Có một biệt đội giải cứu xe xuyên đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bất kể trời rét căm căm hay mưa phùn gió bấc, cứ đúng 21 giờ, các thành viên của nhóm “Cứu hộ Hà Nội” lại có mặt tại ngã tư Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân) để chuẩn bị lên đường giải cứu những chiếc xe gặp trục trặc trong đêm. Phương châm của nhóm là mong muốn con đường về nhà với gia đình của mọi người được an toàn và suôn sẻ.
1. Cũng như bao người khác, ban ngày các thành viên của nhóm Cứu hộ Hà Nội đều đi làm để mưu sinh. Mỗi người một nghề khác nhau nhưng đêm xuống họ lại có một nghề chung, đó là nghề giải cứu xe hỏng. Thời gian giải cứu thường bắt đầu từ 9 giờ đêm đến 3 giờ sáng.
Để phòng trường hợp gặp rủi ro, thường mỗi ca cứu hộ sẽ có ít nhất 2 thành viên cùng đi. Những thành viên khi mới gia nhập nhóm không chỉ được trang bị các kỹ thuật về sửa chữa xe máy, xe đạp, xe ba gác mà họ còn được trang bị các kỹ năng tự vệ để ứng phó nếu bị tấn công. Tôn chỉ của nhóm là vì lợi ích của cộng đồng, chỉ lấy đúng giá gốc của thiết bị sửa xe. Khi đêm khuya, ai đó cần vá xe thì có thể được miễn phí hoặc thu 10.000 đồng, ai phải thay săm thì giá từ 35.000-50.000 đồng tùy loại, ai đi xe mà bị hết xăng thì sẽ tận tình đi mua xăng giúp...

Chiếc xe máy của người đi đường bị hỏng tại phố Quan Nhân, Thanh Xuân đang được giải cứu.
Chiếc xe máy của người đi đường bị hỏng tại phố Quan Nhân, Thanh Xuân đang được giải cứu.
Khi nhận được điện thoại từ những người chẳng may gặp sự cố về xe cộ giữa đêm, các thành viên sẽ tự phân công theo địa bàn. Thành viên nào ở gần nơi cần hỗ trợ nhất thì sẽ được điều động đến ngay. Một hình thức kết nối khác là đăng thông tin trên fanpage của nhóm. Người cần giúp đỡ chỉ cần đăng rõ tên tuổi, số điện thoại và địa điểm mình đang gặp sự cố lên fanpage là sẽ có thành viên của nhóm chủ động liên lạc và cử người đến giúp.
Khi được hỏi duyên cớ nào khiến mọi người thành lập nhóm cứu hộ thì anh Nguyễn Văn Sơn, năm nay mới 23 tuổi, trú tại Đan Phượng, nhưng lại là thành viên gạo cội của nhóm chia sẻ: “Đa số các thành viên trong nhóm từng chứng kiến hoặc có người thân từng gặp sự cố xe cộ trong đêm nên rất hiểu cảm giác bất lực khi ấy. Hình ảnh đó cứ ám ảnh nên chúng tôi rất muốn làm việc gì đó có ý nghĩa để giúp đỡ mọi người. Bản thân mẹ tôi mấy năm trước trong một lần đến chợ đầu mối lúc nửa đêm để mua cá về bán. Giữa đường xe của mẹ bị thủng săm nhưng không thể tìm được quán sửa xe. Lúc ấy bố tôi lại đi làm xa nên không thể đến giúp đỡ mẹ. Đêm hôm đó mẹ tôi đã phải đứng đợi tới gần sáng mới có người giúp đỡ. Từ sự cố của mẹ, tôi đã đăng ký vào nhóm cứu hộ với mong muốn sẽ giúp được nhiều người, để họ không bị cảm giác tuyệt vọng trong đêm”.
Là một trong những hội viên góp mặt trong nhóm Cứu hộ Hà Nội từ những ngày đầu thành lập, anh Sơn không nhớ hết mình đã tham gia bao nhiêu cuộc giải cứu xe trong đêm. Có lần, vừa hết ca trực đêm, Sơn về nhà ở Đan Phượng khi đã hơn 2 giờ sáng. Vừa chui vào chăn chưa kịp ấm chỗ thì anh nhận được điện thoại của một người phụ nữ giọng đầy hốt hoảng. Chị ấy nói xe đang bị thủng săm ở khu vực Long Biên nhưng không thể tìm được quán sửa xe. Nhận điện thoại, Sơn liên lạc với một số thành viên của nhóm cứu trợ xem có ai ở gần khu vực đó không, tuy nhiên dù đã liên lạc với khá nhiều người nhưng đều vô vọng. Không còn cách nào khác, Sơn bảo người phụ nữ đó chờ mình đến giúp. “Mình lấy xe rồi phi một mạch từ Đan Phượng sang Long Biên. Sang đến nơi, tôi thấy người phụ nữ đó đang ngồi khóc vì sợ hãi. Nhìn thấy tôi, chị ấy như bắt được vàng. Chị ấy bảo không dám tin là lại có người đến giúp đỡ mình thật. Hì hục sửa xe cho chị ấy xong, tôi quay về nhà thì trời cũng gần sáng”, Sơn kể lại.

