Có một cung đường xương máu ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo kế hoạch, ngày 7-9-2017, tại tỉnh Kon Tum sẽ diễn ra buổi tọa đàm “Giá trị, ý nghĩa lịch sử và công tác bảo tồn, phát huy di tích Nhà ngục Kon Tum”. Tại đây, chúng tôi dự kiến trình bày chuyên đề khảo tả cung đường 14 do tù chính trị Ngục Kon Tum xoi mở vào các năm 1931-1932 dưới sự cai quản tàn bạo kiểu khổ sai của thực dân Pháp.

Đường lên Đak Sút, Đak Pao…

Nhiều người còn nhớ câu thơ Tố Hữu: “Đường lên Đak Sút, Đak Pao/Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh” (Tiếng hát đi đày). Ấy là cảm nhận của nhà thơ khi bị áp giải ngang qua đoạn đường 14 này để đến Căng an trí Đak Glei (Kon Tum).

Khu vực Tây Nguyên ngày nay đã thông thương ra Bắc vào Nam qua đường Trường Sơn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có ngang qua một cung đường hơn 30 cây số được “lót” bằng trên 210 xương xác những nhà cách mạng và yêu nước của một thời kỳ lịch sử đã lùi xa!

 

Du khách tham quan di tích Ngục Kon Tum. Ảnh: K.N.B
Du khách tham quan di tích Ngục Kon Tum. Ảnh: K.N.B

Dĩ nhiên ai cũng hiểu đường Trường Sơn, đoạn ngang qua Bắc Kon Tum (tức cực Bắc Tây Nguyên), về cơ bản là vẫn lượn theo dấu tích đường 14 cũ do tù chính trị Ngục Kon Tum xoi mở cách đây gần 90 năm, dù đã qua nhiều lần nắn sửa. Những điểm, những phần nắn sửa ấy ngày nay đã hoang hóa theo xứ rừng mưa nhiệt đới gió mùa.

Lần theo cứ liệu từ những trang tư liệu ít ỏi có được, chúng tôi làm một chuyến “về nguồn” đến với cung đường cũ theo chiều từ Nam ra Bắc-tức ngược lại chiều thứ tự km của cột cây số đường Hồ Chí Minh. Trong ký sự “Ngục Kon Tum”, Lê Văn Hiến 2 lần xác định: “Đường số 14 từ Buôn Ma Thuột qua Kon Tum đến địa đầu Quảng Nam, trước đã làm đến Đak Sút. Từ Đak Sút, Đak Pao lên đến Đak Tao, Đak Pét là do nhà phạt làm”. Từ định vị ấy, nơi đầu tiên chúng tôi dễ dàng tìm đến là địa danh Đak Sút (vì tên gọi này ngày nay vẫn còn). Tại khoảng Km 1460 đến Km 1459, dọc theo 2 bờ tả và hữu ngạn sông Pô Kô và cũng dọc theo ven đường Hồ Chí Minh, ngày nay có đến 3 làng Đak Sút (vì dân đông, sau này chia thành 3 làng, ở cận kề nhau). Đây là nơi bắt đầu cung đường tù chính trị xoi mở đi dần về hướng Bắc.

Không tìm ra địa danh Đak Pao, hỏi thăm, được ông A Dôn, dân tộc Giẻ-Triêng, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Krông, cho biết: Trước đây, vùng này là xã Đak Pao. Đến năm 1977, đổi tên thành xã Đak Krông. Đak Pao là tên một con suối nhỏ cắt ngang đường 14 cũ-nay là đường Hồ Chí Minh-nơi có chiếc cầu Đak Wăt bây giờ, tại Km 1450+829. Theo ông A Dôn, lúc bấy giờ, trừ Đak Sút đã là làng thì ở đây cư dân thưa thớt, quen tập quán du canh-du cư, cũng chưa có đường sá đi lại nên chưa có làng thôn tụ cư để thành địa danh. Do vậy, các địa danh ở đây đều gọi theo tên sông suối và tên gọi ấy là chỉ chung cho cả vùng.

Thế là từ Đak Sút đi về hướng Bắc chừng 9-10 km là đến suối Đak Pao. Khu vực Đak Pao là nơi thực dân Pháp lập lán trại đầu tiên để tù chính trị Ngục Kon Tum đến ở và làm đường. Cái âm vang “Đak Pao” khiến đến đây không thể không tưởng tượng lại những mô tả của Lê Văn Hiến và Ngô Đức Đệ (là 2 cựu tù Ngục Kon Tum có mặt lúc bấy giờ) về lán trại Đak Pao; chúng cũng không thua kém gì cách giam cầm tại Nhà ngục Kon Tum: “Lán trại này là lán trại của tù, nên thiết kế theo kiểu nhà tù (…) lán rộng và dài ước giam được trên 300 tù. Cột kèo bằng cây, mái lợp lá, bốn bề để trống, không thưng đóng gì cả, chỉ giăng thép gai dày đặc. Trong nhà làm 2 cái sạp nằm dài bằng nứa dập. Hai sạp nằm ấy ở 2 bên, ở giữa có một sạp nằm rộng 4 m để 2 hàng tù nằm quay đầu lại với nhau. Mỗi sạp nằm đều có một dãy cùm, cả lán hình thành 4 dãy cùm, khi cùm tù xong thì nó trở nên 4 hàng chân, như vậy lính dễ đếm tù, chúng chỉ cần đi quanh một vòng là đủ. Ở 4 hàng cùm ấy có 4 hàng ống tre treo lủng lẳng, đó là ống ỉa đái và ống đựng nước uống của tù…” (Ngô Đức Đệ). Tại lán trại ấy, mỗi khi tù đi làm đường trở về thì “bất kỳ ngày hay đêm đều đút cẳng vào cùm, nêm chặt lại, thế là không trốn tránh đâu được nữa. Mỗi người được lãnh một cái ống tre để luôn bên cạnh mình mà phóng uế” (Lê Văn Hiến).

