Cuộc gặp gỡ định mệnh của thiếu phụ 2 con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vì nhẹ dạ mà người thiếu phụ ấy phải sống cuộc sống nhục nhã, làm nô lệ tình dục nơi xứ người.
 

Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Đồng Nai vừa phối hợp với một tổ chức xã hội giải cứu thành công một phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc.

Nạn nhân là chị A.L. (24 tuổi, ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc). Gần 3 năm làm vợ ở xứ người, đối với chị L. đó là cơn ác mộng mà chị đã trải qua vì cuộc sống tù túng không khác nào một nô lệ.

Sập bẫy

Một ngày giữa tháng 5-2015, chị L. đón xe từ huyện Xuân Lộc lên TP.Biên Hòa để phụ quán ăn cho một người quen. Trên chuyến xe đó, chị được một phụ nữ trung niên bắt chuyện làm quen. Sau vài câu thăm hỏi về hoàn cảnh gia đình, người phụ nữ này tỏ ra đồng cảm khi biết chị L là 1 thiếu phụ 2 con nhưng hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống không hạnh phúc.

Ít ngày sau, chị L. liên tục nhận được điện thoại của người phụ nữ mới quen rủ đi "xuất khẩu lao động" ở Trung Quốc. Nghe vậy, chị L. băn khoăn nhưng được người này trấn an rằng có người quen ở Trung Quốc nên có thể xin cho chị L. đi làm ở công ty may hoặc công ty sản xuất đồ chơi trẻ em. Ngoài bao ăn ở, mỗi tháng chị L. có thể kiếm được khoảng 15 triệu đồng gửi về nhà. Trước những thông tin hấp dẫn mà người này đưa ra, chị L. đồng ý xuất ngoại để mong đổi đời.

Ngày 15-5-2015, chị L. được người phụ nữ mới quen dẫn ra sân bay để bay ra TP.Hải Phòng, sau đó đi bằng đường bộ đến cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Đến đây, người phụ nữ này giao chị L. cho một người đàn ông Trung Quốc dẫn qua biên giới để "nhận việc".


 

 

Tủi nhục nơi xứ người

Sau khi được dẫn qua biên giới bằng đường tiểu ngạch, chị L. được giao qua nhiều người tiếp tục dẫn sâu vào nội địa Trung Quốc. Qua nhiều lần di chuyển, thay đổi chỗ ở, cuối cùng chị được bàn giao cho một người đàn ông trung niên người Trung Quốc. Vì nghĩ ông ta là người môi giới việc làm nên chị L. ngoan ngoãn đi theo. Ông này đưa chị đến một ngôi nhà tuềnh toàng ở một vùng quê hẻo lánh và được bố trí ở trong một phòng ngủ tối tăm. Tại đây, chị phải miễn cưỡng làm vợ của ông ta và bắt đầu những tháng ngày tủi cực.

"Cuộc sống chẳng khác nào bị cầm tù. Hàng ngày tôi phải ở trong phòng, mỗi khi ra ngoài đều có người theo dõi. Đến giờ ăn, họ lại mang cho chiếc bánh bao. Nhiều lần không ăn nổi, tôi phải nhịn đói. Không những thế, nếu làm phật ý họ tôi lại bị người chồng hờ lôi ra đánh đập dã man" - chị L. kể lại.

Sống được khoảng 1 năm, chị L. quyết định bỏ trốn tìm đường về quê. Khoảng giữa năm 2016, lợi dụng lúc nhà vắng người, chị L. leo tường phía sau nhà thoát ra ngoài. Sợ bị lộ, chị nấp vào một ngôi nhà hoang đến khoảng 22 giờ mới mò mẫm tìm lối thoát thân. Chị L. nói: "Lúc đó, tôi không biết đi đâu và cứ nhằm đường lớn mà chạy. Tôi cố gắng chạy càng xa càng tốt".

