Côn Đảo-Từ địa ngục tới thiên đường: Nguyên khí đất thiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một trong những người chúng tôi gặp trong chuyến công tác tại Côn Đảo kỳ này là anh Phan Thanh Biên- Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Côn Đảo. Là một người thuộc thế hệ trẻ đầu tiên lớn lên và trưởng thành tại Côn Đảo, anh Biên đã kể về cuộc sống với khát vọng của một thế hệ trẻ tại hòn đảo tươi đẹp này.
Nối gót cha anh
Anh Phan Thanh Biên là con của cựu tù Côn Đảo Phan Hoàng Oanh - một trong 150 cựu tù đã tình nguyện ở lại xây dựng Côn Đảo vào tháng 5/1975 mà chúng tôi đã nhắc tới trong bài trước. Anh Biên sinh năm 1977 tại Côn Đảo, thuộc thế hệ công dân đầu tiên sinh ra trên hòn đảo đã từng mệnh danh là “Địa ngục trần gian”. Anh Biên kể ngày đó Côn Đảo rất ít dân, chủ yếu là các hộ gia đình công tác tại đảo và trường học tuy có nhưng thiếu thầy cô giáo. Khó khăn như thế nhưng tới năm 1994, Côn Đảo đã có thế hệ đầu tiên tốt nghiệp phổ thông. “Tôi còn nhớ khi đó cả Côn Đảo chỉ có 15 em tốt nghiệp. Dù ít học sinh nhưng trường vẫn thành lập Hội đồng thi, chấm thi rất nghiêm túc”- anh Biên kể.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Biên theo học Đại học Bách khoa ngành Quản lý Công nghiệp rồi học Thạc sỹ Quản lý hành chính công. Cũng có bạn bè rủ anh vào đất liền làm việc nhưng anh từ chối. “Tôi đã xác định ngay từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông, tôi sinh ra trên hòn đảo này thì đây là quê hương, sao lại bỏ đi khi chưa làm được gì cho quê hương chứ!”. Trở về Côn Đảo, anh Biên làm việc tại Phòng kinh tế huyện một thời gian rồi tham gia HĐND huyện. Là con một cựu tù, lại được sống trên mảnh đất từng là trường học lớn của cách mạng, anh Biên có cơ hội để phát huy được những năng lực, tinh thần của một cán bộ trẻ năng động, có trình độ học thức. Được quần chúng và đồng nghiệp tin tưởng, anh Biên được bầu làm Phó Bí thư thường trực của Huyện uỷ Côn Đảo nhiệm kỳ 2020 - 2025 và là Chủ tịch HĐND huyện trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Một gương mặt trẻ khác tại Côn Đảo mà chúng tôi muốn nhắc tới là cô gái Nguyễn Thị Thu Thảo, người từng là Thủ lĩnh thanh niên tại Côn Đảo trong nhiều năm. Là người con của mảnh đất Côn Đảo, Thu Thảo đã góp sức rất nhiều để nâng cao vị thế, uy tín của lực lượng trẻ tại hòn đảo này. Cách đây 5 năm cũng trong dịp tháng 3, khi lần tới Côn Đảo để tìm hiểu về hoạt động trong tháng thanh niên, nhiều người dân đã nói “Ở Côn Đảo, mỗi khi có khó khăn hãy tìm đến cô Thảo Bí thư” và coi như đó là “bí quyết” của những người nghèo nơi đây khi cần giúp đỡ. Thu Thảo sinh ra và lớn lên ở Côn Đảo và khi lớn lên, tiếp nối truyền thống của gia đình Thảo đã tích cực tham gia hoạt động phong trào. Theo học trường Đoàn Lý Tự Trọng, Thảo chọn về lại Côn Đảo làm công tác phong trào. Thảo cho biết: “Côn Đảo của em còn nhiều người nghèo lắm nên em muốn đem chút sức mình để giúp đỡ họ. Không gì bằng được làm việc ở quê hương”.
