Với việc mở ra quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong thời gian tới, người trồng dừa càng thêm phấn khởi khi thị trường xuất khẩu nông sản chất lượng cao mở ra.
Vườn dừa trồng theo hướng hữu cơ của anh Lưu Anh Vũ tại thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. |
Thu nhập ổn định
Những năm gần đây, dừa xiêm được coi là cây nông sản chủ lực của huyện Phù Cát, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nơi đây. Anh Võ Đình Trí, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Cát cho biết, hiện nay, 18/18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phù Cát đều trồng dừa. Nhiều xã có diện tích dừa hơn 100 ha, nhất là các xã phía tây và tây bắc của huyện như Cát Hanh, Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Trinh. So với dừa Bến Tre, dừa xiêm xứ Phù Cát có vị ngọt thanh mát và cho nước nhiều hơn nên có giá trị cao hơn. Hiện, giá dừa được thương lái thu mua tại gốc 6.000 đồng/quả vào mùa mưa, 10-12 nghìn đồng/quả vào mùa nắng và các dịp lễ, Tết thì mỗi năm bà con thu nhập bình quân 1 triệu đồng/cây/năm. Nhận thấy dừa xiêm phù hợp trên đất cát, nhiều hộ dân tại huyện Phù Cát đã tích cực chuyển đổi từ cây trồng hiệu quả thấp sang trồng dừa xiêm xanh. Nhiều nơi bóng dừa lan rộng ngút mắt tầm nhìn và tỏa mát quanh năm, nhà trồng ít cũng đến chục cây, nhà trồng nhiều thì lên đến hơn 200 cây. Đến nay, dừa xiêm đã trở thành sản phẩm OCOP của một số xã trên địa bàn huyện.
Anh Lưu Anh Vũ (thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp), chủ vườn dừa trồng theo hướng hữu cơ cho biết, giống dừa xiêm dễ trồng, dễ chăm sóc. Mỗi năm bón phân hai đợt vào mùa nóng và mùa mưa, hàm lượng bón mỗi gốc khoảng 8-10 kg phân vi sinh. Những vùng đất bạc màu thì bón thêm phân đạm, urê và cần tưới nhiều nước, nhất là mùa khô, nắng nóng để giữ độ ẩm cho đất. Thế nhưng, nặng công nhất là khâu làm cỏ chung quanh buồng dừa, phun thuốc phòng trừ sâu hại để dưỡng cho cây có bộ lá xanh tốt. Cây dừa xiêm đến 30 tháng tuổi cho thu bói dần, đến năm thứ tư thì bắt đầu cho năng suất cao và kéo dài đến nhiều năm sau. “So với những cây trồng trước đây, tôi nhận thấy cây dừa xiêm dễ trồng, cây sinh trưởng và phát triển tốt, có thể thu hoạch được hằng tháng. Chúng tôi cũng được chính quyền địa phương quan tâm, hướng dẫn kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây dừa hiệu quả. Hiện nay, những nhà vườn như tôi không phải nhọc công tìm đầu ra mà chỉ cần tập trung chăm sóc cây sao cho mang lại kết quả thật tốt cho khách hàng là được”, anh Vũ nói.
Để mở rộng đầu ra cho đặc sản quê nhà, những nông dân trồng dừa ở Phù Cát đã triển khai thực hiện cách bán trái cây cho khách hàng theo mô hình “Cây dừa nhà tôi”. Mô hình này đang nhân rộng ra khắp toàn huyện, mang lại thu nhập ổn định, đồng thời thay đổi tư duy làm kinh tế của những người nông dân trồng dừa. Theo anh Vũ, những cây dừa được chọn vào mô hình “Cây dừa nhà tôi” phải bảo đảm các tiêu chí như: cây to khỏe, người canh tác chuẩn, điều kiện vệ sinh tốt, sản lượng cây dừa cao và phải trồng theo tiêu chuẩn, quy trình VietGAP, GlobalGAP. Trên mỗi cây dừa đều có gắn mã QR, các nông hộ tham gia mô hình “Cây dừa nhà tôi” được tạo lập cơ sở dữ liệu riêng, quản lý tất cả các cây dừa tham gia mô hình như: tên nông hộ, địa chỉ, số điện thoại liên hệ. Riêng thông tin định danh của từng cây dừa gồm có: Giống cây, mã định danh, tuổi cây, giá bán, thời gian trồng. Mỗi cây dừa sẽ được cấp một mã định danh duy nhất thông qua mã QR. Khách hàng có thể chọn 1 cây dừa mà mình vừa ý và đặt mua. Tùy vào chủng loại và năm tuổi mà từng cây dừa sẽ có giá bán khác nhau, mức giá trung bình 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/cây. Theo thỏa thuận, trong suốt 1 năm, người mua được hưởng toàn bộ số quả trên cây (khoảng 100-120 quả/năm). Dừa sẽ được đóng gói chuyển đến tận nhà người mua, ngoài ra, người sở hữu cây dừa còn có thể đến thăm hoặc quan sát từ xa qua hình ảnh được cập nhật từ chủ vườn. Như vậy, người tiêu dùng sẽ được sử dụng những trái dừa có đầy đủ nguồn gốc và không mua nhầm hàng kém chất lượng mà giá cao.
