Chuyện về 2 người Gia Lai được gặp Bác Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có vị lãnh tụ nào trên thế giới mà những con người bình thường nhất cũng được gần gũi, được quan tâm từ những điều nhỏ nhặt nhất? Và ngược lại, có lãnh tụ nào mà những con người bình thường nhất cũng có thể tin cậy cởi mở những điều bình dị “rất người”? Chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã được nghe rất nhiều cán bộ, bộ đội, văn nghệ sĩ Gia Lai tập kết kể chuyện được gặp Bác Hồ. Mẫu số chung của những câu chuyện ấy là đều toát lên tình thương bao la của Bác.


Tuy nhiên, tôi vẫn xúc động và nhớ mãi về chuyện kể của 2 Trung tá cựu chiến binh người dân tộc thiểu số A Yun Hới (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) và Đinh Thắng (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang). “Trái tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ…”. Đúng là chỉ có trái tim Bác mới chất chứa một tình yêu bao la và vị tha đến vậy…

“Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc, đóng quân ở Bạch Mai (Hà Nội)-ông A Yun Hới kể. Một buổi sáng, chúng tôi được lệnh tập hợp để đón Bác đến thăm. Sau khi nói chuyện thế giới và trong nước một cách ngắn gọn, Bác hỏi:

- Trong tiểu đoàn ta, có chú nào là người dân tộc thiểu số không?

Tiểu đoàn trưởng thưa “có nhiều ạ” và bảo tôi đứng lên. Bác đi tới trước mặt tôi và nói:

- Các chú là dân tộc thiểu số cần được ưu tiên. Có nguyện vọng gì chú cứ thay mặt anh em đề đạt với Bác.

 Tranh: Bác Hồ làm việc bên bờ suối Lênin (nguồn: Internet).
Tranh: Bác Hồ làm việc bên bờ suối Lênin (nguồn: Internet).



Tôi bấy giờ tiếng phổ thông vẫn còn bập bõm, lại quen kiểu nói ở làng. Nghe Bác hỏi, nghĩ ngay đến thói nghiện thuốc lá của mình và anh em dân tộc, tôi buông một câu cộc lốc:

- Cho thuốc hút đi, cơm nước không cần bằng!

Tiểu đoàn trưởng giẫm khẽ vào gót chân tôi ra hiệu phải nói năng cho lễ phép nhưng tôi không hiểu nên chẳng để ý. Bác mỉm cười hỏi tiếp:
 
- Được rồi. Các chú cần gì nữa?
 
  -Cho thay súng. Súng nặng quá!

Chẳng là ngày đó phần lớn chúng tôi vẫn được trang bị thứ súng trường nặng trịch… Bác cười gật đầu: “Để Bác nghiên cứu”.

Sau khi Bác ra về, tôi bị anh em nhắc nhở vì “cậu được thay mặt anh em đề đạt nguyện vọng với Bác. Cái lớn không nói, sao lại đưa những chuyện lặt vặt thế hả?”. Lúc đó, tôi mới hiểu ra và thấy xấu hổ.

Nhưng điều vô cùng bất ngờ đã xảy ra: 3 ngày sau, chúng tôi đều được thay súng trường bằng cacbin. Tháng sau, số anh em dân tộc thiểu số được phụ cấp thêm mỗi tháng 1 đồng để mua thuốc hút!”. 

Còn đây là câu chuyện của Trung tá cựu chiến binh Đinh Thắng:

“Năm 1960, đơn vị tôi đóng quân ở Vĩnh Phú huấn luyện để chuẩn bị đi B. Để quen với đường hành quân dằng dặc vào Nam, mọi người phải tập mang gạch leo dốc, vượt suối, lội sông… Lớn lên từ rừng, 6, 7 tuổi đã quen với chiếc gùi trên vai, tôi chẳng coi những chuyện đó ra mùi gì, lòng chỉ vẩn vơ ao ước một điều: Giá như trước khi trở về Nam chiến đấu mình được gặp Bác Hồ. Thực ra thì trước đó tôi cũng đã được gặp Bác 2 lần nhưng chỉ từ xa. Đúng hơn là được thấy Bác. Quả nhiên là “cầu được ước thấy”. Bác đã đến với chúng tôi bất ngờ như trong giấc mơ…

Buổi sáng hôm đó, chúng tôi vừa ăn cơm sáng xong, đang chuẩn bị ra thao trường thì Bác đến. Cùng đi với Bác có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều không ngờ khiến tôi như bị điếc, không nghe thấy đồng chí Đại đội trưởng đang luýnh quýnh ra lệnh tập hợp đơn vị. Thấy vậy, Bác xua tay:

- Các chú cứ quây quần lại đây. Biết các chú sắp trở về quê hương chiến đấu, Bác với chú Văn đến thăm thôi.