Chị L. nhớ lại: "Sau khi chạy thục mạng, tôi đã tìm đến một trụ sở Công an Trung Quốc để cầu cứu. Lúc đó, tôi thành khẩn khai báo và cầu xin sự giúp đỡ của họ. Thế nhưng khi biết tôi bỏ trốn từ nhà một người dân địa phương, công an đã gọi người nhà lên đưa tôi về. Khi đưa tôi quay trở lại, tất cả 6 người có mặt trong gia đình đó xúm vào đánh đập tôi rất dã man. Sau trận đòn, tôi phải nằm liệt 1 tháng mới đi lại được".

Cuộc giải cứu mạo hiểm

Cuối năm 2017, trong những lần lên mạng, chị L. biết được một người cùng cảnh ngộ đã thoát về nước qua sự giúp đỡ của Công an Việt Nam. Thông qua người này, chị L. kết nối được với Trung tá Nguyễn Duy Tú, Phó đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn xã hội và mua bán phụ nữ, trẻ em (PC45 Công an tỉnh Đồng Nai).

Trung tá Nguyễn Duy Tú cho biết khi nhận được thông tin yêu cầu giải cứu từ chị L., các cán bộ của đội đã tìm cách xác định vị trí của chị để lên phương án giải cứu. Qua những lần trao đổi, chị L. được Trung tá Tú hướng dẫn kế hoạch bỏ trốn. Cùng với sự hỗ trợ của cán bộ trong Tổ chức trẻ em Rồng Xanh (trụ sở tại TP.Hà Nội), phương án giải cứu chị L. được tính toán rất chặt chẽ.

Khi xác định được địa điểm chị L. đang sinh sống là một ngôi làng ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), mạng lưới của Tổ chức trẻ em Rồng Xanh đã thiết lập các đầu mối để đưa chị trở về an toàn. Sau khi đã thống nhất phương án, cán bộ PC45 phối hợp chặt chẽ với tổ chức này thông báo kế hoạch cho chị L. để chuẩn bị.

Đúng như kế hoạch, khoảng 9 giờ ngày 4-4, chị L. xin "nhà chồng" cho ra quán tạp hóa đầu đường (cách nhà khoảng 5 phút đi bộ) để mua ít đồ dùng sinh hoạt. Trong bộ quần áo mặc ở nhà, chị L. rời khỏi nhà trong sự thiếu cảnh giác của mọi người. Khi chị L. có mặt tại điểm hẹn thì cũng là lúc chiếc xe du lịch màu xanh vừa trờ tới. Mở vội cánh cửa, chị L. bước nhanh vào bên trong và chiếc xe phóng đi trong chớp mắt.

Suốt 4 ngày liên tục, chị L. di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau mới đặt chân đến được biên giới Việt Nam. Trở về sau gần 3 năm biệt tăm nơi xứ người, chị L. vẫn không tin đó là sự thật. Được sum vầy với gia đình và các con nhưng lòng chị vẫn quặn thắt khi nghĩ đến con gái mới được 2 tháng tuổi với người "chồng" Trung Quốc mà chị đành rứt ruột bỏ lại nơi xứ xa...


Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ hành vi mua bán người của các đối tượng liên quan đến vụ việc của chị A.L. Từ thông tin của bị hại, cơ quan điều tra đang áp dụng các biện pháp nghiệp vụ truy tìm, xác định các nghi can để truy tố trước pháp luật. Cơ quan công an cũng cảnh báo những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, muốn đi lao động nước ngoài… không nên nghe theo lời dụ dỗ của đối tượng lạ mặt để tránh rơi vào "bẫy" của những kẻ mua bán người.

Trung tá Nguyễn Duy Tú cho biết: "Hành trình giải cứu chị L. rất gian nan. Quá trình liên lạc giữa chúng tôi với nạn nhân thường bị gián đoạn do nhà chồng phát hiện. Khi giải cứu chị L. ra khỏi nhà, các cộng tác viên đã phải trải qua rất nhiều ngày với nhiều chặng đường khác nhau mới đưa chị này đến biên giới một cách an toàn".


Theo Báo Đồng Nai/NLĐO

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.