Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Thời tôi tập làm cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tôi bắt đầu tập làm cách mạng với một tâm thế thật hồn nhiên, trong sáng và đầy nhiệt huyết, bất chấp cơm độn bo bo, tàn phai nhan sắc. Nếu cuộc đời con người có thể cắt ra thành từng giai đoạn thì đây chính là một phần đời hoành tráng, lộng lẫy, tinh khôi và trong trẻo nhất.

Ngày 30-4-1975, Sài Gòn giải phóng. Hồi ấy, ngay góc đường Tổng Đốc Phương (hiện là đường Châu Văn Liêm, quận 5, TP HCM) - Hồng Bàng, chỗ siêu thị xe máy Quang Phương bây giờ, là nhà hàng Thanh Đình - một trong những nhà hàng chuyên "bò bảy món" có tiếng của Chợ Lớn.

Phần đời hoành tráng

Nhà hàng cửa đóng then cài, tôi ngồi nấp sau ô cửa nhỏ nhìn ra đường, chứng kiến giây phút lịch sử với tột độ hoang mang, lo sợ lẫn tò mò. Lệnh ngừng chiến được phát ra. Con đường Hồng Bàng đã mấy ngày vắng ngắt phút chốc trở nên nhốn nháo lạ thường. Tiếng còi hụ, tiếng la hét, tiếng đổ vỡ, tiếng súng đì đùng rải rác… Tất cả dội vào lòng tôi nỗi hoang tàn, trống trải.

Được tận mắt nhìn thấy chiến tranh kết thúc, không phải ai trong cuộc đời mình cũng từng trải qua. Có thể mỗi người nhìn nhận cuộc chiến theo cái cách của riêng mình nhưng chắc chắn ai ai cũng mong ước hòa bình. Tôi cũng vậy. Hai chữ hòa bình ngay lập tức chiếm lĩnh toàn bộ ý nghĩ. Nó mang đến cho tôi một cảm giác lâng lâng khó tả. Nhưng cảm giác hạnh phúc ấy không kéo dài được bao lâu bởi một liên tưởng vô cùng kinh khiếp.

Lướt qua đầu tôi, trước tiên là hình ảnh anh bộ đội "bảy người đu một tàu đu đủ không gãy". Kinh dị hơn, "con gái Sài Gòn sẽ bị bỏ vô bao bố cột miệng lại cho thương binh Việt Cộng bắt thăm lấy về làm vợ"… Không biết tự khi nào và từ đâu, tôi đã nạp vào bộ nhớ của mình thứ thông tin kinh khủng như vậy. Ngay thời khắc ấy, tôi nhìn thấy trước mặt mình là một khoảng không mênh mông, mênh mông đến vô tận… Tôi xòe hai bàn tay, mân mê từng ngón thon mềm, nước mắt rớt dài men theo từng kẽ ngón. Năm đó tôi 17 tuổi.

Sau đó là những ngày nhốt mình trong nhà, nghe ngóng, xoay trở với không gian chật hẹp, bức bối và lùng nhùng bởi những suy nghĩ rối ren làm tôi mụ mị và mất phương hướng.

Chiều 6-5-1975, tất cả thanh niên trong khóm được triệu tập theo lệnh của ủy ban quân quản. Mọi người lũ lượt kéo tới đầy đủ và đúng giờ (vì sợ). Chi hội liên hiệp thanh niên khóm (một đơn vị hành chính dưới phường) được thành lập dưới sự điều khiển của một anh bộ đội ốm nhom trong bộ quân phục màu cỏ úa rộng thùng thình, đôi mắt trũng sâu… Tất cả gieo vào lòng tôi một nỗi hoài nghi vô tận. Chỉ đến khi giọng nói anh cất lên, chắc khỏe, trầm ấm và rành mạch thì tôi mới thấy có một chút yên tâm.

Kết quả, tôi là một trong số anh chị em được đề cử vào ban chấp hành chi hội. Đó là một kết quả mà tôi không mong đợi chút nào nhưng không dám từ chối vì… sợ. Thế là tôi bắt đầu tập tành làm cách mạng với một tâm thế hồn nhiên, trong sáng, sôi nổi và đầy nhiệt huyết, bất chấp cơm độn bo bo, bất chấp tàn phai nhan sắc. Tôi trở thành một thủ lĩnh thanh niên thực thụ. Đó là một phần đời hoành tráng, lộng lẫy, tinh khôi và trong trẻo nhất của tôi.

Đó là những ngày cùng đồng đội reo hò đến vỡ toang lồng ngực khi nhìn thấy dòng nước đầu tiên đổ về lấp loáng dưới lòng kênh trên công trình thủy lợi Trần Quang Cơ. Đó là những đêm lạnh thấu xương, đứng hát trên sân khấu kê bằng những cái thùng phuy gập ghềnh giữa ngan ngát mùi khóm chín ở Nông trường Phạm Văn Hai.

 

Thanh niên xung phong trồng dứa tại Nông trường Phạm Văn Hai. Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN
Thanh niên xung phong trồng dứa tại Nông trường Phạm Văn Hai. Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN



Bờ vai con trai rộng và êm

Nhưng Đầm Sen với những ngày hừng hực khí thế lao động mới thật là một phần đời không dễ nhạt phai của tôi. Tháng 2-1976, đoàn sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm TP HCM cùng hàng ngàn thanh niên thành phố bắt tay tham gia xây dựng công trình Công viên Đầm Sen. Ngày đó, Đầm Sen vẫn còn là một đầm lầy hoang hóa, rộng mênh mông, cây cỏ rậm rạp, lau lách um tùm. Công việc đầu tiên của chúng tôi là san lấp mặt bằng. Với phương tiện xe cút kít, chúng tôi có nhiệm vụ chuyển đất từ chỗ cao đổ vào những chỗ trũng.

