Cứ ngỡ mùa đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mấy hôm nay, Pleiku mưa kèm gió lạnh. Cái lành lạnh ấy làm tôi có cảm giác không khí của mùa đông phảng phất đâu đây, dù Tây Nguyên-như người ta vẫn bảo-chỉ hai mùa mưa, nắng.
Mùa hạ này cứ như một nốt trầm. Bao nhiêu lắng lo vẫn còn đeo bám lòng người. Cái triền miên của mưa trời cũng vì lẽ đó mà thêm phần ảm đạm. Những ngày này, chính tôi cũng bất ngờ khi biết mình không dưng lại nhớ chút nắng đông, thứ nắng se sắt rơi nhẹ qua song cửa, phả hơi ấm vào tấm rèm che cạnh chiếc bàn gỗ con con, nơi để sẵn ly cà phê sữa thơm nồng… Tôi từng có những sớm mùa đông bồi hồi như thế. Ý niệm về thời gian đâu phải lúc nào cũng nằm im trên tờ lịch, nay mai sẽ cũ. Nó đi theo con tim ta, hòa lẫn vào không gian, để có những lúc như bây giờ, giữa miên man mùa hạ mà cứ ngỡ mùa đông, dẫu có thể là một mùa đông nửa vời, một mùa đông hờ hững…
Phố xá ở thời điểm này không tiện cho những cuộc xúm xít bạn bè, cho hàng quán đông vui. Dẫu trong cái khí trời lành lạnh, không gì hay bằng được ngồi bên những tình thân, ngồi bên mà vẫn muốn xích lại gần nhau thêm chút nữa để sưởi ấm cho nhau bằng dăm ba câu chuyện vẩn vơ, thường nhật. Cái hơi ấm tỏa ra từ người này cũng đủ khiến người kia dễ chịu. Tôi thích gọi mùa đông là mùa của tình thân. Và cũng chưa bao giờ nhớ cái vị mùa đông đến nhường vậy.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Cữ này, tôi gần như không buồn, không vui. Người ta vẫn hay sợ những thứ cảm xúc không rõ rệt khi phải ở lâu trong một gian phòng kín. Càng dè dặt ra đường, tôi lại càng nhớ những ngã tư đông người dừng trước đèn đỏ và ai nấy đều có vẻ sốt ruột. Giờ đây, phố vắng hơn, chậm rãi hơn. Tôi cũng không thể làm gì khác ngoài chờ đợi. Không phải chờ đợi trong vô vọng, chán ngán mà đó là cách chúng ta hy vọng và tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở phía trước. Sẽ có một sớm mai nào đó, phố lại sóng sánh nắng vàng và những dòng người căng tràn sức sống nối nhau đi.
Thế đấy, cảm giác của con người cũng dễ bị thời tiết “đánh lừa” như vậy. Có thể mai này, khi mùa đông đến thật, tôi không còn mừng rỡ. Có thứ gì đang hiện hữu mà ta biết trân quý đâu? Thường khi mất đi, ta mới mong mỏi tìm lại lần nữa. Như khi thức dậy vào một buổi sáng ướt át, lạnh lẽo, tôi lại thèm chút nắng mùa đông âm ấm, hanh hao như một niềm an ủi. Chút nắng vừa đủ để mẹ tôi phơi phóng, giặt giũ; đủ để nụ tường vi bé bỏng hé nở trước hiên nhà.
Tưởng chừng như Pleiku đang có mùa đông. Đối diện với sự hình dung lạ thường ấy, tôi thành ra lãng mạn. Cái lạnh bao giờ cũng nhắc nhớ con người về hơi ấm, về tình yêu thương và những nỗi mong chờ. Như một hôm nào, có chút nắng ngang qua mùa đông, khiến cho sự lạnh giá của mùa đông bỗng chốc ngọt ngào.
Ai đó từng nói, khi mưa rơi trên cuộc đời bạn, hãy nhìn lên chứ đừng nhìn xuống. Bởi nếu nhìn xuống sao thấy được cầu vồng sau mưa. Đi qua những ngày mưa lạnh, ảm đạm và xa cách, tôi cũng mong lắm ngày phố xá gọi tìm nhau. Những gánh nặng, lắng lo trút xuống. Mọi thứ lại bình yên như một buổi sáng cuối tuần đẹp trời…
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

(GLO)- Bài thơ "Đêm sang mùa" của Đào An Duyên là một bức tranh thơ mộng về những khoảnh khắc chuyển giao, khi đêm và mùa giao thoa, khi không gian và thời gian hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác lạ kỳ, huyền bí...

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

(GLO)- Nhà giáo Tạ Chí Tào (trú tại huyện Chư Sê) mang trọng bệnh đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ chịu ngừng nghỉ. Anh vẫn đều đặn sáng tác văn học, nghiên cứu lịch sử. Đến nay, anh đã có gần 10 đầu sách, chính xác là 9 tập đã phát hành, còn 1 cuốn nghiên cứu lịch sử đang có kế hoạch xuất bản.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.