Cô giáo Hoàng Thị Quế Nhàn trọn tình yêu với bảng đen phấn trắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dẫu bao phen đối mặt với nghịch cảnh, song cô giáo Hoàng Thị Quế Nhàn (Trường Tiểu học và THCS Đak Yă, xã Đak Yă, huyện Mang Yang) vẫn trọn tình yêu với sự nghiệp “trồng người”. Với chị, hành trình gắn bó cùng bảng đen, phấn trắng bên ánh mắt, nụ cười thân thương của học trò là khoảng thời gian tươi đẹp và đầy ý nghĩa.

Giữa giông bão cuộc đời

Tranh thủ buổi chiều trời tạnh ráo, chị Hoàng Thị Quế Nhàn đưa con trai ra trước nhà hóng gió. Dưới giàn hoa giấy nhuộm thắm sắc hồng trước cổng tại hẻm 192 Lê Quý Đôn (tổ 4, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang), người mẹ đưa tay khẽ vuốt tóc rồi chuyện trò cùng con. Thế nhưng, đáp lại sự ân cần ấy chỉ là gương mặt ngờ nghệch và những âm thanh ú ớ không thành lời từ cậu con trai Nguyễn Tiến Đạt năm nay đã 26 tuổi.

Chị Nhàn tâm sự, Đạt là con đầu lòng. Từ lúc chào đời, Đạt luôn gặp khó khăn khi bú sữa mẹ. Đưa con vào TP. Hồ Chí Minh thăm khám, vợ chồng chị như chết lặng khi nghe bác sĩ kết luận con trai bị dị tật thiếu lưỡi gà bẩm sinh, bại não dẫn đến thiểu năng trí tuệ. Ròng rã 7 năm sau đó, chị Nhàn đưa con đi khắp các bệnh viện lớn, nhỏ trong nước để chữa trị. Nhưng rồi, “phép màu” vẫn không đến. Suốt 26 năm qua, Đạt vẫn luôn cần mẹ chăm sóc, phục vụ tất thảy mọi thứ. Thậm chí, Đạt còn thường xuyên đập phá, la hét mỗi khi trái gió trở trời khiến mẹ Nhàn bao phen khổ sở.

Chị Hoàng Thị Quế Nhàn chăm sóc con trai Nguyễn Tiến Đạt. Ảnh: M.T

Chị Hoàng Thị Quế Nhàn chăm sóc con trai Nguyễn Tiến Đạt. Ảnh: M.T

“Nhưng rồi, ông trời cũng cho tôi niềm an ủi khi 2 đứa em trai của Đạt sinh ra đều khỏe mạnh, học giỏi và chăm ngoan. Đứa kế Đạt-Nguyễn Đình Anh Tuấn hiện là sinh viên năm 3 Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Huế; còn cậu út Nguyễn Đình Tuấn Tú đang học lớp 6 tại thị trấn Kon Dơng. Mừng hơn là các con rất thương anh Hai, tự giác cùng mẹ chăm sóc anh, chẳng nề hà khó khổ”-chị Nhàn bộc bạch.

Những tưởng giông bão cuộc đời đã dừng lại sau cánh cửa, thế nhưng, năm 2016, chị Nhàn vô tình phát hiện người chồng bao năm đầu ấp tay gối đã thay lòng đổi dạ. Hạnh phúc không thể cứu vãn, chị quyết định ly hôn, một mình nuôi 3 con thơ dại, bệnh tật. Người phụ nữ vốn yếu đuối phải gồng gánh cả gia đình, song chưa bao giờ chị than thân trách phận. Ấy vậy mà, ông trời vẫn cứ tiếp tục thử thách sự kiên cường của chị. Đầu năm 2023, chị đổ bệnh. Kết quả thăm khám tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ chị bị ung thư tuyến giáp đã di căn sang hạch cổ bên trái.

“Cầm hồ sơ bệnh án trên tay, tôi òa khóc, không phải khóc vì bản thân mà bởi thương các con, lỡ mình có mệnh hệ gì thì tụi nhỏ lấy ai mà nương tựa. Đến khi nghe bác sĩ nói bệnh có thể phẫu thuật và điều trị, tôi mới dần ổn định tinh thần”-chị Nhàn ngậm ngùi.

