Mỹ lo ngại khu nghỉ dưỡng khổng lồ Dara Sakor, siêu dự án chiếm 20% đường bờ biển Campuchia, có thể trở thành căn cứ hải quân Trung Quốc.
Bãi biển tại khu nghỉ dưỡng Dara Sakor ở Botum Sakor, tỉnh Koh Kong, Campuchia. Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg
Không giống với bất kỳ nơi nào khác tại Campuchia, Dara Sakor là siêu dự án trị giá 3,8 tỷ USD với sự góp mặt của nhà đầu tư Trung Quốc, có diện tích 450km², chiếm tới 20% bờ biển của quốc gia Đông Nam Á này.
Được kiểm soát bởi một công ty Trung Quốc với thời hạn cho thuê lên tới 99 năm, dự án Dara Sakor chia thành từng giai đoạn, dự kiến sẽ xây dựng một sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng sang trọng với các trạm điện, nhà máy xử lý nước và cơ sở y tế.
Quy mô và phạm vi của dự án trên đã khiến Mỹ lo ngại khu nghỉ dưỡng này có thể là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc nhằm xây dựng cơ sở quân sự ở Campuchia, một quan chức Mỹ cho biết.
Hiện diện hải quân ở đây sẽ mở rộng dấu chân chiến lược của Trung Quốc ở Đông Nam Á, giúp Bắc Kinh kiểm soát các tuyến hàng hải trị giá ngàn tỉ USD.
Dự án cho khách du lịch hay quân đội Trung Quốc?
Đây không phải là lần đầu tiên sự hiện diện của Trung Quốc tại Campuchia gióng lên hồi chuông cảnh báo với chính quyền của Tổng thống Trump. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence năm 2018 đã viết thư cho Thủ tướng Hun Sen, bày tỏ lo ngại rằng Campuchia có thể đang lên kế hoạch lưu trữ thiết bị Trung Quốc tại một địa điểm gần đó, cụ thể là căn cứ Hải quân Ream, nơi mà các quan chức ở Phnom Penh đã nhiều lần phủ nhận.
Nhìn rộng hơn, Mỹ nghi ngờ rằng sáng kiến Vành đai con đường mà theo đó Trung Quốc xây dựng rất nhiều cảng biển và các dự án cơ sở hạ tầng có vị trí chiến lược ở Sri Lanka, Pakistan và Myanmar, sẽ dọn đường để Trung Quốc thiết lập nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài. Với 3/4 vốn đầu tư là từ Trung Quốc, Campuchia trở thành đối tác đáng tin cậy của Bắc Kinh ở Đông Nam Á.
Charles Edel, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu tại Đại học Sydney cho biết: "Nếu sở hữu một căn cứ hải quân ở Campuchia, điều đó có nghĩa là hải quân Trung Quốc sẽ có môi trường hoạt động thuận lợi hơn ở vùng biển xung quanh Đông Nam Á”.
Công trường xây dựng tại khu nghỉ dưỡng Dara Sakor. Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã công khai đặt câu hỏi về giá trị của các liên minh Mỹ lâu đời ở Châu Á và những nơi khác trên thế giới. Điều đó đã giúp mở ra cơ hội cho Trung Quốc và Nga nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ chiến lược với các quốc gia thân thiện.
Ông Hun Sen đã gọi những báo cáo về căn cứ quân sự của Trung Quốc là giả mạo và sai sự thật. Thủ tướng Campuchia cũng đã viết thư, đáp trả cáo buộc của ông Pence rằng quốc gia này từ chối bất kỳ sự hiện diện quân sự nước ngoài nào cũng như bất kỳ cuộc cạnh tranh nào có thể đẩy quốc gia này vào tình thế chiến tranh.
Mỹ chưa thực sự được trấn an
Hồi tháng 6, quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Joseph Felter đã viết thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh hỏi rằng, tại sao Campuchia từ chối lời đề nghị của Mỹ trong việc sửa chữa các cơ sở ở Căn cứ Hải quân Ream, trong khi trước đó đã gửi yêu cầu vào tháng 1.
Ông Felter nói rằng quyết định trái chiều đột ngột làm tăng thêm sự nghi ngờ rằng Campuchia sẽ lưu trữ tài sản quân sự của Trung Quốc tại căn cứ này.
“Chúng tôi lo ngại rằng bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia nhằm mời gọi hiện diện quân sự nước ngoài nước này sẽ đe dọa sự gắn kết và tính tập trung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á”, ông Emily Zeeberg, phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh, cho biết qua email.
