làng Ksor Bơng (bìa phải) trò chuyện cùng cán bộ Đồn Biên phòng Ia O. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Tháng 9, những cơn mưa kéo dài trên miền biên viễn vẫn không níu giữ được bước chân của già làng Ksor Bơng đến thăm và kiểm tra đường biên cột mốc. Trên đường đi, ông ghé vào hỏi thăm các gia đình trong làng, rồi bảo lũ thanh niên đi cùng. Nhìn dáng vẻ săn chắc, những bước đi thoăn thoắt của ông, ít ai biết rằng năm nay ông đã bước qua tuổi 70. Ở tuổi này, nhiều người đã nghỉ ngơi để vui vầy bên con cháu, nhưng sau hơn 8 năm dạy học, 20 năm làm Bí thư rồi Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, già Ksor Bơng vẫn nặng lòng với vùng biên giới và cuộc sống của người dân. Mỗi tối, ông vẫn thường đi quanh làng để nhắc nhở thanh niên dừng uống rượu, ngủ sớm để mai còn lên rẫy hoặc ghé vào nhà nào đó nhắc họ đóng cửa kẻo kẻ xấu lợi dụng để trộm cắp… Chính vì uy tín và tầm ảnh hưởng của già làng mà nhiều người dân và cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vẫn thường gọi ông là “đại thụ” của vùng biên ải.
Già làng Ksor Bơng: “Biên giới có bình yên thì người dân mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, người dân sống trên vùng biên giới phải biết bảo vệ đường biên, cột mốc để mọi người cùng chăm lo lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Già làng Ksor Bơng chia sẻ: “Làng mình có 133 hộ với hơn 1.000 khẩu, đa số là người dân tộc Jrai. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng dân làng luôn đoàn kết để giúp nhau phát triển kinh tế. Người dân luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật, cùng nhau bảo vệ đường biên giới hòa bình, ổn định”. Nhờ sự vận động của ông, làng Bi đã thành lập được 2 tổ tự quản với 16 thành viên, gồm 1 tổ tự quản cột mốc và 1 tổ tự quản đường biên. Hàng tuần, 2 tổ này đi tuần tra dọc tuyến biên giới, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường để báo lực lượng chức năng kịp thời xử lý. Cùng với đó, ông còn tuyên truyền để người dân trong làng nêu cao cảnh giác, kịp thời phát hiện những đối tượng có ý định xấu vào làng để truyền đạo trái phép hay tìm cách vượt biên. Chính nhờ tinh thần cảnh giác và chung tay bảo vệ biên giới quốc gia mà 10 năm nay làng không có người vượt biên.
Dẫn tôi ra cánh đồng lúa nước có diện tích 26 ha, già làng Ksor Bơng phấn khởi: “Làng mình trồng được cây lúa nước nên chủ động được một phần lương thực, cuộc sống đã khá lên. Trước đây, làng chỉ trồng lúa rẫy. Thấy mình ngăn suối dẫn nước về ruộng lúa, một số bà con trong làng cùng làm theo. Bên cạnh đó, mình cũng đến nhờ chính quyền và Bộ đội Biên phòng hỗ trợ khai hoang, đưa nước về cho bà con sản xuất thuận lợi”. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng nên làng Bi đã có 48 ha cao su, 36 ha cà phê, 30 ha điều. Đặc biệt, làng hiện chỉ còn 18 hộ nghèo.
Đánh giá về vai trò của già làng Ksor Bơng, Trung tá Đinh Công Thông-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia O-cho biết thêm: Đồn được giao nhiệm vụ quản lý 5,5 km đường biên. Những năm qua, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân trên địa bàn biên giới nên đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, già làng Ksor Bơng là người tiêu biểu trong việc vận động nhân dân chấp hành các quy định về biên giới, vận động thành lập các tổ tự quản đường biên, cột mốc. Với vai trò của mình, già làng luôn là cầu nối vững chắc giữa cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo Đồn với nhân dân.
Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.