Con tàu từng 100 lần bị bắt ở Hoàng Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
18 tuổi đã thuê tàu ra Hoàng Sa đánh cá và vài năm sau sắm chiếc tàu lớn nhất làng chài. Năm 28 tuổi cho tàu tìm hướng vào ngang dọc vùng biển ở bãi Tư Chính.
 
Ngư dân Bùi Trửu là người đầu tiên bị bắn thương tích tại Hoàng Sa.
Do đã bị Trung Quốc bắt và đuổi hơn 100 lần, nên ngư dân Bùi Trửu ở huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, ông và bà con không bao giờ sợ hãi trước những con tàu to xác chuyên dọa nạt những con tàu gỗ nhỏ bé.  
Thuê tàu đi Hoàng Sa
Đầu năm 1982, một chàng thanh niên có nước dai đen láng, tóc vàng hoe, dáng người cao dong dỏng, suốt ngày đứng ôm bánh lái cùng người anh trai chở 10 ngư dân “mò” đường ra Hoàng Sa.
Chàng thanh niên luôn miệng nói câu “có gan làm giàu, sống chết có số” kia là Bùi Trửu. Trên đường đi, thỉnh thoảng tàu dài 12 mét lại lọt vào giữa cơn giông. Có lúc đường chân trời ùn ùn mây đen như thần chết vừa thức giấc. Nhưng mũi thuyển vẫn không chuyển hướng. Mới 18 tuổi, chỉ 2 bàn tay trắng nên anh thuê thuyền của ông Liêu trong đất liền và hợp đồng tỷ lệ ăn chia chủ tàu 10 phần, bạn chài 12 phần. Các ngư dân hy vọng ra đảo sẽ hốt đậm cá như lời đồn đãi bấy lâu.
Cuối cùng, đảo Đá Lồi (16 độ 14’N-111 độ 40’E) cũng hiện ra ở một bên mạn tàu. Ngư dân Lý Sơn không gọi là Hoàng Sa mà gọi đúng tên mà ông bà thời trước để lại, đó là Cát Vàng. Do quá nhiều cá nên chỉ sau 3 ngày là ngư dân hốt cá đầy tàu. Mọi người chỉ lựa chọn cá to và ngon mang lên tàu. Do đánh bắt quá trúng nên chiếc tàu này tiếp tục tạo cú sốc lớn đối với thanh niên trai tráng trên đảo. Cả đảo râm ran chuyện muốn đổi đời thì nên đi Cát Vàng.
Giữa lúc các ngư dân trong đất liền ầm ầm đánh tàu ra Cát Vàng thì chàng thuyền trưởng 18 tuổi đã đánh mắt nhìn ra vùng biển xa gấp đôi, gấp ba, đó là Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield nằm giữa biển Đông, ngư dân thường gọi là bãi Trung Sa. Từ đất liền ra Macclesfield phải đi ròng rã khoảng 3 ngày 3 đêm. Đối với ngư dân thời đó, ra Macclesfield là điều mạo hiểm. Nếu chạy giữa đường hoặc đánh lưới mà trời đổ gió thì dễ bỏ mạng, vì không có đảo nổi để dựa.  
Chạm mặt lính tuần
Giữa năm 1983, các ngư dân đang đánh cá gần đảo Phú Lâm thì tàu tuần tra đến. Các ngư dân sợ hãi chui tọt vào trong ca bin hé mắt nhìn sang. Còn chàng thuyền trưởng có dáng người cao này chỉ thò đầu ra nhìn rồi lại quay vào tàu ung dung cầm lái cho con tàu chạy. Bọn lính đuổi theo, cập tàu vào và bắt đầu xông lên tàu đập phá đồ đạc, cắt dây hơi nhằm triệt đường làm ăn. Đây cũng là một trong những vụ đầu tiên ngư dân ra Hoàng Sa bị Trung Quốc tấn công, tịch thu tài sản.
Tai ương không chỉ dừng lại ở đó. Vì con tàu nhỏ tiếp tục bị săn đuổi. Bọn lính bắn đạn vào ca bin. Thuyền trưởng đứng cầm lái và bị dính đầu đạn xuyên qua đùi. Nghiến răng chịu cái bỏng rát trong xương, ông Trửu hô anh em kéo hết ga, cho tàu chạy theo kim la bàn 270. Sau một ngày một đêm, con tàu vào Đà Nẵng, ông Trửu được đưa lên Bệnh viện C để phẫu thuật. Thời đó, báo chí không đăng tin sốt dẻo như bây giờ. Vì vậy vụ việc ngư dân đầu tiên bị bắn ở Hoàng Sa rồi cũng trôi vào quên lãng.
 