Trong thời gian 2 tháng nằm viện, chị phải gửi gắm các con cho đồng nghiệp, hàng xóm chăm nom giúp; kiên cường điều trị với hy vọng sớm khỏi bệnh. Thế nhưng, mới trở về nhà chưa được 15 ngày, chị lại gặp tai nạn. Cú ngã do sập hầm rút trong một lần ra vườn khiến chị bị gãy chân, xẹp đốt sống lưng và gãy đốt sống L5, phải tiếp tục nhập viện điều trị trong suốt dịp hè vừa qua.

Trọn tình yêu nghề giáo

Bao phen đối mặt với nghịch cảnh là thế, song cô giáo Hoàng Thị Quế Nhàn chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ rời xa bục giảng và những học trò nhỏ. Chị chia sẻ, tình yêu với nghề “gõ đầu trẻ” trong chị rất đặc biệt bởi đó không chỉ là niềm yêu thích của bản thân mà còn là hành trình viết tiếp ước mơ dang dở của mẹ.

Chị Nhàn kể, với quyết tâm theo đuổi ngành Sư phạm, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, năm 1992, chị rời quê hương Vĩnh Linh (Quảng Trị) lên Tây Nguyên và thi đỗ vào lớp sư phạm cấp tốc hệ 12+2 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, ngành Giáo dục Tiểu học.

Tốt nghiệp với tấm bằng khá, chị Nhàn về huyện Mang Yang công tác theo nguyện vọng. Sau 3 tháng giảng dạy tại Trường Tiểu học xã Đak Trôi, chị được điều chuyển sang Trường Tiểu học xã Ayun và gắn bó với nơi này suốt 17 năm.

Cô giáo Hoàng Thị Quế Nhàn trong giờ đứng lớp dạy học. Ảnh: M.T

Cô giáo Hoàng Thị Quế Nhàn trong giờ đứng lớp dạy học. Ảnh: M.T

Những ngày đầu đứng lớp, chị Nhàn gặp phải không ít áp lực. Phần do trẻ người non kinh nghiệm, phần vì rào cản ngôn ngữ với học trò. Chưa kể, cơ sở vật chất trường lớp lúc bấy giờ còn nhiều thiếu thốn, đường sá đi lại rất khó khăn.

“Thời gian đầu, tôi thường phải đi bộ cả ngày từ trung tâm huyện vào trường. Mùa mưa, đường trơn, nước suối dâng cao thì việc trượt ngã, bẩn ướt như cơm bữa. Nhiều đồng nghiệp khi ấy vì không chịu được khó khổ đã xin chuyển trường hoặc chuyển nghề khiến giáo viên trẻ mới ra trường như tôi có chút xao động. Nhưng rồi, lòng yêu nghề và hơn hết là tình thương dành cho những học trò vùng khó đang khát khao học chữ đã tiếp thêm động lực để tôi vững bước”-chị Nhàn bày tỏ.

Thấy được tâm huyết của cô giáo Nhàn nói riêng và thầy-cô giáo nói chung, nhiều phụ huynh ở xã Ayun đã chủ động đưa con tới lớp. Hễ có mớ rau, con cá, trái bắp, củ khoai, họ đều mang tặng thầy-cô giáo. Đáp lại tình cảm thân thương ấy, chị Nhàn luôn dành thời gian gần gũi, trò chuyện với phụ huynh để hiểu họ nhiều hơn.

Đặc biệt, trên cương vị là giáo viên Tổng phụ trách Đội, chị luôn chủ động tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thu hút học sinh đến lớp; không quản ngày đêm kèm cặp những học sinh yếu; đồng thời, tích cực vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ quần áo, sách vở, sữa… nhằm động viên các em an tâm theo đuổi giấc mơ con chữ.

Bác sĩ Blơp (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) cho biết: “Sau khi học hết lớp 5, do gia đình khó khăn nên tôi dự định nghỉ học. Hay chuyện, cô Nhàn đã khuyên tôi tiếp tục cố gắng đến trường để có được tương lai tươi sáng hơn. Cô còn hỗ trợ làm hồ sơ cho tôi được đi học trường dân tộc nội trú huyện. Tôi luôn ghi nhớ ơn cô, nhờ cô mà tôi đã theo đuổi con chữ tới cùng và có được một công việc, cuộc sống ổn định như hôm nay”.

