Có một con đường 1C huyền thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để giữ vững tuyến đường phục vụ đánh địch, vận chuyển phương tiện chiến tranh, đưa hàng vạn quân từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ, hơn 800 người con gái con trai đã gồng mình chịu đựng hàng chục tấn bom xối xả, bất kể ngày đêm...
Địch quyết tâm "nung chảy con đường thành nước", cắt đứt huyết mạch giao thông trọng điểm mang tên 1C. Biết bao cô gái, chàng trai đã ngã xuống trên tuyến đường máu lửa này...
Họ đã chọn đi chung một con đường
Chuyến xe đưa các cựu thanh niên xung phong đường 1C khởi hành từ rất sớm ở 4 tỉnh miền Tây về Tp. Hồ Chí Minh cho một cuộc hạnh ngộ đặc biệt nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam: Giao lưu tác giả và giới thiệu tác phẩm “Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái" của nhà văn Trầm Hương. Những người con gái kiên cường, trung dũng năm xưa đi vào trang sách như một huyền thoại. Hôm nay, họ bước ra từ trang sách, trở thành nhân chứng sống trong một giai đoạn khốc liệt của chiến tranh, gắn với tuyến đường 1C thấm đẫm máu và nước mắt.
Năm 1966, phong trào cách mạng ở Tây Nam Bộ bước vào giai đoạn mới, vùng giải phóng mở rộng, nối liền 6 tỉnh Khu 9. Khi ấy, đường Hồ Chí Minh trên biển do Đoàn 962 phụ trách bị địch phát hiện, phong tỏa, đánh phá gắt gao nên gặp nhiều khó khăn. Lúc này, nhiều vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ đã đến miền Đông Nam Bộ. Muốn vận chuyển lượng vũ khí này đến mũi Cà Mau và các tỉnh Tây Nam Bộ, cần cấp tốc tổ chức lực lượng vận chuyển. Đó là lý do khiến các đội thanh niên xung phong miền Tây Nam Bộ được thành lập và tuyến đường giao thông vận tải 1C ra đời.
 
Trong những năm ác liệt nhất của cuộc chiến, nhiều khi tìm được gò đất chôn đồng đội thật không dễ.
Trong những năm ác liệt nhất của cuộc chiến, nhiều khi tìm được gò đất chôn đồng đội thật không dễ.
Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, tổng quân số phục vụ cho đường 1C trên 800 người, đa số là nữ. Hầu hết đều ở lứa tuổi 18-20. Nhiều cô gái mới 14-15 đã khai thêm tuổi để được tòng quân. Có những cô gái ra đi vì lòng căm thù giặc đã giết chết những người thân của mình, lại có người sắp chạm tay vào ngưỡng cửa hôn nhân nhưng quyết lỗi hẹn, chờ ngày hòa bình... Những người trẻ năm ấy đều mang trong mình trái tim, bầu nhiệt huyết được tham gia chiến đấu để giải phóng quê hương. Lòng yêu nước giục giã họ ra đi, dấn thân nơi tuyến đường ác liệt...
Suốt 10 năm liền, lực lượng thanh niên xung phong đường 1C đã cùng chính quyền, du kích địa phương liên kết nhau bám địa bàn, sẵn sàng hy sinh, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ. Họ đã làm nên huyền thoại con đường 1C lịch sử bằng tuổi thanh xuân và xương máu.
Không chỉ đối mặt với địch, thanh niên xung phong còn phải chiến đấu kiên cường với bệnh tật, thiên tai, hiểm họa trên con đường họ bám trụ. Kinh hoàng nhất là bệnh sốt rét, có đợt chỉ trong 10 ngày mà 13 người hy sinh, trong đó có cả chính trị viên đại đội. Những người may mắn còn sống thì xanh xao, gầy rộc, ghẻ lác đầy người. Hơn chục em gái 18-20 tuổi phải cạo trọc đầu.
 
Thanh niên xung phong đường 1C đa phần là những cô gái tuổi 18-20.
Thanh niên xung phong đường 1C đa phần là những cô gái tuổi 18-20.
Nhớ về những ngày tháng gian khổ ấy, bà Nguyễn Thanh Hồng (đơn vị Nguyễn Việt Khái 3, trên đường 1C) bồi hồi kể: "Chúng tôi không dám chải đầu vì mỗi lần chải, tóc rụng từng nắm. Chúng tôi không dám soi gương, cũng không dám nhìn bóng mình trên mặt nước, vì chúng tôi quá xơ xác, tàn tạ".
Vào những lúc bom rơi pháo bắn trên đầu, họ không tìm đâu ra chiếc lược. Tóc khô cứng vì nước phèn. Để đỡ rối, họ lấy mỡ bò trét lên cho suôn, lấy băng đạn làm lược chải tóc. "Từ thực tế khốc liệt của chiến trường, chúng tôi động viên nhau hy sinh mái tóc dài. Chúng tôi cắt tóc cho nhau mà nước mắt lăn dài", bà Hồng nhớ lại.