Cá lớn ngư dân câu ở bãi Tư Chính.
Sau vụ bị bắn thương tích, con tàu này vẫn tiếp tục mở biển ra Hoàng Sa, chuyến biển nào cũng đối mặt với việc bị săn đuổi, bắt giữ, thu cá, dọa nạt...Vào một ngày trời lặng gió, chàng ngư dân trẻ mở hải đồ giấy và quyết định đến vùng biển tự do là Macclesfield nằm giữa biển Đông. Con tàu mải miết đi mãi giữa biển khơi không thấy bến bờ. Từ đảo cuối cùng ở mạn đông của quần đảo Hoàng Sa chạy thêm 74 hải lý nữa thì tới đảo ngầm này. Bãi ngầm nằm ở khoảng tọa độ 15 độ 30 phút vĩ độ bắc - 113 độ 56 phút kinh độ đông.
Những chuyến đầu tiên đến vựa cá lớn nhất giữa biển Đông, tàu đánh bắt ở mạn phía tây của bãi ngầm, sau đó dần dần đi qua mạn đông, đông bắc, các ngư dân đo được bãi ngầm này dài đến 75 hải lý, rộng khoảng 33 hải lý. Con tàu nhỏ trở thành chủ nhân của bãi ngầm, vì nơi đây vắng hoe không có bóng dáng một con tàu nào. Việc ngư dân đưa tàu ra giữa biển Đông đã trở thành một sự kiện rúng động làng chài. Một số người trong đất liền và cán bộ địa phương vào thời đó chỉ giải thích lờ mờ rằng Trung Sa có nghĩa là giao điểm giữa Hoàng Sa và Trường Sa.  
Ngang dọc Tư Chính
Năm 1992, sau 10 năm làm biển, chàng ngư dân 28 tuổi ra Đà Nẵng đặt đóng chiếc tàu đầu tiên mang biển số QNg 6064 TS. Tiêu chuẩn đóng tàu được hợp đồng với xưởng là đóng loại gỗ tốt nhất để có thể chịu sóng gió khi liên tục vượt hàng ngàn hải lý giữa các đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi ngầm.
Toàn bộ tàu được đóng bằng gỗ kiềng kiềng già, đây là loại gỗ chịu nước mặn, sau mấy chục năm sử dụng, bề ngoài có vẻ cũ kỹ, nhưng lấy dao vót nhẹ một lớp thì sớ gỗ bên trong vẫn mới và vàng như nghệ. Phần thiết kế xỏ lái, xỏ mũi được đóng bằng gỗ cây lim già, gỗ cứng như sắt. Tàu đi biển, các ngư dân cứ lấy nước tưới lên xỏ lái thì gỗ vẫn như còn tươi. Đây là những loại gỗ mà hiện nay trên thị trường chỉ còn gỗ tạp và gỗ non, chất lượng kém.
 
Con tàu cùng ông Trửu nhiều năm xuôi ngược biển khơi.

Ngư dân Bùi Trửu chia sẻ, bà con ở đảo Lý Sơn rất đau xót khi bãi Tư Chính đang bị tàu thăm dò của Trung Quốc ngang nhiên dày xéo, nhiều ngư dân và anh luôn sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.


Tàu hạ thủy, ngư dân giở hải đồ giấy rồi tự mò đường đi Trường Sa. Chàng thuyền trưởng năm đó 28 tuổi cho tàu chạy ép sát bờ vào tới Khóm Bố của Nha Trang rồi quật ra bãi Tư Chính, Phúc Tần, đảo Tiên Nữ…. Thời điểm năm 1992, đây cũng là thiên đường cá. Các ngư dân kể lại, “cá nhiều vô kể, không thể nào chở hết. Trên các bãi rạng san hô là vô số ốc, ốc co như bắp chân bò ngổn ngang. Khi lặn xuống rạng san hô thì gặp cơ man nào là hải sâm, mực, tôm…”.
Làm biển, đánh đâu trúng đó, chưa bao giờ biết đến mùi thua lỗ. Vì vậy đến năm 1994, chàng thuyền trưởng 30 tuổi tiếp một chiếc tàu có chiều dài 17 mét mang số QNg 6057 TS. Người dân Lý Sơn luôn dán mắt vào con tàu mới, vì đây là tàu lớn nhất ở đảo. Hai con tàu này chở được 1.700 cây đá. Có 2 tàu như chim mọc thêm cánh. Vì ngư dân đi xa thường đi kẹp sẽ tạo ra tâm lý thoải mái. Trên đường hành trình, nếu một tàu hỏng hóc hoặc gặp sự cố thì có tàu bên cạnh hỗ trợ.
Tôi gặp lại ngư dân nổi tiếng nhất đảo Lý Sơn vào một ngày mùa hè năm 2019. Chàng ngư dân trẻ 18 tuổi cầm lái hăm hở chạy tàu ra Hoàng Sa và suốt mấy chục năm từng bị bắt giữ, xua đuổi hàng trăm lần, giờ đã trở thành lão kình ngư 55 tuổi. Con tàu của ông Trửu được cải hoán và mang số QNg 96427 TS. Vậy nhưng số kiếp của nó vẫn xông pha và long đong như thời của ông còn trẻ. Ông Trửu tâm sự, do chuyến biển bây giờ dài ngày hơn nên mong ước lớn nhất là được vay vốn đóng tàu lớn hơn để bám biển Hoàng Sa, vào bãi Tư Chính như thời trai trẻ.
 Nông nghiệp Việt Nam (Lê Văn Chương/Kiến thức gia đình số 32)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.