Các thế hệ học sinh luôn yêu mến cô giáo Nhàn vì sự gần gũi, chăm sóc ân cần của cô. Ảnh: Mộc Trà

Các thế hệ học sinh luôn yêu mến cô giáo Nhàn vì sự gần gũi, chăm sóc ân cần của cô. Ảnh: Mộc Trà

Năm 2009, chị Nhàn được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang tạo điều kiện chuyển về giảng dạy tại Trường Tiểu học Đak Yă (nay là Trường Tiểu học và THCS Đak Yă) để thuận tiện trong việc chăm sóc, nuôi dạy các con. Tại đây, chị đã cùng với tập thể nhà trường tiếp tục xây dựng nên hình ảnh đẹp về người giáo viên nhân dân trong lòng phụ huynh và học trò.


Thầy Hồ Ngọc Trung-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đak Yă: Cô Hoàng Thị Quế Nhàn là một trong những giáo viên yêu nghề, giỏi chuyên môn và giàu nghị lực. Cô sống giản dị, hòa đồng với đồng nghiệp và luôn quan tâm, yêu thương học trò. Chia sẻ với hoàn cảnh của cô, thời gian qua, nhà trường cũng tạo mọi điều kiện về vật chất lẫn tinh thần để cô có thể vừa an tâm công tác, vừa chăm lo cho con cái và điều trị bệnh.

“Từ khi về giảng dạy tại Đak Yă đến nay, mặc dù có thuận lợi hơn, song lại là khoảng thời gian tôi phải đối mặt với nhiều biến cố trong cuộc sống. Đôi khi, bản thân cảm thấy vô cùng mệt mỏi nhưng không hiểu sao cứ hễ nghĩ đến các con và học trò là tôi lại có sức mạnh để đứng dậy bước tiếp. Nhiều người khuyên tôi nên chọn nghề khác thu nhập cao hơn, đỡ vất vả hơn để làm; có đơn vị ngoài ngành cũng từng ngỏ lời muốn tôi về đó công tác. Thế nhưng, tôi đều từ chối bởi chẳng nỡ rời xa học trò, càng không thể quay lưng với cái nghề vốn là lý tưởng sống của mình và cả ước mơ của mẹ”-chị Nhàn thổ lộ.

Có lẽ cũng vì lý do đó mà sau khi bệnh tình thuyên giảm, chị Nhàn đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường cho tiếp tục đứng lớp trong năm học 2023-2024. Theo đó, chị được phân công giảng dạy tại điểm trường làng Đak Yă. Lớp 3C do chị chủ nhiệm có 32 em, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, trong đó có đến 20 em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.

Qua nắm bắt tình hình, chị Nhàn biết được trong lớp có 8 bạn nhà ở xa điểm trường nhưng không có phương tiện đi học vì gia cảnh khó khăn. Vậy là, chị kêu gọi các nhà hảo tâm trên địa bàn thị trấn Kon Dơng hỗ trợ xe đạp cũ. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị đi nhận từng chiếc xe rồi bỏ tiền túi ra sửa sang lại để tặng cho học trò.

Xúc động đón nhận món quà từ cô giáo Nhàn dành tặng cho con trai, chị Ăch (làng Đak Trôk, xã Đak Yă) rưng rưng nói: “Nhà mình nghèo lắm, không có đất sản xuất nên chỉ biết làm thuê sống qua ngày. 4 năm nay, mình bị đau liệt 2 chân nên cuộc sống lại càng khốn khó. Mình có 5 đứa con mà giờ chỉ còn cháu Nhi đi học. Thương con mỗi ngày phải đi bộ 4-5 km đến trường nhưng mình đâu có tiền mua xe đạp. Giờ được cô giáo tặng xe đạp cho Nhi, mình mừng lắm. Gia đình cảm ơn cô giáo rất nhiều và sẽ cố gắng động viên con học hành chăm chỉ”.

Với 30 năm đứng trên bục giảng, chị Nhàn khẳng định, nghề giáo đã cho chị nhiều điều vô giá. Và với chuyện đời-chuyện nghề của mình, chị muốn gửi gắm đến các nhà giáo trẻ và chính cậu con trai đang theo học ngành Sư phạm một thông điệp: “Hành trình bảng đen phấn trắng” là một hành trình cao quý và đầy ý nghĩa. Đã chọn nghề giáo thì bạn hãy kiên định và yêu nghề dù ở hoàn cảnh nào, bởi đó cũng là một sự tri ân đối với những người thầy, người cô đã từng dìu dắt bạn!”.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.