Ông Võ Ngọc Huynh (huyện Phù Mỹ), khách hàng tham gia mô hình “Cây dừa nhà tôi” chia sẻ, với mô hình này, người mua cũng như người trồng sẽ không phải suy nghĩ nhiều về vấn đề thương lái, đầu ra sản phẩm. Hơn nữa chất lượng nguồn gốc thực phẩm lại bảo đảm do chủ vườn đã tham gia vào hợp tác xã thì sẽ có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ. Thực tế, dù chưa được chứng nhận sản phẩm dừa xiêm xanh đạt OCOP nhưng nước dừa ở xã Cát Hiệp ngon hơn nước dừa ở Cát Lâm hay Cát Hanh, điều này có thể do thổ nhưỡng cát ở đây khác với các địa phương khác dù trên cùng địa bàn huyện, ông Huynh đánh giá.
Mỗi cây dừa đều được gắn mã định danh riêng. |
Hướng tới xuất khẩu nông sản chất lượng cao
Dừa là cây trồng có từ lâu trên đất Bình Định, diện tích vùng trồng năm 2023 là 9.353 ha, trong đó: diện tích dừa xiêm chiếm 24,5% (tương đương khoảng 2.292 ha); năng suất bình quân 119,3 tạ/ha, sản lượng 111.358 tấn. Hiện nay, dừa trồng tập trung ở các địa phương phía bắc của tỉnh như: thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ, huyện Phù Cát, huyện Hoài Ân. Diện tích trồng dừa của tỉnh Bình Định đứng thứ 5 cả nước (sau các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long) và diện tích lớn nhất ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung; năng suất dừa bình quân cao hơn 3,9 tạ/ha so năng suất bình quân cả nước.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Định đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển cây dừa là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Theo Đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, diện tích trồng dừa đến năm 2025 là 9.520 ha, sản lượng 116.400 tấn (trong đó: dừa xiêm 2.580 ha); định hướng đến năm 2030 là 10 nghìn ha, sản lượng 118.100 tấn (trong đó: dừa xiêm khoảng 3.000 ha). Đặc biệt ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh. Đồng thời phát triển, mở rộng diện tích dừa xiêm ở vùng có điều kiện đất đai, nguồn nước thuận lợi và tái canh, thay thế diện tích dừa lấy dầu già cỗi bằng dừa xiêm ở huyện Phù Cát, Hoài Ân, Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn.
Ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi, đang hoạt động kinh doanh nông sản tại ấp 1, xã Tân Thạch (huyện Châu Thành, Bến Tre) cho biết, Vạn Vạn Lợi đang kết hợp với đối tác Trung Quốc xuất khẩu dừa tươi đi trước, chỉ cần có mã vùng trồng là được. Bà con thấy có bao nhiêu dừa doanh nghiệp đều thu mua xuất khẩu hết thì phấn khởi, muốn tăng diện tích trồng. Nếu xuất dừa tươi chưa qua sơ chế thì dừa Bến Tre không thể cạnh tranh với dừa Bình Định vì xa đường vận chuyển. Ông Bút nhận định, từ Bến Tre đến cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) phải vượt qua chặng đường khoảng 2.400 km, nếu đi từ Bình Định chỉ có 1.670 km. Trong khi dừa xuất khẩu bắt buộc phải vận chuyển nhanh, hiện nay, dừa ra đến cửa khẩu Tân Thanh tiền chi phí vận chuyển hết 85 triệu đồng/container. Nếu đi từ Bình Định sẽ giảm được chi phí vận chuyển ít nhất 15 triệu đồng/container. Ông Bút tính toán, 1 xe container chở được 27 tấn hàng, 1 xe container dừa kim cương chở được gần 20 nghìn quả, dừa tươi khoảng 15 nghìn quả dừa Bến Tre, còn dừa Bình Định to hơn thì 1 xe container chỉ chở được từ 12-13 nghìn quả. Dừa có giá trị thấp, nhưng tiền cước vận chuyển rất cao, giá thành 1 quả dừa tươi xuất đi Trung Quốc khoảng 10 nghìn đồng thì cước vận chuyển đã chiếm đến 3.000 đồng/quả. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu dừa phải tính toán sao để tối ưu hóa vấn đề vận chuyển thì mới mong có lợi nhuận. Nếu vùng nguyên liệu dừa của Bình Định được mở rộng, chúng tôi sẽ chuyển máy móc thiết bị của nhà máy ở Bến Tre về Bình Định hoạt động để giảm chi phí vận chuyển. Thế nhưng Bình Định cần tăng tốc mã vùng trồng cây dừa để xuất khẩu dừa tươi, khi ấy nông dân sẽ tăng diện tích và đầu tư sẽ bài bản hơn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, tỉnh đang xây dựng các chương trình khuyến nông về canh tác tiên tiến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó ưu tiên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây trồng chủ lực và cây ăn quả trồng tập trung theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Từ đó, thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên Hợp tác xã để xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất. Cùng với đó phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, gắn với mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý. Đối với thị trường xuất khẩu, các sản phẩm có khả năng xuất khẩu của tỉnh là dưa hấu, ớt, dừa tươi sẽ được tổ chức sản xuất, xúc tiến xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ theo đặt hàng của các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Theo Bài và ảnh: LƯƠNG TÙNG (NDĐT)