Cựu chiến binh Ia Din thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, phong trào cựu chiến binh (CCB) thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo đã được các hội viên Hội CCB xã Ia Din (huyện Đức Cơ) hưởng ứng tích cực. Từ đó, nhiều tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Năm 1977, sau khi xuất ngũ  trở về quê hương Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) và lập gia đình, CCB Đoàn Văn Minh quyết định đưa vợ con vào xã Ia Din lập nghiệp. Ông Minh cho biết: “Khởi đầu từ 2 bàn tay trắng, gia đình tôi gặp không ít khó khăn. Nhưng tôi động viên vợ con quyết tâm vượt lên để ổn định cuộc sống. Sau đó, tôi vay mượn vốn mua đất để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, với 4 ha cà phê và gần 1.500 trụ hồ tiêu, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng mỗi năm”.

 

Cựu chiến binh Đoàn Văn Minh chăm sóc vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: G.H
Cựu chiến binh Đoàn Văn Minh chăm sóc vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: G.H

Cũng như CCB Đoàn Văn Minh, sau khi xuất ngũ, năm 1996, ông Mai Hữu Thắng đã đưa gia đình từ huyện Mỹ Đức (TP. Hà Nội) vào xã Ia Din sinh sống, lập nghiệp. Trên vùng đất mới, ông Thắng không chỉ sản xuất giỏi mà với vai trò là Chi hội trưởng chi hội CCB thôn Quyết Thắng (xã Ia Din), ông còn thường xuyên quan tâm giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không tính lãi để phát triển sản xuất.

Ông Thắng chia sẻ: “Thời gian đầu lập nghiệp trên quê hương mới rất khó khăn, nhất là về nguồn vốn để phát triển kinh tế. Nhưng nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm ăn nên đến nay gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, khoảng 250 triệu đồng/năm từ việc trồng cà phê, điều và hồ tiêu”. Cũng theo ông Thắng, chi hội CCB thôn Quyết Thắng cứ 3 tháng sinh hoạt một lần. Trong những buổi sinh hoạt, các CCB thường  thảo luận về hướng phát triển kinh tế, chia sẻ kiến thức, kỹ thuật sản xuất. Hiện 80% gia đình hội viên trong chi hội đã có kinh tế khá giả, không còn hộ đói nghèo.

Bên cạnh những CCB như Đoàn Văn Minh, Mai Hữu Thắng, Hội CCB xã Ia Din còn không ít gương sáng trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế. Hiện 160 gia đình hội viên của Hội đã được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ hơn 4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các hội viên đã đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, Hội CCB xã Ia Din còn huy động hội viên đóng góp, xây dựng quỹ Hội với số tiền 149 triệu đồng để cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay ưu đãi xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất. Từ sự hỗ trợ thiết thực từ Hội cũng như sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, đời sống của nhiều hội viên đã không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Theo ông Trịnh Hữu Tịnh-Chủ tịch Hội CCB xã Ia Din: Hội CCB xã Ia Din hiện có 197 hội viên sinh hoạt ở 12 chi hội. Thời gian qua, Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các phong trào thi đua, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hội viên sản xuất kinh doanh giỏi. Hiện toàn Hội có 58 hội viên có mức sống khá và giàu, còn lại là trung bình.

Có thể thấy, phong trào CCB thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo đã được Hội CCB xã Ia Din triển khai hiệu quả, lan tỏa tới từng hội viên. Phong trào không chỉ giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên mà còn giúp họ gắn bó hơn với tổ chức Hội, từ đó tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước khác ở địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Gia Hưng

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.