Chuyện về lão ngư 40 năm bám biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Theo cha xuống biển từ khi còn là một cậu bé, đến nay, lão ngư Nguyễn Hữu Thanh (ngụ phường Đức Thắng, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đã trở thành “thủ lĩnh” của Tổ đội đoàn kết trên biển với hơn chục con tàu công suất lớn hoạt động ngày đêm trên các vùng biển xa của nước ta.

Với ông, ra khơi không chỉ là mưu sinh, mà còn thể hiện ý thức, trách nhiệm đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Lão ngư Nguyễn Hữu Thanh luôn xem tàu là nhà, biển đảo là quê hương

Lão ngư Nguyễn Hữu Thanh luôn xem tàu là nhà, biển đảo là quê hương

Giàu lên nhờ biển

Hay tin ông Nguyễn Hữu Thanh liên tiếp 2 lần được mời ra Hà Nội để tham dự lễ tuyên dương gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng (năm 2016 và 2022), chúng tôi đã tìm về làng biển phường Đức Thắng để gặp gỡ ông.

Sinh năm Đinh Mùi (1967), nhưng lão ngư này vẫn giữ được thân hình rắn rỏi, chắc nịch, bước chân lúc nào cũng nhanh thoăn thoắt chẳng khác gì một thanh niên. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, ngay từ khi mới 3 tuổi, ông Thanh đã theo gia đình từ tỉnh Bình Định về miền biển Phan Thiết để lập nghiệp. Năm lên 7 tuổi, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cậu bé Thanh vừa đi học vừa theo cha xuống cảng cá để học nghề biển.

Khi học cấp 3, Thanh đã xin cha được theo tàu ra khơi đi làm thuê trong những tháng hè để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Học đến lớp 12, Thanh phải nghỉ học để đi làm công cho tàu cá. Sau đó vài năm, ông Thanh lấy vợ và ra ở riêng, cuộc sống lúc này vẫn khó khăn bộn bề. May mắn lúc này, Nhà nước đang có chính sách cho vay vốn để phát triển kinh tế biển, ông Thanh mạnh dạn tham gia và đầu tư được một chiếc thuyền nhỏ công suất chỉ 75CV.

“Từ đó đến nay, với tôi, tàu là nhà, biển là quê hương. Hơi thở nồng ấm của biển, cộng với những mẻ cá tôm cứ đầy ắp ngày càng khiến tôi say mê với nghề”, ông Thanh bộc bạch.

Sau một thời gian được “biển thương”, gia đình ông Thanh trả hết nợ, kinh tế ngày càng khấm khá, ông tiếp tục đầu tư thêm 2 tàu công suất lớn để bám biển dài ngày ở những vùng biển xa của Tổ quốc. Nhờ tiếp thu khoa học - công nghệ trong khai thác, đánh bắt hải sản nên mỗi chuyến đi biển đều có lãi, cuộc sống gia đình ông Thanh ngày càng khá lên.

Biển là máu thịt

Tạm gác câu chuyện thoát nghèo nhờ biển, ông Thanh vội kéo tay tôi, bảo: “Mời anh ra cảng để tận mắt xem những chiếc tàu hiện đại của ngư dân. Chúng tôi bây giờ làm việc bài bản lắm, không mạnh ai nấy làm như hồi trước đâu”. Để minh chứng cho lời nói của mình, lão ngư chỉ vào những chiếc tàu dài hàng chục mét, hiên ngang, sừng sững trước biển, rồi nói: “Ra biển không chỉ cần có tàu lớn, hiện đại mà còn cần sự gan lì, dũng cảm, đoàn kết của ngư dân”.

Chẳng thế mà năm 2009, ngay sau khi biết UBND tỉnh Bình Thuận kêu gọi việc thành lập các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển, ông Thanh đã đến từng nhà, gặp từng người để vận động tham gia. Ngay sau đó, Tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển của phường Đức Thắng đã được ra đời và ông Thanh chính là tổ trưởng.

Hiện nay, tổ đoàn kết này có hơn 10 chủ tàu, hàng chục lao động tham gia, kết nối hàng trăm tổ đoàn kết khác trong tỉnh tham gia sản xuất trên biển. Ông Nguyễn Hữu Nhân (thành viên trong tổ đoàn kết) cho biết: “Trước đây, bà con ngư dân chúng tôi nhiều tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ, nhưng mạnh ai nấy làm nên có nhiều hạn chế. Từ khi tổ đoàn kết ra đời, ngư dân đoàn kết hơn trong sản xuất, gặp luồng cá gọi nhau cùng đánh bắt, tàu này hỗ trợ tàu kia khi gặp sự cố, hay khi bị tai nạn”.

Bên cạnh đó, trong những buổi sinh hoạt trong tổ, ông Thanh luôn vận động những thành viên trong tổ và những ngư dân trên cảng cá Phan Thiết không để tàu thuyền đi vào vùng biển của nước bạn, đồng thời khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản. Không chỉ là ngư dân sản xuất giỏi, một thủ lĩnh dày dạn kinh nghiệm trên biển được nhiều người tin tưởng, ông Thanh còn có tấm lòng nhân ái, sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi với những bạn thuyền gặp khó khăn.

“Đó là những lần thấy tàu bạn gặp nạn trên biển, mình phải gác hết công việc khai thác để cứu giúp, dắt tàu bạn về nơi an toàn; tham gia hỗ trợ ngư dân gặp bão lũ, thiên tai… Nhiều lắm, nhưng bản thân tôi thấy nếu làm được gì giúp ích cho xã hội, cho Tổ quốc thì tôi không nề hà. Bởi, biển là máu thịt không chỉ của tôi mà còn là của tất cả người dân Việt Nam”, ông Thanh tâm sự.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch UBND phường Đức Thắng, chia sẻ, ông Thanh là lão ngư kỳ cựu, là một tổ trưởng gương mẫu, tập hợp những chủ tàu đánh bắt xa bờ để cùng nhau đoàn kết, hỗ trợ trên biển. Không chỉ vậy, ông Thanh còn sẵn sàng tham gia công tác phòng chống thiên tai, công tác huấn luyện, diễn tập để bảo vệ ngư trường truyền thống, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và là hội viên tích cực với các phong trào của hội và phong trào do địa phương phát động.

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...