Thân con gái vừa tuổi trăng tròn, vai mang gần 50kg đạn băng qua nơi hiểm trở địa hình Bảy Núi (An Giang). Những người con gái ấy đã quên đi nhan sắc, chấp nhận chứng bệnh phụ khoa do phải ngâm mình suốt ngày dưới nước. Móng chân, móng tay bị thối cũng mặc kệ và cũng quên luôn bệnh ghẻ lở sần sùi khắp thân thể.  
Bộ chỉ huy quân đội Mỹ và Vùng 4 chiến thuật quân đội Sài Gòn biết rõ con đường "sinh mệnh" của chiến trường miền Tây đã dốc toàn lực đối phó bằng các loại vũ khí tối tân có tính sát thương và hủy diệt cao. Trên trời là máy bay B-52; dưới đất, địch tổ chức hành quân cấp sư đoàn, trung đoàn, lữ đoàn với chất độc hóa học, chính sách chiêu hồi, chiêu hàng, mạng lưới "phượng hoàng", cảnh sát, mật vụ dày đặc. Khu lòng chảo tuyến đường Vĩnh Tế - Tám Ngàn - Cái Sắn - Bảy Núi - Ba Hòn mà trung tâm là những cánh rừng đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn.
Kiện tướng vác hàng
Đội quân "tóc dài" đã kiên cường, hiên ngang bước qua lằn ranh mong manh của sinh tử. Nữ thanh niên xung phong Tô Thị Tuyết Thu được mệnh danh là kiện tướng mang vác, vận chuyển hàng kiêm y tá cứu thương, sẵn sàng xả thân bảo vệ thương binh. 
Năm 1970, Đại đội Hòn Đất được phân công trở về Ba Hòn để tiếp nhận hàng từ Mo So (Campuchia). Vác nặng, sức yếu lại phải bước lên dốc cao, ngày này qua ngày khác khiến hai đầu gối của Tuyết Thu không thể co lại được. Vậy nhưng cô gái vẫn bền bỉ mang vác suốt ngày đêm, hết vác hàng tới vác gạo băng qua con đường sống chết trong gang tấc. Từ bên này nhìn sang bên bờ kia kênh Vĩnh Tế chỉ độ 15 thước thôi mà có khi cả tháng không qua được.
 
Đại đội trưởng Hòn Đất Lê Thị Út Mãnh tham gia đường 1C khi mới 16 tuổi.
Đại đội trưởng Hòn Đất Lê Thị Út Mãnh tham gia đường 1C khi mới 16 tuổi.
Tháng 1-1971, địch đổ quân vào Hòn, đạn pháo chói sáng ngày đêm nhưng bờ vai con gái vẫn vác, đôi chân vẫn bước. Nắm được quy luật, cứ bắn xong loạt pháo, chúng sẽ ngừng 5 phút, đấy là khoảng thời gian vàng ngọc để đội quân xung phong lao ra đường.
Giặc bố trí quân khắp nơi, bao vây tứ phía mà ta thì không có đạn để chiến đấu. Chờ đêm tối, Tuyết Thu và đồng đội bò ra khỏi hang Hòn ở phía mé biển, khéo léo kéo chiếc vỏ lãi (tắc ráng) được giấu sẵn từ trước đưa xuống biển làm phương tiện vận chuyển công khai.
Với sự mạo hiểm và sáng tạo ấy, thanh niên xung phong 1C đã đưa về Hòn Đất hàng ngàn tấn vũ khí an toàn. Nhắc lại ngày tháng hào hùng xưa, bà Tuyết Thu vẫn còn hừng hực khí thế: "Mỗi chuyến đi với tôi là một lần đối mặt với cái chết. Tôi luôn để sẵn khẩu AK dưới lớp lưới, đụng giặc là quyết tử".
Tháng 4-1974, Tuyết Thu một phát bắn cháy xe tăng của địch ngay cửa hang Hòn. Hôm đó, địch dùng pháo 95 ly bắn vào miệng hang, pháo vừa dứt, xe tăng càn vào Hòn. Trên đồi, máy bay đổ quân xuống. Đại đội Thanh niên xung phong Hòn Đất cùng Đoàn 60, Ban Tuyên huấn Huyện ủy Châu Thành rút vào hang phòng thủ. Đại đội Thanh niên xung phong toàn nữ, vừa lo chiến đấu vừa bảo vệ thương binh. Địch tràn vào miệng hang, đồng chí Đúng - Trung đoàn phó điều khiển khẩu DKZ ra miệng hang khống chế địch đã bị trúng đạn, hy sinh. Lập tức, Tuyết Thu lao lên, thay thế vị trí của anh Đúng, dùng khẩu DK75 bắn thẳng mục tiêu, phá hủy chiếc xe tăng đi đầu, đẩy lùi trận càn của địch. Nữ xạ thủ đứng trên đồi nhìn địch chạy tán loạn.