Thành viên nhóm cứu hộ nhận quà là phụ tùng xe.
Thành viên nhóm cứu hộ nhận quà là phụ tùng xe.
Một lần khác, cũng khoảng hơn 1 giờ sáng, Sơn với bạn vẫn đang trong ca trực thì nhận được điện thoại của một bạn nữ nói đang bị hỏng xe ở phố Hoàng Quốc Việt. Nhận điện thoại, Sơn cùng bạn ngay lập tức lên đường. Nhưng, đến nơi thì phát hiện lốp xe bị thủng rất to. Vì là lốp xe tay ga nên thuộc loại lốp đặc, chỗ thủng lại quá lớn nên anh Sơn phải cùng cộng sự của mình đẩy xe giúp bạn nữ về tận Đội Cấn”.
2. Thành lập từ tháng 7-2016 tới nay, các thành viên của nhóm không thể nhớ nổi mình đã giúp đỡ được bao nhiêu trường hợp gặp sự cố. Anh Nguyễn Thọ Quyền, năm nay 27 tuổi, trú tại phố Xốm, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Mình nhớ, thời điểm gần giao thừa năm ngoái, mình đang chuẩn bị từ điểm trực về nhà thì nhận được điện thoại của một bạn nữ giọng rất hốt hoảng. Bạn ấy nói đang bị hỏng xe trên đường Giải Phóng. Khi mình đến nơi thì biết xe của bạn ấy vướng vào đinh nên bị thủng săm. Mình mang đồ lề ra vá, được vài phút thì đồng hồ điểm 12 giờ. Khoảnh khắc giao thừa đến, cả hai anh em bỏ cả xe đang sửa để xem bắn pháo hoa từ xa. Xem xong lại tiếp tục công việc còn dang dở. Lúc sửa xong xe, mình có trêu bạn ấy là: “Anh chưa bao giờ sửa cái xe nào mà mất đến tận 2 năm”. Bạn ấy cười và nói biết ơn mình rất nhiều”.

Thành viên nhóm cứu hộ đẩy xe về tận nhà cho người đi đường.
Thành viên nhóm cứu hộ đẩy xe về tận nhà cho người đi đường.
Lần khác, Quyền đã phải phóng xe gần 30 cây số trong đêm để đến giải cứu xe cho một thanh niên ở Long Biên. Cuộc điện thoại gọi đến lúc hơn 1 giờ sáng, khi ấy Quyền vẫn đang trực ở ngã tư Khuất Duy Tiến. Ban đầu, Quyền cũng đã cố gắng liên hệ với một số thành viên trong nhóm xem có ai ở gần đó không nhưng kết quả lại không như mong muốn. Không còn cách nào khác, anh đã chạy xe sang tận nơi. “Khi chiếc xe được sửa xong, chủ nhân của chiếc xe nhất định dúi tờ 200 nghìn vào tay mình để cảm ơn nhưng mình nói rằng, mong muốn của bọn mình chỉ là muốn không ai phải rơi vào cảnh tuyệt vọng trong đêm”, anh Quyền nhớ lại.
Mặc dù làm việc thiện nguyện nhưng nhiều thành viên trong nhóm Cứu hộ Hà Nội từng gặp phải những tình huống nguy hiểm. “Có những lần, khi nhận điện thoại cầu cứu của người đi đường, bọn mình đến giúp thì gặp phải sự trấn áp của những người sửa xe chặt chém trong đêm. Họ nói bọn mình đến cướp địa bàn làm ăn và dọa đánh. Những lần như thế các thành viên của nhóm hoặc giải thích cho họ hiểu hoặc đành nhận người vừa gọi điện thoại cho mình là người thân để được an toàn”, anh Sơn chia sẻ.
Là thành viên nữ duy nhất, vẫn quen được gọi trêu là “Bóng hồng” của nhóm, chị Phạm Minh Hằng, 29 tuổi, từng gặp phải tình huống dở khóc dở cười. Lần đó chị nhận được điện thoại của một người đàn ông nói đang bị hỏng xe ở đại lộ Thăng Long. Nhân lúc đêm khuya vắng vẻ, kẻ này bắt đầu có những hành vi đụng chạm khiếm nhã lên cơ thể chị. Tuy nhiên, vì đã được học những kỹ năng từ trước nên chị rút lui êm thấm.