Cử chỉ thân mật của Bác khiến chúng tôi chen nhau xúm lại. Bác trìu mến nhìn khắp lượt rồi hỏi:

- Ở đây có chú nào là người dân tộc thiểu số?

Anh em cùng đưa mắt về phía tôi, ra hiệu tiến lại gần Bác. Tôi lúng túng bước từng bước, thập thò sau lưng đồng chí Đại đội trưởng. Thấy vậy, Bác bước đến nắm tay tôi kéo lại gần, bảo:

- Chú chớ có rụt rè như thế. Bác cũng là dân tộc đấy thôi. Dân tộc Kinh!

Anh em đơn vị cùng cười vui vẻ. Bác nói tiếp:

- Đồng bào ta, dù dân tộc gì cũng là anh em một nhà, cùng bình đẳng xây dựng và bảo vệ đất nước. Chính phủ đang nỗ lực để đồng bào miền núi tiến kịp miền xuôi…

Rồi Bác nói chuyện về tình hình thế giới, tình hình miền Nam; dặn dò chúng tôi về trong đó phải làm gì, việc nào trước, việc nào sau… tỉ mỉ và thân tình như người cha với đàn con trước lúc lên đường. Chúng tôi ai cũng lặng đi vì xúc động. Kết thúc cuộc nói chuyện, Bác hỏi:

- Các chú được Đảng, Quân đội cử đi làm nhiệm vụ lâu dài, khó khăn và gian khổ. Ai có nguyện vọng gì cứ mạnh dạn đề đạt với Bác.

Bác Hồ tham gia Tết trồng cây tại Hà Tây năm 1969 (ảnh tư liệu).
Bác Hồ tham gia Tết trồng cây tại Hà Tây năm 1969 (ảnh tư liệu).



Anh em dường như đang suy nghĩ, chưa kịp nói gì thì tôi đã bật ra:

- Sao Bác không lấy vợ đi ạ?

Anh em trong đơn vị ai cũng bất ngờ trước câu hỏi của tôi. Đại đội trưởng trừng mắt ra ý bảo: “Sao cậu lại hỏi ngớ ngẩn thế hả?”. Bấy giờ, tôi mới thấy đã lỡ miệng nhưng còn biết làm sao. “Trời ơi, chẳng biết sáng nay mình ăn phải gì mà cái lưỡi lại bật ra câu vô duyên đến thế?”. Thấy mặt tôi sượng sần vì ngượng, Bác vỗ vai tôi cười lớn:

 - Không sao, chẳng phải chú mà nhiều người cũng đã hỏi Bác điều ấy. Cảm ơn chú đã quan tâm đến đời tư của Bác. Nhưng Bác chưa lấy vợ là vì đồng bào miền Bắc cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn, lại đang ra sức lao động, sản xuất để ủng hộ miền Nam. Đồng bào miền Nam thì đang đau khổ dưới ách xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai bán nước. Chờ ngày đất nước thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà, khi đó Bác sẽ lấy vợ. Già thì lấy vợ già, trẻ thì lấy vợ trẻ, lo gì phải không các chú?

Tất cả anh em đơn vị cùng ồ lên vui vẻ. Tôi-lúc đó như được cởi sợi dây đang thít chặt-lòng rưng rưng: Không thể ngờ là Bác lại giản dị và bao dung đến thế!

Cuối câu chuyện, cựu chiến binh A Yun Hới nói: “Tôi có hơn 20 đứa con nuôi. Sở dĩ vợ chồng tôi vượt qua được bao nhiêu khó khăn để nuôi ngần ấy con người chính là vì trong tôi có Bác. Người đã dạy tôi sống là phải thương yêu nhau, phải giúp đỡ nhau từ những điều nhỏ nhất…”.  Còn Trung tá Đinh Thắng chùng giọng trầm ngâm: “Chỉ có mấy phút bên Bác mà hơn năm chục năm rồi tôi vẫn lưu dấu mãi trong mình từng chi tiết nhỏ. Bác như ngọn núi lớn, càng gần càng thấy ấm áp; càng xa càng thấy cao...” .

Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.