Chuyện về Tiểu khu 119

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ đường lớn nhìn vào, Tiểu khu 119 (xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) nổi bật với 42 mái nhà lợp tôn thẳng tăm tắp, 42 lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. “Chào bộ đội!”, các em nhỏ S’tiêng đồng loạt hô to khi thấy ô tô của Đoàn Kinh tế quốc phòng 778 (Đoàn 778, thuộc Quân khu 7, đóng tại tỉnh Bình Phước) ghé vào. Đường nội bộ trải bê - tông, nền nhà láng xi măng sạch sẽ nên dù chạy chân trần, các em không còn bị đất đỏ bám vào kẽ chân nhiều như ngày xưa nữa. Cuộc sống của đồng bào S’tiêng sau khi dọn đến Tiểu khu 119 cũng bớt hẳn nhọc nhằn, cơ cực.
 

Bộ đội hướng dẫn đồng bào S’tiêng phương pháp trồng trọt, chăn nuôi tại Tiểu khu 119.
Bộ đội hướng dẫn đồng bào S’tiêng phương pháp trồng trọt, chăn nuôi tại Tiểu khu 119.

Thôn khai hoang ngày trước

Năm 1997, khoảng 200 đồng bào dân tộc S’tiêng từ xã Long Hà, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước (nay thuộc huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) đến thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa khai hoang. Trưởng thôn Điểu Tứ, đội trưởng đội khai hoang ngày ấy, nhớ lại bà con được cấp đất làm nhà, làm rẫy nhưng đời sống không cải thiện nhiều vì ai cũng khư khư giữ tập quán canh tác lạc hậu. Gần 20 năm, cái nghèo dai dẳng bám lấy 42 hộ đồng bào. Cách trung tâm xã 15km về hướng Tây, thôn như ấp chiến lược biệt lập với thế giới bên ngoài. Mùa khô, đường bụi mù, che khuất tầm nhìn, nhưng dù sao vẫn còn đi được. Mùa mưa, đường lầy lội chặn đứng hầu hết các loại phương tiện. Đồng bào ra trung tâm xã mua bán, các cháu đi học chỉ có thể đi bộ, xe máy phải cuốn xích vào bánh mới đủ khả năng thoát khỏi những vũng sinh lầy. Điện không có đã đành, nước sạch bà con cũng phải lấy từ lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Nhiều gia đình quanh năm chỉ dựa vào mấy chục cây điều và công việc làm thuê. Có những lúc đói kém, ngọn lang, củ sắn là cứu cánh duy nhất. 42 căn nhà tạm bợ, lụp xụp là nơi trú mưa, tránh nắng của 200 người. Xung quanh chẳng có gì ngoài vài cây điều, cây lang, cỏ dại.

Cái bụng không no nên cái chữ không đến. Ở đây, người già mù chữ, người trung niên, thanh niên đa phần chỉ học hết cấp 1, thậm chí lớp 1, 2. Các cháu nhỏ học nhờ ở nhà trưởng thôn Điểu Tứ. Cái dốt, cái nghèo cứ thế nương nhau, đeo đẳng đồng bào từ thế hệ này sang thế hệ khác...

Chuyển mình

Cuộc sống của đồng bào S’tiêng ở thôn Tân Lập luôn là trăn trở của địa phương và Đoàn 778. Đại tá Nguyễn Thành Ruân, Chính ủy Đoàn 778, cho biết năm 2015, tiếp thu ý kiến cấp trên, Đoàn 778 cùng chính quyền địa phương đến tận nơi khảo sát, ghi nhận tình hình. Dịp Tết Ất Mùi 2015, cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng các ban, ngành ở lại đón giao thừa cùng bà con. Trong thời gian này, các bên phối hợp thành lập ban vận động, tiến hành tuyên truyền, thuyết phục đồng bào thay đổi theo định hướng địa phương. “Vấn đề khiến mọi người đau đầu là xây nhà trên nền đất cũ thì chi phí xây dựng sẽ rất cao do tốn chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường học...). Hơn nữa, nhà cửa ở đây vốn xây dựng thiếu quy hoạch, diện tích đất ít. Nhược điểm ấy là rào cản của đào tạo nghề, kỹ thuật canh tác. Vì thế, chúng tôi quyết định vận động đồng bào dọn ra Tiểu khu 119 - khu dân cư mới tại địa phương. Vạn sự khởi đầu nan, quá trình đồng hành cùng bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm gặp nhiều gian truân lắm. Ai cũng lo nếu dọn qua chỗ mới thì mất đất, mất nhà cũ; anh em, dòng họ chia rẽ... Do lối sống cộng đồng từ xưa đến nay nên chỉ cần một người không đồng ý chuyển đi thì cả làng sẽ cố thủ đến cùng. Chúng tôi phải nhờ trưởng thôn Điểu Tứ phân tích thiệt hơn nhiều lần. Nghe chính quyền, bộ đội phân tích dọn ra chỗ ở mới có điện, nước, đường nhựa, mọi người mới xuôi xuôi. Đến lần họp thứ ba mới thuận lợi”, đại tá Nguyễn Thành Ruân kể.