 
Nguyễn Thị Thu Thảo đi làm từ thiện trong màu áo thanh niên. Ảnh: NVCC
Nguyễn Thị Thu Thảo đi làm từ thiện trong màu áo thanh niên. Ảnh: NVCC
Hơn 10 năm làm Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Côn Đảo, Thảo đã đưa phong trào của huyện lên một tầm cao mới với nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa và gắn bó với thanh niên. Đặc biệt với đặc thù của Côn Đảo, Thảo đã cùng Ban chấp hành sáng tạo ra nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như tổ chức chăm sóc dọn dẹp nghĩa trang liệt sỹ Hàng Dương; xây dựng chương trình “Tham quan hệ thống nhà tù Côn Đảo”; chương trình “Xanh - sạch Côn Đảo”… Các hoạt động của Huyện Đoàn Côn Đảo được các cấp lãnh đạo đánh giá cao và liên tục nhiều năm liền Huyện Đoàn đạt danh hiệu xuất sắc. Bên cạnh việc phát huy vai trò một thủ lĩnh thanh niên, Thảo còn khéo léo vận dụng từ kinh nghiệm của bản thân để đưa ra mô hình hoạt động từ thiện khá hiệu quả là xây dựng quỹ Ủng hộ người nghèo, người khó khăn tại địa phương. Thảo cùng các đoàn viên đi sâu sát ở cơ sở, tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn để vận động mọi người cùng giúp đỡ. Hơn 3 năm xây dựng quỹ, Thảo đã quyên góp được hàng tỷ đồng, giúp đỡ được rất nhiều người bệnh, người nghèo.
Truyền thống trường tồn
 
Ông Phan Thanh Biên (bìa phải) trong một lần đi trao quà cho lực lượng y bác sỹ chống dịch tại Côn Đảo Ảnh: NVCC
Ông Phan Thanh Biên (bìa phải) trong một lần đi trao quà cho lực lượng y bác sỹ chống dịch tại Côn Đảo. Ảnh: NVCC
Chuyến đi này chúng tôi được Ban Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo giới thiệu anh Đỗ Quốc Vương - một cán bộ trẻ của trung tâm đưa chúng tôi đi thăm các di tích. Vương sinh ra và lớn lên ở Đất Đỏ (mảnh đất cái nôi của cách mạng và là quê hương của người nữ Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu). Nhập ngũ và ra đóng quân tại Côn Đảo, Vương trót yêu hòn đảo này nên sau khi ra quân, Vương đã xin ở lại Côn Đảo, lựa chọn làm hướng dẫn viên của Ban quản lý di tích để giới thiệu về mảnh đất này với mọi người. Anh Vương kể những ngày đầu tiên khi làm công tác hướng dẫn, anh gặp rất nhiều khó khăn bởi tư liệu của Côn Đảo rất nhiều nhưng để thu hút được người nghe là một điều rất khó. Những tư liệu về chính trị nếu không biết nói sẽ rất khô khan. “Tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều tư liệu, học hỏi những anh chị đi trước cũng như gặp những nhân chứng lịch sử để lắng nghe họ kể chuyện. Những câu chuyện rất đời, rất thực tế của 113 năm của Địa ngục trần gian sẽ dễ thu hút người nghe hơn”.
“Côn Đảo đã có một thế hệ những người trẻ đang làm những công việc khác nhau hay giữ những vị trí lãnh đạo trong nhiều ban ngành tại đây. Họ đều giống nhau ở chỗ, tâm huyết với Côn Đảo, đem trình độ tri thức cùng sự đam mê của sức trẻ để tiếp bước cha anh tiếp tục dựng xây Côn Đảo phát triển mạnh mẽ”.
Ông Đoàn Hữu Hoài Minh - Nguyên Phó Ban quản lý Di tích Côn Đảo
Từ những kinh nghiệm trong thực tế, anh Vương đã khéo léo đưa các tư liệu sống động vào bài thuyết minh của mình và trở thành một trong những hướng dẫn viên tiêu biểu tại Côn Đảo. Trong suốt 2 tiếng đưa chúng tôi đi thăm các di tích, rất nhiều du khách hút hồn theo những câu chuyện anh Vương giới thiệu. Những câu chuyện kể về cuộc sống và tranh đấu của những người tù cách mạng qua lời thuyết minh của anh Vương hấp dẫn, cuốn hút người nghe. Khi anh Vương nói lời kết cho chuyến đi, hàng chục du khách đứng vây quanh đã vỗ tay khen ngợi.
Hiện nay anh Vương đã chuyển sang làm công tác quản lý đội ngũ hướng dẫn viên trẻ. Dưới sự quản lý của anh, hiện Trung tâm có hơn 20 hướng dẫn viên trẻ, có năng lực và có sự đam mê với công việc. Anh Vương bảo: “Khí phách, nghị lực và ý chí trong suốt 113 năm đấu tranh của những người tù nơi mảnh đất này đã giúp cho chúng tôi thêm yêu công việc của mình. Chúng tôi mong sẽ góp phần nhỏ bé của mình để giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc tới những người ghé thăm Côn Đảo”.
Theo Trọng Thịnh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.