Có con đường nào không ngã rẽ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù đó là con đường đời tôi đang chọn để dấn thân hay là con đường dạo bộ vào mỗi buổi chiều thu ở một vùng đất rất xa quê hương mình, có con đường nào không ngã rẽ?
Khi còn bé thơ, tôi thường trốn giờ ngủ trưa qua nhà hàng xóm chơi. Thay vì đi theo lối cổng chính, tôi ra vườn, vén bụi cây râm bụt chui ra khỏi hàng rào. Vậy là, tôi có thể rút ngắn đoạn đường mà không bị bố mẹ phát hiện.
Con đường nhỏ, ẩn mình giữa những hàng cây, thay vì đi thẳng về hướng bụi tre kẽo kẹt đưa tôi ra những cánh đồng mía bao la, đôi chân dẫn lối đưa tôi tới nhà người bạn, nơi chị có tất cả những thứ mà tôi thiếu thốn: một kệ sách chất đầy những câu chuyện từ Đông sang Tây, những chồng báo cho nhi đồng, thiếu niên chất cao ngất ngưởng, những chiếc bánh vàng lốm đốm đường trắng tinh và những bộ cờ vua, cờ cá ngựa khiến tôi mê mẩn.
Căn nhà nhỏ, ẩn mình giữa một khu vườn xanh mướt, hoa nở suốt bốn mùa, đặc biệt là hương hoa nhài thoang thoảng trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Chị là người đầu tiên dạy cho tôi chơi cờ vua, từng bước đi của các quân phải theo một luật lệ khác hẳn với cờ tướng mà bố dạy tôi. Tôi ngạc nhiên khi thấy người nắm giữ quyền lực mạnh nhất trong cờ vua lại là nữ hoàng, trong khi cờ tướng hoàn toàn không có vị nữ vương này.
Từ những quân cờ, tâm trí tôi lang thang vào những câu chuyện trong thế giới văn học khác xa với thực tại. Rồi một ngày tôi chợt hiểu ra, tôi sẽ không bao giờ bó hẹp cuộc đời mình trong một hình vuông khép kín như vị vua cờ tướng trong văn hóa phương Đông, tôi muốn được tung hoành như vị nữ hoàng cờ vua trong văn hóa phương Tây. Nếu những tháng năm ấy, tôi không rẽ ngang vào nhà chị và được học hỏi nhiều điều mới lạ, có lẽ tôi sẽ theo bước chân mẹ, đi thẳng về phía con đường mòn mà cuộc đời tôi sẽ gắn liền với những cánh đồng mía.  
17 tuổi, đứng trước ngưỡng cửa kỳ thi đại học khốc liệt sẽ quyết định số phận một con người, tôi tự hỏi tôi là ai. Tôi nhìn quanh chỉ thấy những gương mặt phụ nữ mệt mỏi vì che đậy khao khát được là chính mình vì phải làm vừa lòng người khác, những con người phải gồng mình lên để tồn tại chứ không phải sống hạnh phúc trọn vẹn một kiếp người. Tôi hoảng sợ cho tương lai ảm đạm của chính mình: một tấm bằng đại học, một công việc ổn định suốt đời, một gia đình với những đứa con trước khi tôi vừa kịp 30 tuổi và phần đời còn lại ngập chìm trong lo toan cơm áo gạo tiền.
Tôi quyết định phải đi tìm lẽ sống giúp mình có một cuộc đời hạnh phúc. Chính vì lòng khao khát đi tìm mục tiêu sống mà tôi đã bước lên một con đường đi tìm ước mơ, bao phủ bởi những làn sương mờ trong sự bối rối, hoang mang, cô độc của tuổi trẻ. Tôi bỏ ngoài tai những ý kiến của người khác về ước mơ trở thành nhà văn của mình. Những lời khó nghe của họ chỉ khiến tôi thêm quyết tâm với con đường mình đã chọn.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Không như những người đam mê xê dịch khác, tôi lên đường để trải nghiệm, dấn thân cho những câu chuyện mình sẽ viết; giống như một người ghi chép hộ cho các nhân vật của chính mình. Và thế là, tôi lao vào một hành trình đạp xe từ Việt Nam đi London với người đàn ông phương Tây dù chưa kết hôn khiến gia đình tôi xấu hổ thay vì tự hào.
Sự ngăn cản của họ không thể ngăn tôi lao vào một hành trình không biết ngày về, không quản ngại những nhọc nhằn mà tôi chưa từng trải qua trong đời: chứng kiến lần đầu tuyết rơi ở Kyrkyztan vào một ngày hè tháng năm, sống sót trên một con đèo khi phanh bị đứt và cảm nhận thế giới bao la này ngập tràn lòng nhân ái. Con đường năm ấy tôi đi, chúng quanh co, khúc khuỷu, hơn 16 ngàn cây số chạy xuyên Á tới Âu, với những khó khăn về thể xác không trĩu nặng như những mệt mỏi về tinh thần.
Chẳng ai có thể ngờ được, loài người lại đối mặt với một đại dịch nguy hiểm đến nhường vậy trong năm 2020. Tôi may mắn hoàn thành thêm một ước mơ từ thuở 18: đi du học trời Tây.
Khi tôi ngoảnh đầu nhìn về quá khứ, tôi phải cảm ơn những con đường mình đã đi qua, quanh co với những ngã rẽ bất ngờ, đã vun đắp tôi của ngày hôm nay mạnh mẽ hơn và hạnh phúc khi được sống trọn vẹn với ước mơ. Tôi phải cảm ơn chính bản thân mình, mạnh mẽ và dũng cảm đi theo tiếng gọi của trái tim: trở thành vị nữ hoàng trong ván cờ vua của ngày bé thơ, được làm chủ ván cờ số phận đời mình.
Dù đó là con đường đời tôi đang chọn để dấn thân hay là con đường dạo bộ vào mỗi buổi chiều thu ở một vùng đất rất xa quê hương mình, có con đường nào không ngã rẽ?
KIM NGÂN
________________________
Kim Ngân-Tác giả cuốn sách “Nào, mình cùng đạp xe đến Paris”.

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

(GLO)- Nhà giáo Tạ Chí Tào (trú tại huyện Chư Sê) mang trọng bệnh đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ chịu ngừng nghỉ. Anh vẫn đều đặn sáng tác văn học, nghiên cứu lịch sử. Đến nay, anh đã có gần 10 đầu sách, chính xác là 9 tập đã phát hành, còn 1 cuốn nghiên cứu lịch sử đang có kế hoạch xuất bản.