Bầu cử Mỹ năm nay đã diễn biến theo chiều hướng rất lạ. Tình hình dịch bệnh COVID-19 tạo ra một cuộc khủng hoảng đa chiều cho nước Mỹ, tác động đáng kể lên mọi mặt, từ y tế, kinh tế, cho đến xã hội.
Nó đã khiến tình hình bầu cử đảo chiều, làm thay đổi bức tranh tổng quan về cơ hội của hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden.
Ông Trump mất đi lợi thế của một tổng thống đương nhiệm. Vì lẽ ra những mặt tích cực trong vấn đề kinh tế, hoặc về "Nước Mỹ trên hết" đã phát huy tác dụng thì khi đại dịch đến, người dân Mỹ lại cần sự bình ổn, thoát khỏi ảnh hưởng đại dịch, trong khi lẽ ra ở các cuộc bầu cử, người ta sẽ coi trọng vấn đề kinh tế và công ăn việc làm.
Thêm vào đó, ngoài cuộc khủng hoảng đa chiều trên, cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh xã hội và chính trị Mỹ phân hóa mạnh mẽ. Đặc biệt, sự phân hóa này còn được ghi nhận rõ ràng hơn nữa trong ba hoặc bốn năm qua, tạo ra những cọ xát khác nhau. Và trong môi trường phân hóa như vậy, khác biệt về quan điểm trong các bang chiến địa (swing state) càng nhiều hơn.
Trong bản thân mỗi cử tri Mỹ ở bang chiến địa, họ cũng phải đấu tranh nhiều mặt như nên theo Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, chọn đường lối phục vụ mong muốn về cuộc sống bình ổn, thoát khỏi đại dịch, hay lưu tâm hơn ở các thành tựu về mặt kinh tế. Tựu trung, những cân nhắc này càng khiến kết quả bầu cử trở nên khó đoán.
Điểm quan trọng nữa tạo ra sự khó lường cho bầu cử năm nay nằm ở chính hai ứng viên đang chạy đua vào Nhà Trắng. Dường như cả ông Trump lẫn ông Biden đều chưa làm nổi bật câu chuyện chính sách, chưa cho thấy rằng với chính sách của mình, nước Mỹ mà họ lãnh đạo sẽ như thế nào trong tương lai.
Với ông Biden, dường như vị cựu phó tổng thống này chưa thoát khỏi cái bóng của cựu tổng thống Barack Obama - người mà ông từng sát cánh trong chính quyền trước. Còn đối với đương kim Tổng thống Trump, ông lại chưa cho thấy sự khác biệt hay yếu tố mới mẻ nào so với một Donald Trump của bốn năm qua.
Một số thăm dò cho thấy ông Biden trên cơ, nhưng đây chưa thể là cơ sở để khẳng định ông sẽ thắng 100%. Quyết định quan trọng nhất của cử tri vào lúc này thu hẹp về hai sự lựa chọn: chọn tái lập cuộc sống bình thường nhờ chính sách kiểm soát dịch thận trọng, hay chọn mở cửa lại nền kinh tế và đưa các hoạt động xã hội quay về nhịp bình thường ngay lập tức.
Sự lựa chọn nào cũng cho thấy cử tri Mỹ muốn có một tương lai ổn định, tốt hơn, nhất là tình hình ảnh hưởng do đại dịch suốt gần một năm qua.
PHẠM QUANG VINH (cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu đại sứ VN tại Mỹ)
Dẫn nguồn theo TTO