Con lai - Nỗi đau chưa qua: Những người khốn khổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bị kỳ thị, thất học, không nghề nghiệp, nghèo khổ, bệnh tật... Đó là cuộc đời của nhiều con lai còn ở lại Việt Nam.
 
Chị Nguyệt mưu sinh bằng nghề lượm ve chai. Ảnh: Quang Viên
Đến tận nơi sinh sống của những con lai để nghe, để nhìn “cận cảnh” mới thấy cuộc đời họ ngoài sức tưởng tượng.
Chăn bò, ăn xin
Giữa trưa nắng gắt, căn nhà nhỏ như hộp diêm, lợp tôn thấp lè tè của anh con lai Minh Sinh nóng như cái lò lửa. Ngồi bệt xuống sàn nhà, anh Sinh kể: “Mẹ tôi kể trước năm 1968 làm bồi phòng cho Mỹ ở Long Bình (Đồng Nai) rồi gặp cha. Sau 1975, mẹ sợ tôi giống con lai, đè cắt lông mi cho ngắn, rồi dắt trốn về Định Quán.12 tuổi phải đi chăn bò cho người khác.16 tuổi mẹ mất, phải làm thuê đủ thứ việc để tồn tại: đào phế liệu trong các hố bom, hốt rác... Hiện tại tôi cùng vợ phải cưu mang 3 đứa cháu, mua lá chuối tại vườn đem bán cho những nơi làm bánh chưng, bánh tét, kiếm lời 100.000 -150.000 đồng/ngày”.
Không còn giấy tờ và các bằng chứng về cha, năm 1994, anh Minh Sinh đi phỏng vấn bị rớt. Cùng quẫn anh đâm đầu ra đường cho xe cán, may có người kịp ngăn lại. Mới đây qua chương trình thử DNA, anh đã tìm được cha nhưng cha đã mất. “Vẫn chưa biết khi nào lãnh sự quán cho đoàn tụ với gia đình cha. Nhưng tìm ra cha cũng an ủi được phần nào”, anh Sinh trải lòng.
Anh Phạm Thanh Sơn (quê Hậu Giang) cũng sống trong căn nhà thuê tuềnh toàng chật hẹp và nóng nực như rất nhiều anh chị em con lai khác. Sơn cho biết: “Bà già gặp ông già làm việc trong sân bay Tân Sơn Nhất, rồi sinh tôi năm 1968. Bà có giữ cả thẻ bài quân nhân, áo quần, hình ảnh ông già. Nhưng sau giải phóng phải tiêu hủy hết”.
2 tuổi Sơn phải sống với bà ngoại, 11 tuổi đi ở đợ, 18 tuổi chăn trâu cho chủ, rồi lấy vợ năm 21 tuổi. Thất học nên không có việc làm gì ra hồn, đành mưu sinh bằng nghề thợ hồ, chạy xe máy chở áo quần thuê, ăn theo chuyến. Hai vợ chồng cả tháng gộp lại được chừng 8 - 9 triệu đồng mà phải nuôi 4 miệng ăn, trả tiền thuê nhà nên thiếu trước hụt sau. Sơn cho biết thêm vừa thử DNA có kết quả lai châu Âu 48%, nhưng vẫn chưa kết nối được với cha.
 
Anh Sinh đi hốt rác. Ảnh: NVCC
Tại Trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn (xã An Ngãi, H.Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), chúng tôi gặp anh con lai Nguyễn Văn Cường (còn gọi là Cường Salem). Người đàn ông sinh năm 1971, cao 1 m 72, có gương mặt rất Tây nhưng già như ông lão, gầy trơ xương.
Đó là hậu quả của những ngày lang thang đầu đường xó chợ xin ăn, nghiện rượu và mang đủ thứ bệnh tật. Ngồi co ro trên giường, Cường Salem khó nhọc mới thốt được vài lời: “Mới sinh ra mẹ đã để cho cậu nuôi. 10 tuổi lang thang xin ăn, ngủ trong công viên, sạp hàng ở chợ cho đến khi vô trung tâm này”.
Chìa hai cánh tay đầy vết cắt, anh Cường bộc bạch: “Buồn chán quá, 18 tuổi uống rượu say rồi lấy dao lam cắt cho máu chảy để chết mà không chết”. Ở trung tâm cũng là điều may mắn cho Cường Salem, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn đứa con lai này vẫn mong một ngày gặp cha. “Mẹ chết lâu rồi, còn cha thì chưa biết. Ước gì gặp được cha”, vài giọt nước mắt ứa ra chỉ đủ để khô quắt lại trong đôi mắt sâu hoắm của anh.
 
