Chuyện về người báo vụ năm xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối năm 1969, để nắm bắt tình hình kịp thời và đáp ứng sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Gia Lai đối với các khu (K) phía Đông-Nam tỉnh như K8, K7, K6, Tỉnh ủy đã quyết định thành lập bộ phận đài 15W tại khu vực này.
Thay vì ra Bắc chữa bệnh như dự kiến, chú Hoàng Thanh Trung đã tình nguyện ở lại chiến trường để nhận nhiệm vụ Trưởng đài ở đây. Và tôi biết ông từ đó, một chàng trai trẻ xứ Quảng, đậm người và vui tính, coi tôi như một đứa cháu trong nhà. Mỗi khi tôi đem tài liệu từ cơ yếu đến nơi chú và nhận điện văn từ chú trở về, nếu không có gì gấp, chú luôn giữ tôi lại để... chơi. Trong sự chơi ấy, tôi học được ở chú bao điều có ích cho kiến thức vốn hạn hẹp của mình bấy giờ, mà sau này chúng trở thành vốn quý trong cuộc sống.
Hôm hay tin chú mắc căn bệnh ung thư dây thanh quản, tôi ngỡ ngàng đến không thể tin nổi. Ở tuổi U90, chú vẫn khỏe mạnh, tinh anh và luôn vui vẻ trò chuyện với bạn bè, chòm xóm, khách thăm cũng như con cháu trong nhà. Mỗi chiều, như quy ước, mấy anh em trong khu phố mà chú quý mến lại tụ tập đến nhà chú, vài cốc rượu, mấy chén trà; những câu chuyện xưa, chuyện nay dường như không dứt. Vậy mà...
 Vợ chồng ông Hoàng Thanh Trung. Ảnh: Đ.M.P
Vợ chồng ông Hoàng Thanh Trung. Ảnh: Đ.M.P
Chắp nối từ những câu chuyện thường ngày chú tâm sự, tôi được biết và hiểu thêm ít nhiều về người đảng viên trên 60 tuổi Đảng này. 16 tuổi đời, nhưng đã gần 2 tuổi quân, anh bộ đội Cụ Hồ ấy đã sớm xa gia đình, quê hương đất Quảng (xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn) để theo đơn vị lên đường tập kết ra Bắc như quy định của Hiệp định Genève. Lanh lợi và chăm chỉ, vốn có “ít chữ nghĩa”, chú được cử đi học một khóa về điện báo viên (báo vụ) và cơ công. Bạn đọc ngày nay rất ít người biết về ngành nghề đặc biệt này nên hay nhầm lẫn giữa ngành Cơ yếu với Báo vụ và Cơ công. Ra Bắc năm 1954 thì tháng 5-1959 chú hoàn thành khóa học, sau đó nhận lệnh quay về miền Nam. Cũng như bao đồng đội quê hương miền Nam, được sớm trở về chiến đấu ngay trên mảnh đất thân yêu là nguyện vọng, là ước mơ cháy bỏng của chú. Đặc biệt, bấy giờ miền Nam đang bị chế độ gia đình trị họ Ngô giày xéo, lê máy chém khắp nơi, tàn sát đồng bào đồng chí, dìm phong trào cách mạng trong bể máu... nên rất cần có những cán bộ, đảng viên tiên phong ra tiền tuyến. 
Về Nam, được bổ sung vào Tỉnh đội Gia Lai chưa bao lâu, trước nhu cầu cấp bách cần phải có một tổ đài 15W Báo vụ và Cơ yếu ở phía Tây-Nam tỉnh, đầu năm 1960, chú Trung được Tỉnh ủy Gia Lai điều động về đảm trách nhiệm vụ ở khu vực này (thị xã Pleiku và các huyện H4, H5, sau đổi thành K4, K5-tức là Ia Grai, Chư Prông ngày nay). Chỉ một mình, chú Trung đảm nhiệm cả công việc của một điện báo viên (báo vụ) và cơ công (chuyên sửa chữa máy vô tuyến điện). Mãi cho đến cuối năm 1967, tổ điện báo của chú mới được bổ sung thêm người. Chú kể: Một lần, địch càn vào chỗ ở của Đài. Trên đường rút lui, các anh trong Đài vô ý làm rơi mất tay quay máy ragono (máy phát điện quay tay phục vụ cho đài 15W thu phát sóng), làm gián đoạn liên lạc từ trên xuống, dưới lên mất một thời gian. Trong điều kiện “2 bàn tay trắng”, chú đã vào làng bà con Jrai xin được cọng sắt, mày mò gò, đục, uốn, vặn... “chế tạo” lại tay quay ragono, làm sống lại “cục sắt” phát điện, nối lại mạch máu lưu thông thông suốt giữa tiền tuyến với hậu phương-căn cứ Krong.