Dĩ nhiên, ngày nay không còn dấu vết lán trại nào nữa cả. Mà nói chi đến bây giờ, vào năm 1940, tức mới chỉ 10 năm sau, trong lần bị bắt lại và bị áp giải đến Căng an trí Đak Glei, khi ngang qua cung đường này, Lê Văn Hiến đã ngậm ngùi tâm sự: “Tôi tìm lại dấu vết của đồn trại cũ, nơi tôi đã cùng anh em ăn ở, cùng gánh vác khổ cực, nhưng giờ chỉ thấy rừng là rừng…”.

Ở Đak Pao đến khi cự ly đi làm đường đã xa thì lán trại được chuyển tiếp đến địa danh Đak Tao. Trong bài vè “Nhà ngục Kon Tum”, tác giả Lê Văn Mỹ (một tù chính trị lúc bấy giờ) có cho biết việc dịch chuyển này: “Những kẻ sống hiện thời/Đứng ngồi sao cho nổi/Ba chìm bảy nổi/Vừa một hội Đak Pao/Do đó được ít lâu/Lên Đak Tao đóng trại…”. Hồ Văn Ninh (cũng một tù chính trị lúc bấy giờ) viết: “Kể từ Đak Sút, Đak Pao/Luy Ô, Đak Pét, Đak Tao đổi dời”. Ngô Đức Đệ cũng viết trong hồi ký: “Con đường đã dần dần kéo dài đến vùng Đak Tao, về phía Bắc Đak Pao độ 10 hoặc 15 km…”.

“Lòng đau lại nhớ các anh những ngày…”

Từ Đak Pao chúng tôi đi tiếp chừng 9-10 km đến Đak Tao, nơi cầu Đak Poi bắc qua suối Đak Tao, tại Km 1442+363. Cũng như Đak Pao, tại Đak Tao ngày nay không biết đâu là dấu vết những ngày xưa, nhưng qua miêu thuật trong các tư liệu, khách tham quan như còn nghe vẳng vọng đâu đây trong gió núi tiếng oán hờn của những thân phận lưu đày, chịu cảnh khổ sai!

Lê Văn Hiến viết: “Trong mấy trăm nhà phạt chết tại Đak Tao-Đak Pét, một phần lớn là do tay đội Kiap”. Sự kinh khiếp ở đây đến độ khiến nhiều người… không còn sợ chết nữa: “Thật thế, gặp cảnh ngộ như ở Đak Tao lúc bấy giờ thì có liều chết cũng không lấy gì làm quá đáng” (Lê Văn Hiến).

Sự ác nghiệt trong thời gian lao dịch ở Đak Tao dĩ nhiên là do nhiều lý do, trong đó có một lý do kép: Đến điểm này, công cuộc làm đường gặp phải dốc đá Mô-út vô cùng hiểm trở phải phá cho bằng được và điều ấy sẽ làm ngáng trở việc sớm thông đường để cai tù kịp về nghỉ ngơi nơi thị xã Kon Tum khi mùa mưa đến.

Trên thực địa, từ suối Đak Tao đi về suối Đak Pét (tức trị trấn Đak Glei ngày nay) chừng 4 km, đến khoảng giữa Km 1440 và Km 1439 (tức khoảng giữa Đak Tao và Đak Pét) thì gặp chân con dốc đá Mô-út, nơi một doi đá khối choãi từ chân đồi 901 chòi ra sát bờ sông Pô Kô. Con dốc dài chừng non nửa cây số, ngoằn ngoèo bám vào vách núi và men sát bờ sông Pô Kô, rất chênh vênh, nguy hiểm. Đầu dốc ở gần Km 1439, ngay địa đầu vào thị trấn Đak Glei.

Vì nôn nóng muốn sớm xong để về lại thị xã Kon Tum “xả hơi” sau nửa năm theo chân tù nhân nơi rừng cao núi thẳm nên cai tù càng thúc ép tù nhân làm việc quá sức hơn nữa. Ngô Đức Đệ viết (lược trích): “Trong tháng 5-1931, con đường đã mở tới địa đầu đồn Đak Pét… Đoạn đường này có nhiều khó khăn vì gặp nhiều đá lớn, đá khối, sức người với dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng không tài nào làm được. Thế nhưng Đồn trưởng Césarini cố ép buộc tù làm cho xong đoạn đường ngay trước khi về Kon Tum, do đó ngày lễ hoặc chủ nhật cũng buộc tù phải đi làm”.