Năm 2015, Đoàn 778 và địa phương đổ móng 16 căn nhà đầu tiên. Mỗi căn có diện tích 45m2, kinh phí hơn 50 triệu đồng. Trong đó, mỗi hộ chuyển ra góp 3 triệu đồng; số còn lại do mạnh thường quân ủng hộ. Để xây một căn nhà kiên cố với số tiền ấy quả thật không dễ dàng. Do đó, Đoàn 778 và địa phương tiếp tục thương lượng, kêu gọi các đơn vị thi công góp ngày công, vật liệu nhằm giảm tối đa chi phí. Thấy việc làm thiết thực, nhiều cá nhân, tổ chức không nề hà đóng góp sức người, sức của. Bộ đội, công nhân xây dựng và đồng bào cùng nhau đặt viên gạch đầu tiên rồi tích cực đào hố, bê gạch, đất.

Cứ như vậy, 16 nóc nhà mọc lên, đặt nền móng vững chắc cho Tiểu khu 119. Thấy những gia đình tiên phong ổn định trong nhà mới, những hộ còn lại an tâm hưởng ứng. Đến cuối năm 2016, Tiểu khu 119 đón 26 gia đình cuối cùng vào nhà mới. Đường sá rộng rãi; điện, nước đầy đủ; nhà cửa kiên cố như mong ước từ lâu của đồng bào S’tiêng. Bước đầu, những thay đổi ấy mang đến niềm tin cho đồng bào quyết định gắn bó với tiểu khu.

Tiểu khu 119 hôm nay

Giờ đây, ở Tiểu khu 119 trường học gần hơn, các em có thêm điều kiện cắp sách đến trường. Thân thiết với các chú bộ đội, tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài, nhiều em nhỏ mạnh dạn nói chuyện. Không ít người cao tuổi dù không biết tiếng Việt nhưng cởi mở hơn khi có khách ghé thăm.

Có nhà mới, mỗi gia đình còn nhận một ti vi màn hình phẳng 24 inch, nồi cơm điện, bồn nước… Bà con tự lắp chảo K+, chuyện trước đấy ít người biết và không người nào nghĩ đến. Quan trọng hơn, mỗi hộ được cấp 400-500m2 đất để trồng rau, nuôi heo, thả gà. Mỗi căn nhà trong tiểu khu đều có công trình phụ, vườn canh tác, cổng, rào kiên cố. Bộ đội cùng cán bộ nông nghiệp đến tận nơi hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi; bước đầu rời bỏ tập quán canh tác lỗi thời. Trong 2 năm, Đoàn 778 tổ chức 3 lớp đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp cho 42 hộ đồng bào sinh sống tại Tiểu khu 119. Đại tá Nguyễn Thành Ruân nhận xét: “Món quà đồng bào ưng bụng nhất là đàn bò vì nó chính là “cần câu” giúp thoát nghèo hiệu quả nhất ở đây”.

Từ đường lớn nhìn vào, ai cũng nhận ra Tiểu khu 119 với 42 mái nhà lợp tôn thẳng tăm tắp, 42 lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.

Đứng trong tiểu khu hướng ra phía bãi cỏ gần đó, chúng tôi trông thấy đàn bò lấp ló sau những bụi cỏ cao quá đầu người. Con nào con nấy lớn nhanh như thổi, đó là cuộc sống tương lai của đồng bào, của các em nhỏ S’tiêng ở Tiểu khu 119.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...