Tuy nhiên, chính phủ Campuchia khẳng định không có gì để che giấu.
Công trường xây dựng sân bay quốc tế Dara Sakor. Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg
Khi hợp đồng thuê đất được trao cho Công ty Trung Quốc Tianjin Union Development Group hồi năm 2008, Dara Sakor được quảng cáo sẽ trở thành một trung tâm du lịch mới của Campuchia.
Các tài liệu quảng cáo trên trang web của công ty cho thấy nhiều kế hoạch đầy tham vọng: sân bay đón một nửa số du khách Campuchia, tiến hành lắp đặt và hạ thủy nhiều tàu du lịch cỡ lớn, kết nối đường sắt cao tốc đến thủ đô Phnom Penh và Siem Reap - nơi có các đền thờ nổi tiếng và hiện là trung tâm du lịch lớn nhất của Campuchia.
Vào đầu tháng 7, khi phóng viên Bloomberg tới Dara Sakor, không có điều gì bất thường xuất hiện ở đây. Bên trong khu resort vốn mở cửa từ năm 2014, khách du lịch cả bản địa và nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) đang ăn uống và bơi lội, nghỉ ngơi cùng gia đình. Khu resort có 1 sân golf khá đẹp và 1 bãi biển có cát trắng phau.
Một nhân viên của resort cho biết, cần phải có sân bay mới vì phải mất khoảng 3,5 giờ đồng hồ lái xe để đi từ Sihanoukville - một thị trấn ven biển, nơi cũng đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Tại một chốt kiểm tra phía trước công trường xây dựng sân bay mới (dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm tới), chỉ có một người bảo vệ chỉ đường cho xe cộ đi vào khu vực thi công bụi mù mịt. Khách tham quan có thể lái xe quanh khu vực này. Nhà ga vẫn chưa được xây dựng, và chỉ có khoảng hơn một chục công nhân đang làm việc.
Có một chốt kiểm tra khác trước con đường dài 67km nối khu resort với cảng nước sâu. Con đường khá gồ ghề và hoang vắng, ít có dấu hiệu của sự sống.
Một người lái xe làm việc tại resort đã phá lên cười khi nghe thấy ý tưởng khu resort này có thể trở thành căn cứ quân sự của Trung Quốc.
Khung cảnh bên trong khu resort. Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg
Tại hội nghị an ninh ở Singapore hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng đã thẳng thừng bác bỏ thông tin rằng, Bắc Kinh đang xây dựng một căn cứ hải quân tại Campuchia. Tuy nhiên, các chiến lược gia quân sự đã nhìn thấy một số dấu hiệu bất thường.
Sân bay mới tại Dara Sakor có sức chứa khoảng 10 triệu hành khách mỗi năm, gấp đôi so với sức chứa của sân bay tại Phnom Penh và gấp hơn 40 lần so với số du khách tới sân bay tại Sihanoukville, nơi có nhiều khách sạn và sòng bạc, vào năm 2017. Ngay tại tỉnh Koh Kong cũng chỉ đón 150.000 du khách quốc tế vào năm ngoái.
Tuy nhiên, đại tá Vinayak Bhat, cựu chuyên gia phân tích ảnh vệ tinh của Quân đội Ấn Độ, nhận xét: "Trừ khi anh đã có sẵn quy mô du lịch cần thiết, bình thường không ai lại đi xây thêm sân bay khi ở gần đó đã có một cái. Cảng nước sâu cũng không hợp lý về phương diện du lịch, nó có thể biến thành căn cứ hải quân chỉ trong một đêm".
Đại tá Bhat cho biết các nhà hoạch định của Quân đội Ấn còn lo ngại về mối quan tâm của Trung Quốc trong dự án kênh đào Kra xuyên Thái Lan. Tuyến hàng hải này, nếu thành sự thật, sẽ giúp tàu bè Trung Quốc tránh đi vòng qua Eo Malacca và phát huy hết sức mạnh trên Ấn Độ Dương.
Hồi tháng 11/2018, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã ra lệnh đánh giá tính khả thi của dự án kênh đào Kra, nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì mới. Các nghiên cứu trước đó ước tính chỉ cần mất 9 năm để xây kênh Kra nếu dự án được bật “đèn xanh”.
Mộc Miên (Đời sống & Pháp luật/Theo Bloomberg)