Lê Văn Hiến cũng viết về chuyện đục đá: “Bắn đá thì từ sáng đến trưa, tay cầm xà beng, người lính ngồi bên cạnh, thấy hở tay là đánh, thành thử có người chỉ trong một buổi mà da tay đều bị lột, đau đớn vô cùng. Người chép chuyện này còn nhớ, một anh em vì làm nhiều đến nỗi da tay bị bỏng lột, đau đớn quá không cầm nổi cái xà beng, vì thế mà bị tên đội Kiap lấy xà beng nhằm ngay vào đầu ném một cái rất mạnh… Anh này tên Trần Chương, số hiệu 292”.

Qua suối Đak Pét, nghỉ chân nơi trung tâm thị trấn Đak Glei, chúng tôi sực nhớ đoạn gần cuối ký sự “Ngục Kon Tum”, Lê Văn Hiến có viết thoáng qua về đợt đi làm đường 14 lần thứ hai: “…trong 6 tháng, từ tháng 12-1931 đến tháng 6-1932; 200 chính trị phạm làm đoạn đường số 14 từ Đak Sút, Đak Pao lên đến Đak Pék, Đak Ven, công việc làm đã nhiều hơn năm trước…”.

Những dòng trên cho bạn đọc gặp thêm địa danh “Đak Ven” mà trong lần làm đường năm trước không thấy. Thế là chúng tôi đi tiếp. Từ Đak Pét đi thêm chừng 4-5 km nữa, ra khỏi thị trấn Đak Glei thì gặp cầu Đak Ven, tại Km 1434+200, nơi có thôn Đak Ven thuộc xã Đak Pét, huyện Đak Glei. Như vậy, đợt làm đường lần thứ hai (1932) tù chính trị chỉ làm thêm đoạn từ Đak Pét đến Đak Ven, còn là tu chỉnh, sửa sang, hoàn thiện đoạn đường đã làm vội vã ở năm trước (1931) như trích dẫn có nói rõ: “200 chính trị phạm làm đoạn đường số 14 từ Đak Sút, Đak Pao lên đến Đak Pék, Đak Ven”.

Nếu tính theo cột cây số của đường Hồ Chí Minh hiện tại thì từ nơi có các làng Đak Sút đến cầu Đak Ven chừng 26-27 km. Ấy là sau nhiều lần nắn sửa nhờ vào phương tiện máy móc hiện đại, chứ vào thời mới xoi mở chỉ đơn thuần bằng sức người thì chắc chắn dài hơn, dễ chừng phải trên 30 km.

Một đoạn đường khoảng chừng trên 30 km, chỉ chưa đầy 6 tháng (từ 28-12-1930 đến 15-6-1931) với 295 người đi xoi mở, khi về lại thì chỉ còn 83 người (theo Ngô Đức Đệ) và chỉ còn được 80 người (theo Lê Văn Hiến)! Có sai số không đáng kể giữa 2 tư liệu. Cộng thêm với “vài người bệnh chết” khi đi làm đường đợt hai (theo Lê Văn Hiến), vị chi là trên 210 đến gần 220 người bỏ mạng! Nếu tính bình quân và quy tròn thì có đến… 6 mạng tù nhân trên 1 km đường! Hay nói cách khác, bình quân mỗi ngày có trên 1 người bỏ mạng!

Do vậy mà năm 1940, khi bị áp giải ngang qua cung đường này để lên Căng an trí Đak Glei, Lê Văn Hiến viết trong hồi ký “Trở lại Kon Tum” (lược trích): “Chúng tôi rời Kon Tum theo đường 14 đi lên phía Bắc(…) đây là quãng đường gay go quyết liệt nhất(…) người chết mỗi ngày một nhiều, không có hôm nào là không phải chôn một vài người. Tôi cố tìm những nấm mồ bên đường nhưng thời gian và rừng núi hoang vu đã xóa nhòa dấu tích”.

Ngày nay, chúng ta thường nghe nói đến những “con đường ngàn tỷ” hoặc “con đường đắt nhất hành tinh”. Dẫu ngàn tỷ hay đắt nhất hành tinh, nếu có tiền cũng làm được; chỉ có việc lấy 6 mạng người để đổi lấy 1 km đường thì chắc không có đạo lý và pháp lý nào cho phép cả! Vâng, xương tàn của trên 210 tù chính trị Ngục Kon Tum như hãy còn nằm lại đâu đấy rải rác dọc cung đường, anh linh dường như đang tan hòa đâu đấy trong núi thẳm rừng xanh, trong sự yên bình của cư dân thôn xóm nơi này.

Người biết chuyện, mỗi khi có dịp ngang qua cung đường này, không thể không liên tưởng ý thơ Tố Hữu năm xưa: “Đìu hiu mấy ải đồn canh/Lòng đau lại nhớ các Anh những ngày”.

Tạ Văn Sĩ

Có thể bạn quan tâm