Anh Minh Hiếu đang sửa xe trên phố Hoàng Hoa Thám.
Anh Minh Hiếu đang sửa xe trên phố Hoàng Hoa Thám.
Công việc hằng ngày của chị Hằng là chạy xe ôm. Ban đêm, chị vừa trực chốt, vừa tranh thủ kiếm thêm cuốc xe khi chưa có điện thoại cầu cứu. Tính đến nay, chị Hằng đã làm công việc giải cứu xe được 3 năm. Nhiều người thân từng khuyên chị nên dừng lại công việc này vì nó quá nguy hiểm với một phụ nữ. Thế nhưng, theo lời chị Hằng thì “việc chọn người”, chị làm và cứ bị cuốn vào với một niềm say mê, không sao dứt ra được.
Kể lại kỷ niệm trong những lần đi cứu hộ, anh Tuấn Minh cười bảo: “Có lần mình đến cứu hộ xe bị thủng săm cho anh Lê Hòa ở khu vực gần lăng Bác. Lúc đó cũng nửa đêm rồi. Khi vá xong săm cho anh Hòa thì anh ấy dúi vào tay mình một tờ tiền 50 nghìn đồng. Mình không nhận. Anh ấy chả biết làm gì để bày tỏ lòng biết ơn nên dứt luôn 2 quả dừa đang chở trên xe bắt mình phải cầm. Anh ấy bảo nếu mình không nhận thì anh áy náy lắm. Sau lần đó hai anh em vẫn liên lạc và chơi với nhau đến tận bây giờ”.
Vào fanpage của nhóm Cứu hộ Hà Nội, bạn dễ dàng bắt gặp dòng cảm ơn của những người từng được giúp đỡ. Nick Facebook có tên Minh Thu viết: “Chuyện là hôm qua em và bạn đang vui vẻ đi trên đường thì xe bị hư, không đề được. Đến đoạn 331 Cầu Giấy thì không cố đi được nữa nên em có gọi đội cứu hộ và may mắn được các anh đến giúp. Do không thể khắc phục được tại chỗ nên các anh đã hỗ trợ đẩy xe và chở bọn em về. Em muốn viết bài để cảm ơn các anh đã giúp đỡ chúng em rất nhiệt tình ạ. Chúc các anh trong đội luôn mạnh khỏe và nhóm mình ngày càng phát triển ạ”.

Một ca giải cứu xe máy hỏng tại phố Trịnh Đình Cửu.
Một ca giải cứu xe máy hỏng tại phố Trịnh Đình Cửu.
Cảm động vì được nhóm Cứu hộ Hà Nội giúp sửa xe trong đêm, nickname Phương Lý đã làm thơ tặng cả đội với nhan đề “Cứu hộ đêm Hà Nội”: “Yêu thương biết mấy cho vừa/ Cứu hộ Hà Nội phố khuya đường dài/ Những cô gái, những chàng trai/ Đêm đêm thức trắng giúp người không may/ Alo là cứu hộ ngay/ Vá săm, móc lốp khéo tay chẳng ngờ/ Từ chập tối đến tinh mơ/ Ngược xuôi rong ruổi đỡ cho bao người/ Cứu hộ là miễn phí thôi/ Trái tim trong trẻo góp đời thêm xanh”.
Có những người khi được giải cứu xe thì nhất định đòi trả công cho thành viên nhóm cứu hộ. Nhưng, khi thành viên của nhóm từ chối thì họ lại xin được góp chút quà để hỗ trợ nhóm mua thêm đồ nghề và phụ tùng. Tình cảm biết ơn và trân trọng của những người gặp sự cố xe trong đêm chính là động lực để các thành viên của nhóm Cứu hộ Hà Nội duy trì hoạt động thiện nguyện suốt 5 năm qua.
Song Ngọc (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.