Cô giáo Việt Nam nghe tin thầy giáo chia sẻ giải thưởng triệu USD: 'Tôi rất bất ngờ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Được đồng nghiệp Ấn Độ phát biểu trên truyền thông quốc tế rằng sẽ chia sẻ phân nửa giải thưởng 1 triệu USD cho 9 đồng nghiệp còn lại, cô Hà Ánh Phượng bày tỏ sự ngạc nhiên và khâm phục. Dù không trở thành “cô giáo triệu USD” nhưng cô hoàn toàn vui vẻ với quyết định của ban tổ chức và chúc mừng đồng nghiệp mình.

Cô Hà Ánh Phượng là giáo viên đầu tiên tại Việt Nam có mặt trong top 10 “Giáo viên toàn cầu” - ẢNH: NVCC
Cô Hà Ánh Phượng là giáo viên đầu tiên tại Việt Nam có mặt trong top 10 “Giáo viên toàn cầu” - ẢNH: NVCC


Theo công bố tối 3.12 của ban tổ chức Global Teacher Prize 2020, thầy Ranjitsinh Disale (Ấn Độ) đã giành giải thưởng “Giáo viên toàn cầu” trị giá 1 triệu USD. Ngay sau đó, thầy giáo này đã quyết định chia sẻ giải thưởng của mình cho 9 đồng nghiệp còn lại. Cô Hà Ánh Phượng (29 tuổi), là giáo viên Việt Nam đầu tiên có mặt trong top 10 chính là một trong số 9 đồng nghiệp còn lại.

Trao đổi với PV Thanh Niên, cô Phượng cho biết bản thân thực sự rất bất ngờ khi thầy lại quyết định chia sẻ số tiền của mình cho những đồng nghiệp còn lại. “Hành động của thầy thực sự rất cao cả, vì thầy không chỉ dành riêng giải thưởng cho quốc gia của mình mà còn lan tỏa nó đến với các đất nước đại diện cho 4 châu lục khác trên thế giới. Với tôi, điều đó thực sự có ý nghĩa lớn mà không phải ai cũng làm được”, cô nói.

Trước khi biết được thông tin này, cô Phượng cũng đã rất vui mừng khi biết được thầy Ranjitsinh Disale trở thành “Giáo viên toàn cầu 2020”. Với cô, đây là kết quả hoàn toàn xứng đáng, là một cái kết có hậu cho cuộc thi năm nay.

 

 Cô Phượng có mặt trong một tiết học của thầy Ranjitsinh Disale để giới thiệu đến các học sinh Ấn Độ về cách làm phở - ẢNH: NVCC
Cô Phượng có mặt trong một tiết học của thầy Ranjitsinh Disale để giới thiệu đến các học sinh Ấn Độ về cách làm phở - ẢNH: NVCC

Cô Phượng cười nói: “Khi ban tổ chức đọc tên Ranjit, tôi đã vỗ tay và vui mừng đến mức nhảy cẫng lên. Cả nhà chả hiểu sao tôi lại vui thế, cứ nghĩ là tôi buồn vì không đạt giải”. “Tôi nghĩ thầy thật sự xuất sắc, tuyệt vời với những gì thầy đã làm trong và ngoài lớp học, với cộng đồng của thầy! Thầy thật sự xứng đáng nhận giải thưởng này”, cô chia sẻ thêm.

Được biết, cô Phượng có mối quan hệ rất thân thiết với thầy Ranjitsinh vì thầy và cô cùng nhau thực hiện nhiều dự án. Thầy đã ủng hộ cô trên những chặng đường của mình. “Ranjit đã ủng hộ và góp mặt trong nhiều dự án của tôi. Thầy thực sự là người truyền cảm hứng rất nhiều cho tôi”, Phượng bày tỏ sự khâm phục.

Không chỉ vậy, cô cũng có sự kết nối với 50 giáo viên đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới trong cuộc thi. Cô cho biết điều mà mình hướng tới khi tham gia giả thưởng này không phải là 1 triệu USD mà là mong muốn được gia nhập và cộng đồng giáo viên ở các quốc gia khác nhau. Theo cô Phượng, để có một vị trí ở “Giáo viên toàn cầu”, họ phải là những người uy tín và xuất sắc, được xem như đại sứ về giáo dục của một quốc gia. Điều đó sẽ giúp cô trao dồi, phát triển về chuyên môn cũng như mang họ đến những tiết học của học sinh Việt Nam để chia sẻ những bài học thú vị.

Cô cho hay: “Tôi nghĩ mục đích của mình khi đến cuộc thi đã đạt được, nên không có gì phải nuối tiếc khi không đạt giải. Ngược lại tôi còn cảm thấy mình may mắn, vì tôi còn rất trẻ, vào top 10 đã là điều rất hạnh phúc với tôi rồi. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng phát triển bản thân mình để hoàn thiện hơn trong tương lai”.

“Phượng là giáo viên tuyệt vời nhất mà tôi từng biết. Tôi thích cách cô ấy kết nối và truyền cảm hứng cho học sinh của mình và tôi thực sự khâm phục cách mà cô và học trò của mình vượt qua những trở ngại”, thầy Ranjitsinh Disale bày tỏ.

 

Thầy Ranjitsinh Disale được cô Phượng gọi điện chúc mừng khi đạt được giải thưởng “Giáo viên toàn cầu 2020”
Thầy Ranjitsinh Disale được cô Phượng gọi điện chúc mừng khi đạt được giải thưởng “Giáo viên toàn cầu 2020”



Cô Phượng cho biết chưa nhận được thêm thông báo chính thức từ ban tổ chức Global Teacher Prize 2020 về chia sẻ mà thầy giáo Ấn Độ đề cập.

Giải thưởng giáo viên toàn cầu - Global Teacher Prize được quỹ từ thiện Varkey Foundation sáng lập năm 2014. Năm nay, có hơn 12.000 ứng viên đến từ 140 quốc gia đã gửi hồ sơ tới. Trong đó, chỉ một giáo viên xuất sắc nhận được giải thưởng 1 triệu USD từ ban tổ chức. Trong lịch sử 6 năm của giải, Việt Nam có 3 giáo viên được vinh danh gồm: cô Hà Ánh Phượng (trường THPT Hương Cần, Phú Thọ) lọt top 10 năm 2020, cô Trần Thị Thúy (trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên) top 50 năm 2019, thầy Ngô Thành Nam (giáo viên trường Vinschool khi đó) lọt top 50 năm 2018.

Theo CAO AN BIÊN (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.