Hàng chục năm trước và sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với cương vị Trưởng đài vô tuyến điện của Tỉnh ủy Gia Lai, chú Trung vẫn giữ vững vai trò là mạch máu lưu thông thông suốt của cấp ủy và chính quyền, quân đội. Trong thời kỳ sơ khai của ngành Vô tuyến điện thuộc Bưu điện Gia Lai sau ngày giải phóng miền Nam, chú cũng là một trong những người hết mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành. Trên 10 năm với cương vị Bí thư chi bộ khối phố 6 (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) khi đã về hưu, chú vẫn với một tấm lòng trung nghĩa của người đảng viên vốn đã được tôi luyện trong chiến tranh sinh tử. Sinh hoạt cùng chi bộ với chú khi đã về nghỉ hưu, có lần tôi nói: “Chú vẫn là một đảng viên tiền phong gương mẫu lắm” thì chú bảo: “Đã là đảng viên ai cũng phải thế chứ cháu!”. 
Mới đây, tôi ghé nhà thăm chú. Vẫn một ông già Hoàng Thanh Trung vui vẻ, hoạt bát, lại những câu chuyện về quá khứ, hiện tại, tương lai ùn ùn kéo về, đưa tôi trở lại miền “trầm tích”. Chẳng cần hỏi thăm về bệnh tình, qua cử chỉ của chú, tôi biết sức khỏe chú đã hồi phục. Sau vài lần xạ trị cùng với sự chăm sóc chu toàn của chị nhà (cho tới giờ tôi vẫn giữ cách gọi ngược đời-chị/chú như thuở nào) và các con cháu cùng với sự vô tư, chịu khó tập luyện, căn bệnh quái ác đã phải chịu khuất phục. Xin nói thêm, vợ chú là nữ y tá của đơn vị Đài vô tuyến điện trực thuộc Tỉnh ủy Gia Lai hồi trong căn cứ Krong (huyện Kbang) mà chú Trung là thủ trưởng. Vóc người chị nhỏ nhắn, dễ nhìn. Chăm chỉ với công việc chuyên môn đã đành, chị kiêm luôn người quay ragono-là một công việc không hề nhẹ nhàng, chỉ dành cho thanh niên trai tráng. Chưa hết, chị còn làm cả nhiệm vụ nuôi quân, đảm bảo cho dù chỉ rau măng, cháo bẹ, khoai sắn thôi nhưng vẫn cơm ngon, canh ngọt. Vậy thì chuyện chị lọt vào “mắt xanh” của anh chàng thanh niên mới chỉ ngoài 30, lại là thủ trưởng đơn vị cũng là chuyện thường tình. Chị là Bùi Thị Trước. Đến nay, tuy đã ở tuổi U80 nhưng chị vẫn giữ những phẩm chất vốn có của người phụ nữ xứ núi Ấn sông Trà-chịu khó, hay lam hay làm. 
Trong một gia đình yên ấm, hạnh phúc, 3 con trai và các con dâu đều thành đạt với những công việc ổn định, trong đó một người đã là giám đốc một đơn vị kinh doanh của ngành Bưu điện tỉnh nhà, các cháu nội chăm ngoan học hành tấn tới..., chắc chắn người cán bộ, đảng viên trên 60 tuổi Đảng ấy luôn sống vui, sống hạnh phúc, vượt qua tuổi già và bệnh tật. Bài viết này dẫu chưa nói được gì nhiều về một người chiến sĩ, một cán bộ, một báo vụ viên đã từng luôn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, nhưng dù sao cũng đã chia sẻ một phần về chú Hoàng Thanh Trung với bạn đọc trẻ ngày nay.
 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.