Ở nơi đây, lần đầu tiên tôi biết thế nào là cái nắng công trường. Nắng chan chát nhiều lúc thấy cả đom đóm lập lòe giữa ban trưa. Ở nơi đây, lần đầu tiên, tôi cảm nhận nỗi sợ hãi rất lạ, nỗi sợ chiến tranh vừa còn hôi hổi sau lưng khi nhìn thấy đất đá bay lên, khói bụi mịt mù kèm theo tiếng thuốc nổ TNT ầm ầm phá đá. Lần đầu tiên, tôi biết lội chân trần, đẩy xe cút kít chạy trơn tru như một tay lái lụa, lui tới như con thoi. Lần đầu tiên, nhìn hai bàn chân chai sần, trầy xước cùng đôi bàn tay héo úa, thâm sì, tôi ứa nước mắt… Chính những cái lần đầu tiên ấy đã giúp tôi trưởng thành và nuôi lớn tình yêu Tổ quốc, thứ tình yêu rất thật, rất cụ thể, tưởng chừng có thể sờ mó, cầm nắm được chứ không phải chỉ là những cảm nhận mông lung trên trang sách học trò.

Hòa trộn vào trong tình yêu Tổ quốc thiêng liêng là tình yêu đôi lứa mà chúng tôi trân trọng dành cho nhau. Bắt đầu bằng tiếng đàn ghi-ta trong một đêm trăng sáng, giữa khung cảnh hoang sơ, vắng lặng của công trường. Đó là một đêm lồng lộng gió, gió bị ánh trăng nhuộm vàng lảo đảo ngả nghiêng. Trên một mô đất, anh ngồi ôm đàn. Những giai điệu du dương lạc vào không gian trống trải, nghe bơ vơ, lạc lõng, làm tan chảy trái tim tôi. Tôi mon men lại ngồi bên anh và cất tiếng hát: "Khi cất lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta. Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba. Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra…". Tiếng đàn anh đẩy giọng hát tôi bay vút lên trời cao, tan vào không gian và đánh rớt giọt cuối cùng ở chỗ trái tim tôi thổn thức. Không biết tự bao giờ, tôi ngả đầu lên vai anh và cũng không biết bao lâu, anh để yên như thế. Lần đầu tiên, tôi biết bờ vai con trai rộng và êm, da thịt con trai mềm và ấm, hơi thở con trai nồng và say…

Trăng mỗi lúc một lên cao, trăng đêm rằm vằng vặc sáng. Chúng tôi ngồi như thế bên nhau, cho đến khi bóng trăng lặn khuất bên kia ngọn đồi và bình minh bắt đầu nhuộm đỏ phía chân trời. Đi bên nhau giữa ngổn ngang đất đá. Anh thầm thì vào tai tôi:

"Em thấy không mặt trời trên đỉnh đồi

Đang vẫy gọi bình minh về phía trước

Đang vẫy gọi chúng mình cùng tiếp bước

Vào tương lai bằng sức trẻ mùa xuân

Anh đã nghe trong mơ ước thật gần

Những ghế đá dưới hàng cây xanh mát

Đường Thanh Niên hương ngọc lan ngào ngạt

Thơm những hẹn hò chờ đợi mỗi lứa đôi

Ngày ấy bên nhau anh vẫn gọi em là…

Là "đồng chí" như bây giờ mình vẫn gọi…".

Đồng chí ơi...


Đã hơn 40 lần tháng 4 đi qua, tôi vẫn thuộc làu những câu thơ ấy, vẫn cảm nhận tinh khôi hơi ấm bàn tay anh đan nhẹ tay tôi. Đầm Sen bây giờ đã trở thành một khu vui chơi - giải trí đồ sộ, hoành tráng, hiện đại của thành phố với diện tích 50 ha gồm 20% là mặt hồ và 60% cây xanh và vườn hoa. Công viên Đầm Sen bây giờ không có con đường mang tên Thanh Niên, cũng không kịp cho chúng tôi những buổi hẹn hò thơm hương ngọc lan như anh hằng mơ ước.

Giữa tháng 6-1978, anh trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam. Bịn rịn chia tay, cho đến tận giây phút ấy, chúng tôi mới rụt rè trao nhau một nụ hôn đầu. Nụ hôn vừa ngọt ngào tình yêu vừa mặn chát nước mắt. Những ngày không có anh bên cạnh, niềm vui sẻ nửa, nỗi buồn nhân đôi nhưng tôi nhủ lòng sẽ vững vàng, lạc quan sống, học tập, làm việc, yêu anh và chờ đợi anh về. Nhưng…

Ngã ba Koky Som (Campuchia) buổi chiều tháng 7-1978 đã chứng kiến anh nằm xuống, anh dũng, ngoan cường, khép lại một hành trình rong chơi ngắn ngủi của anh trong cuộc đời này, khép lại tuổi thanh xuân đầy ắp hoài bão, ước mơ.

Tháng 4, biên giới Tây Ninh nắng rát bàn tay, gió hanh hao khô khốc. Tôi buồn bã xòe bàn tay ra, thả mối tình vụng dại đầu đời của mình lên bầu trời. Bên nấm mồ anh còn thơm mùi đất mới, tôi thì thầm khẽ gọi: "Đồng chí ơi, đồng chí ơi…".


 

 



Theo NGÔ THỊ THU VÂN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.