Bữa cơm của anh Cường tại Trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn. Ảnh: Quang Viên
“Đồ Mỹ đen!”
Tại Sóc Trăng, tôi gặp chị Minh Nguyệt, một phụ nữ lai da đen. Căn nhà chưa đến 20 m2 của chị có được nhờ hội Tình lai không biên giới giúp đỡ. Tuổi thơ và quãng đời thanh xuân của chị quá cơ cực. Chồng chết vì ung thư cách đây mấy năm, mình chị phải lượm ve chai nuôi con, lâu lâu may mắn có người gọi đi bốc mộ.
Mẹ chị kể: “Tôi gặp cha con Nguyệt ở Dốc Sỏi, Biên Hòa (Đồng Nai) khoảng năm 1965 - 1966. Hồi đó tôi bưng bia, bưng nước ở quán bar. Ổng cao, có chiếc răng bịt vàng hình trái tim, cười rất duyên, vui tính. Ổng về nước không biết tui có bầu. Ổng đen thui nên sinh ra con Nguyệt cũng đen thui”.
Chị Nguyệt chêm vào: “Bởi vì lai da đen nên hồi trước tui bị nhiều người nói “Đồ Mỹ đen!”, mấy lần tức quá đánh lại những đứa cùng trang lứa”. Thử DNA đã biết là lai, nhưng tìm ra cha cũng là nỗi mong đợi ngậm ngùi của người phụ nữ nghèo khổ này.
 
Đây là nơi anh Sinh tá túc khi đi hốt rác. Ảnh: NVCC
Biên Hòa là nơi tập trung rất nhiều con lai. Suốt cả tuần, chị Bùi Thị Loan (còn gọi “Gái đen”) đã ngóng gặp chúng tôi. Chị cho biết: “Tôi nhớ mang máng bà ngoại kể cha tên Ally hay Engly gì đó người da đen, đóng quân ở Biên Hòa. Khi tôi mới 3 tháng tuổi mẹ đem cho bà ngoại họ nuôi.12 tuổi đã đi làm ruộng, lớn hơn một chút phải kéo bừa thay trâu. Không những cực mà còn tủi nhục vì ra đường chị cứ bị chọc: “Mỹ đen, nằm trong bóng đèn. Đứt bóng đèn, lòi ra Mỹ đen”.
Năm 1990 chị Loan lấy chồng, sinh 4 đứa con. Chồng chạy xe ba gác, chị làm công nhân, nghèo khổ cứ bám riết. Năm 2003, có người Mỹ tên John đến nhà tìm hiểu để kết nối tìm cha giúp, một tờ báo ở Mỹ cũng đăng bài về chị. Sau đó, một người Mỹ da đen đến đây, nhìn ông ta giống gương mặt của chị. Ông nắm tay chị xúc động, nói sẽ quay lại, nhưng không nhận chị là con. “Vậy mà đến nay ổng không quay lại. Trong linh cảm của tôi người này là cha”, chị Loan bùi ngùi nói.
Chị Lê Thị Kim Thu ở Biên Hòa (cũng có tên gọi “Gái đen) là “tác phẩm” của người cha Mỹ đen và mẹ chị khi bà làm bồi phòng trước 1975. Chị nhớ như in ngày mẹ đem bán chị để… lấy 20 đồng. Kể từ đó chị không còn gặp mẹ và cuộc đời chị cũng trải qua chuỗi ngày cùng cực, bị mọi người kỳ thị gọi: “Da đen, da đỏ. Đập vỏ trứng gà, lòi ra da đen”. Bây giờ cuộc sống vẫn cơ hàn, chị lại còn mang trong mình căn bệnh ung thư. Bao nhiêu năm nay chị Thu cố tìm cha nhưng tuyệt vọng. (còn tiếp)
Chăm chỉ, chịu khó sẽ có việc, có nhà
Khó khăn nhất đối với con lai mới qua Mỹ là bất đồng ngôn ngữ. Họ tự nhiên trở thành “câm điếc” bất đắc dĩ khi người ta nói mình không hiểu, nói lại cũng không được, cũng vì thế khó có việc làm tốt.
Anh Tươi Lê, con lai định cư tại Mỹ hơn 10 năm, chia sẻ khó khăn khác là nhà cửa. Muốn có nhà phải có việc làm ổn định trong 2 - 3 năm, tích lũy khoảng 30.000 - 40.000 USD để mua một căn nhà trả góp cả gốc lẫn lãi khoảng 100.000 - 200.000 USD trong vòng 30 năm. Giả sử thời điểm mua một căn nhà khoảng hơn 100.000 USD, qua một vài năm, số tiền có thể tăng lên chừng 150.000 - 200.000 USD.
Hiện anh Lê cùng vợ sở hữu tiệm nail uy tín, mỗi năm thu nhập trên 100.000 USD. Anh nói: “Nếu anh chị em lai chăm chỉ, chịu khó cân đối chi tiêu, vẫn có nhiều cơ hội nghề nghiệp như làm hãng xưởng, nail, phục vụ... Việc mua nhà cũng không vượt quá tầm tay”.
Quang Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.