"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"(*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là quan điểm sống của anh Đỗ Quốc Cường (26 tuổi, thôn 4, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai) khi nói về hoạt động sản xuất của gia đình. Hơn 2 năm qua, bằng sự kiên trì, chịu khó và sáng tạo trong lao động sản xuất, anh Cường đã thu nhập khoảng 400 triệu đồng mỗi năm từ mô hình vườn-ao-chuồng.
Biết anh Cường quá bận rộn với công việc làm rẫy nên chúng tôi đã phải gọi điện hẹn trước để gặp. Dù vậy, mãi đến 12 giờ trưa, anh mới vội vàng từ rẫy trở về nhà. Lau vội mồ hồi trên trán, anh Cường phân trần: “Do vừa chuẩn bị ao nuôi cá vừa thu hoạch hồ tiêu mà nhân công ít nên vợ chồng tôi phải tranh thủ làm cho kịp”.
Nhờ được chăm sóc tốt, đàn dê của gia đình anh Cường đã phát triển lên 70 con. Ảnh: N.H
Nhờ được chăm sóc tốt, đàn dê của gia đình anh Cường đã phát triển lên 70 con. Ảnh: N.H


Anh Nguyễn Viết Quyền-Bí thư Đoàn xã Ia Blang: “Anh Đỗ Quốc Cường là tấm gương thanh niên trẻ tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy bận rộn nhưng anh luôn tham gia đầy đủ mọi phong trào, hoạt động Đoàn và đặc biệt là đã tạo được nhiều việc làm thời vụ cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn”.


Nói xong, anh dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình vườn-ao-chuồng của gia đình. Qua trò chuyện, chúng tôi khá bất ngờ khi biết, mô hình này được vợ chồng anh gầy dựng mới chỉ hơn 2 năm nay và ngay trên diện tích đất đầy sỏi đá. Anh Cường cho biết, trước đó, anh có 2 năm đi lính nghĩa vụ. Trong quá trình này, anh được tham gia huấn luyện, tăng gia sản xuất và làm dân vận giúp dân sửa nhà, dọn vệ sinh, thu hoạch nông sản, nạo vét kênh mương. Do vậy, sau khi xuất ngũ, anh không nề hà bất cứ việc khó khổ nào để cùng bố mẹ cải tạo đất, chăm sóc, thu hái nông sản.
Năm 2016, sau khi lập gia đình, anh được bố mẹ cho 5 sào đất trống. Biết đất đai cằn cỗi nên anh đã bàn với vợ gom số tiền hơn 40 triệu đồng được gia đình hai bên cho để cải tạo. Ròng rã suốt 2 tháng, vợ chồng anh mới lọc đá xong, rồi thuê máy múc đổ đi nơi khác. Sau đó, vợ chồng anh vay mượn thêm tiền đầu tư trồng 500 cây cà phê. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, đến nay, vườn cà phê của gia đình anh phát triển tốt.
Đặc biệt, vốn gắn bó với nghề nông từ nhỏ nên anh Cường sớm biết rằng cái khó nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Do đó, anh chọn sản xuất theo hướng đa cây, đa con để chủ động đầu ra cho sản phẩm, đồng thời tận dụng các phế phẩm nông nghiệp trong sản xuất, chăn nuôi để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.  Xuất phát từ suy nghĩ đó, năm 2016, song song với trồng cà phê và hồ tiêu, vợ chồng anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư mua đất rồi đào ao nuôi cá với diện tích hơn 7 sào. Đến nay, ao cá đã cho thu 4 đợt với tổng số tiền 200 triệu đồng.
Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, anh đã đầu tư mua thêm 1,5 ha đất để chăn nuôi dê, bò, heo và trồng thêm cà phê, hồ tiêu, chanh dây, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi... Đến cuối năm 2018, gia đình anh đã có tổng cộng 2 ha đất sản xuất với 1.000 cây cà phê, 500 trụ hồ tiêu, 200 gốc chanh dây, 5 sào cỏ, 2 ao cá cùng đàn dê 70 con, bò 25 con, heo 50 con (gồm heo giống và heo con). Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu 500-600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi 350-400 triệu đồng.
Nói về kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, anh Cường cho biết, điều quan trọng nhất vẫn là phải kiên trì, chịu khó; sau đó, cần phải mạnh dạn đầu tư và tìm hiểu thị trường để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. “Làm nghề gì cũng đều vất vả chứ không riêng gì nghề nông. Chỉ cần mình cố gắng, dám nghĩ, dám làm và luôn tin rằng “đất không phụ lòng người”, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” thì mọi việc dù khó đến đâu cũng đều có kết quả”-anh Cường vui vẻ chia sẻ.
Nhật Hào
------------------
(*) Một câu trong bài thơ “Bài ca vỡ đất” của nhà thơ Hoàng Trung Thông. 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.