(GLO)- Tỉnh lộ 670B qua địa phận xã Đak Krong, huyện Đak Đoa được xem là tuyến đường quan trọng, huyết mạch nối liền các xã nằm trong khu vực. Chính vì thế, năm 2006, UBND tỉnh quyết định phê duyệt đầu tư, nâng cấp, nắn tuyến tỉnh lộ 670B (nhánh rẽ) với tổng vốn ban đầu gần 16 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm này cả cung đường vẫn còn nằm trong tình trạng dở dang. Nguyên nhân chính lại từ người dân-những người thụ hưởng trực tiếp chương trình này.
Đoạn đường dài hơn 500 mét nối từ thôn 4 qua thôn 3 của xã Đak Krong được rải nhựa phẳng lì, thẳng tắp từ năm 2010 nhưng đến thời điểm này vẫn nằm trong tình trạng vắng vẻ, im lìm. Đây là con đường thiết kế để nối liền với cây cầu bắc qua suối Ia Kram thuộc dự án nắn tuyến tỉnh lộ 670B (nhánh rẽ). Vì trở thành đường cụt nên thi thoảng trên đường chỉ có vài đứa trẻ thả diều hay đá bóng thay vì phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân. Câu chuyện nắn tuyến, làm cầu thông thương giữa thôn 3 và thôn 4 thuộc xã Đak Krong từ lâu trở thành chuyện thời sự của người dân trong xã và cả những xã lân cận.
Tỉnh lộ 670B. Ảnh: Thu Thủy |
Cách đây 3 năm, sau khi dự án bắt đầu triển khai, huyện và tỉnh liên tục tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, thắc mắc về vấn đề nắn lại tỉnh lộ 670B. Chính vì điều đó khiến việc triển khai thi công dự án chậm một thời gian dài. Trong số nhiều lý do, có không ít nguyên nhân do chính người dân sống xung quanh khu vực. Sau nhiều cuộc họp, hầu hết người dân có liên quan thống nhất phương án điều chỉnh, nắn tuyến tỉnh lộ 670B, trong đó làm cầu bắc qua suối Ia Kram nằm trên địa phận xã Đak Kroong. Theo đó sẽ có 14 hộ dân nằm dọc trục đường này phải di dời một phần hoặc toàn bộ nhà cửa để mở rộng tuyến đường. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của tỉnh nhằm giúp nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân sống ở các xã nằm trong khu vực.
Chính vì thế, 12 trên tổng số 14 hộ dân nằm trong diện giải tỏa đều rất đồng tình và nhanh chóng thống nhất phương án di dời để mở rộng đất làm đường từ cuối năm 2008. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn 2 hộ là Nguyễn Hưng Thành và Trần Văn Cương sống tại thôn 3 có nhà án ngữ ở bên kia chân cầu vẫn cương quyết không chấp nhận di dời. Chỉ vì 2 hộ dân không chấp nhận di dời, giải tỏa mà cả đoạn đường phải chịu rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Nhiều người rất bức xúc vì quan điểm, suy nghĩ và cả sự tính toán thiệt hơn của 2 hộ dân có nhà đang nằm án ngữ ở bên kia chân cầu. Ông Nguyễn Văn Dũng-một trong số 12 hộ dân nằm trong diện giải tỏa, đền bù trao đổi rất thẳng thắn: “Tỉnh, huyện chủ trương làm đường mới, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và làm nhà, dời vườn mở đường. Mức giá đền bù của 2, 3 năm trước thấp hơn nhiều so với bây giờ nhưng chúng tôi cũng chấp nhận, đâu có tính toán thiệt hơn như vậy. Chỉ vì 2 hộ dân không chịu giải tỏa mà cả con đường không thông thương. Đề nghị chính quyền có phương án cụ thể giải quyết dứt điểm”.
Bà Mai Thị Hiền mặc dù gần 70 tuổi nhưng rất nhiệt tình trong việc vận động con cháu dời nhà, nhường lại phần diện tích đất của gia đình để mở rộng đoạn đường. Bà Hiền tâm sự: “Sau khi nghe huyện có kế hoạch làm đường, nhà tôi dời vào cả chục mét nhưng tôi đồng ý ngay vì đây là chủ trương đúng. Chỉ có 2 hộ không chịu di dời mặc dù mức đền bù thỏa đáng. Vài người mà làm ảnh hưởng đến cả tập thể như thế thì cũng cần phải giải quyết triệt để”.
Theo ông Cương và ông Thành, ngoài việc đền lô đất có diện tích tương đương với phần diện tích đất gia đình đang ở thì Hội đồng Đền bù Giải phóng mặt bằng huyện chưa thực sự giải quyết thỏa đáng ở góc độ tài chính với tài sản trên đất gồm nhà ở, hoa màu và nhất là cây xăng đang sở hữu. Sau nhiều lần thương thảo, huyện Đak Đoa cũng thống nhất nâng mức giá đền tài sản trên đất cho gia đình ông Thành là 610 triệu đồng và ông Cương gần 1,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên cả 2 gia đình đều muốn được mức giá cao hơn, cụ thể là tài sản trên đất của ông Thành phải được định giá 800 triệu đồng và nhà ông Cương 1,2 tỷ đồng. Đây là điều không thể chấp nhận được vì Hội đồng Đền bù Giải phóng mặt bằng huyện Đak Đoa đã áp mức giá cao nhất trong khung quy định của Nhà nước. Đây chính là nguyên nhân làm một công trình nắn tuyến tỉnh lộ 670B (nhánh rẽ) bị gián đoạn.
Theo kế hoạch, dự án nắn tuyến tỉnh lộ 670B (nhánh rẽ) khởi công từ tháng 10-2008 và hoàn thành vào tháng 9-2009. Việc đưa đoạn đường thuộc tỉnh lộ 670B đi vào sử dụng sẽ mang lại những hiệu quả rất to lớn về kinh tế-xã hội của địa phương. Chỉ vì việc chưa thực sự mạnh tay của chính quyền địa phương và nhất là cách tính toán thiệt hơn đến quá mức của 2 hộ dân nói trên đã làm sự chờ đợi của hàng trăm hộ dân xung quanh khu vực về một con đường trở nên mòn mỏi.
Thu Thủy-Thùy Dung