Để giữ vững huyết mạch cho con đường 1C, gần 400 nữ thanh niên xung phong đã ngã xuống. Có một thời, chiến trường 1C không đủ vải để bọc tử thi đồng đội. Đồng nước mênh mông, mừng quýnh khi tìm được một gò đất, vội đem xác đồng đội đến chôn. Không ngờ, mới đào mấy nhát cuốc đã bàng hoàng khi nhìn thấy hài cốt của anh em mình được chôn trước đó. Trên đường vận chuyển hàng, tìm thấy một vạt đất để nghỉ lưng vài phút là niềm hạnh phúc lớn đối với người còn sống, tìm được đất để chôn đồng đội là may mắn với người chết. Dọc tuyến đường đã hình thành 3 cụm nghĩa trang. Cụm vàm kinh Chiến Thắng với 80 thanh niên xung phong. Cụm Gộc Xây Nhỏ có 100 anh chị, số còn lại chôn rải rác ở gò cát, bờ đìa, hoặc chìm sâu dưới mương lạch, dòng sông.
Mỗi người con gái trên tuyến đường 1C đều xứng đáng là những anh hùng không chỉ vượt qua mưa bom bão đạn để phục vụ cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam mà còn trực tiếp cầm súng chiến đấu, giữ vững tuyến đường quan trọng. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân, tình yêu đôi lứa và những khát khao rất đỗi con người.
Những mùa mưa nắng bền chí kiên gan trên tuyến đường 1C, những bờ vai con gái của Liên đội 1 Thanh niên xung phong đã tiếp nhận và vận chuyển trên 13.000 tấn vũ khí, tài vật quan trọng phục vụ chiến trường miền Tây, đưa rước hơn 30.000 lượt cán bộ, bộ đội ngược xuôi trên tuyến đường. Họ đã góp phần bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy và làm hỏng hàng chục xe bọc thép, bắn cháy 12 tàu sắt của địch.
Chật vật với cuộc sống đời thường
Đất nước thống nhất, đường 1C hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Những người con gái còn lại hầu hết đều kiệt sức, mang trong người những thương tật chiến tranh. Họ được ra quân, phần đông trở về địa phương với số tiền trợ cấp ít ỏi. Từ đó, họ bước vào cuộc chiến đời thường đầy nghiệt ngã.
 
"Kiện tướng" vác hàng Tuyết Thu (bên phải) cùng đồng đội hạnh ngộ tại Tp. Hồ Chí Minh.
"Kiện tướng" vác hàng Tuyết Thu (bên phải) cùng đồng đội hạnh ngộ tại Tp. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Tuyết, Trung đội trưởng Đại đội Tây Đô từng là một cô gái trắng đẹp, cao lớn với biệt danh "kiện tướng gùi hàng" dũng mãnh vượt qua những trận dội bom B-52 tàn khốc của kẻ thù, sau khi ra quân đã cùng chồng con về Bạc Liêu vác muối thuê kiếm sống. Nghề muối khó khăn, cũng là lúc vợ chồng bà không còn sức khỏe để vác nặng. Hai vợ chồng nhìn nhau ứa nước mắt.
Bi kịch hơn phải kể đến hoàn cảnh của bà Trần Thị Tuyết Hồng, tuổi trẻ xông pha trận mạc, sống trong vùng địch rải chất độc hóa học đến 7 lần. Ngày trở về, bà đã bị nhiễm chất độc quái ác ấy. Bà sinh con bị dị tật. Nữ thanh niên xung phong Huỳnh Thị Bé sinh được 3 con thì một đứa qua đời sớm, một đứa bị dị tật không tự đi đứng được, đứa còn lại bị động kinh. Hằng ngày, bà sống bằng nghề lượm bọc nilon ven biển Kiên Giang. Trong căn nhà lá chông chênh trên ụ xáng bốn bề sông nước, thứ quý giá nhất chính là 2 tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ của hai vợ chồng...
Đối mặt với rất nhiều khó khăn của cuộc sống thường nhật, những lo toan với miếng cơm manh áo, với sức khỏe và bệnh tật. Bằng bản lĩnh được tôi rèn qua lửa đạn chiến tranh, dù gian khổ đến đâu, bất hạnh như thế nào, những người con gái kiên cường năm xưa vẫn vui vẻ chấp nhận, họ không một lời than trách.
46 năm qua, đội quân đường 1C vẫn giữ liên lạc với nhau, vẫn hỏi thăm nhau, người khá giả giúp đỡ người nghèo khó. Đó không chỉ là tình đồng đội, đồng chí, mà còn là tình chị em, không gì có thể đong đếm được. 
Ngọc Hoa (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.