Chuyện tình con nước nổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhà có 5 anh em, thì đã có 3 người gặp được “nửa kia” của cuộc đời mình trong những chuyến theo cha đánh bắt cá đồng xa. Tổ ấm của họ đơn sơ trên những “ngôi nhà” là chiếc ghe bầu, rày đây mai đó mưu sinh theo con nước bạc. Con cái họ cũng sinh ra trên ghe. Thứ chạm mặt đầu tiên của những đứa trẻ từ lúc lọt lòng cũng là nước, là cái nắng cháy da, là ngọn gió bấc vùng châu thổ.
Gia đình nhỏ của Hoài và Hồng cùng con gái bốn tuổi Lê Thị Cẩm Trâm.

Gia đình nhỏ của Hoài và Hồng cùng con gái bốn tuổi Lê Thị Cẩm Trâm.

Duyên nợ đồng xa

Cứ tới mùa là ông Lê Văn Thứ lại đùm túm cà ràng, bó củi, nồi niêu, gạo, muối... xuống ghe cùng với vợ con rời khỏi quê nhà ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bắt đầu hành trình du cư theo con nước nổi. Không ngờ, những chuyến mưu sinh trên những cánh đồng nước xa lạ ấy lại là duyên nợ của các con ông. Xóm ghe này mỗi lần di chuyển thành đoàn, có hàng, có lối trên sông trông đẹp mắt và trật tự. Ông Lê Văn Thứ, 64 tuổi, cầm lái chiếc ghe bầu to nhất chạy dẫn đường cho bốn chiếc ghe còn lại của con mình đi tìm những cánh đồng ngập lũ để mưu sinh. Kế đến là ghe của anh Lê Văn Tùng - con trai cả, ghe Lê Văn Kình - con trai thứ tư, ghe của Lê Văn Càng - con trai thứ năm, rồi đến ghe con gái út Lê Thị Cẩm Hồng và kéo theo sau gần chục chiếc vỏ lãi nối đuôi nhau, ngược lên những cánh đồng ngập nước đầu nguồn châu thổ Cửu Long. Đến cánh đồng ngập lũ ở xã Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, đoàn ghe dừng lại. Họ tìm nơi neo đậu cặp bờ kênh Tha La, tiếp giáp với tuyến đê bao ấp Cây Chăm, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Anh Tùng, năm nay 42 tuổi, nhưng đã theo ông nội, theo cha làm nghề hạ bạc (nghề đánh bắt trên sông nước) từ hơn 30 năm trước. Anh kể lại chuyến mưu sinh hơn 20 năm trước đã làm nên định mệnh của cuộc đời mình. Khi đó, cả nhà anh ngược lên những cánh đồng ngập lũ đầu nguồn biên giới Tây Nam để đặt dớn cá linh. Lúc này, cha anh lân la hỏi nhờ những gia đình ở khu vực Cống Đồn, xã Vĩnh Tế để neo đậu ghe và dựng căn chòi tạm tá túc ở lại đây đặt dớn. Suốt bốn tháng ở nhờ, gia đình anh Tùng đã dạy nghề đặt dớn cho chủ nhà. Gia đình ấy có cô con gái tên Nguyễn Thị Loan đã cảm mến và yêu Tùng vì thấy anh siêng năng lao động. Từ ngày “góp gạo thổi cơm chung” đến nay, vợ chồng anh Tùng đã có hai con, người con gái lớn đã gả chồng và người con trai 17 tuổi, lại nối nghiệp cha theo nghề hạ bạc.

Còn anh Lê Văn Kình, 38 tuổi, là con trai thứ tư, cũng theo cha lênh đênh trên ghe xuồng, sông nước khi mới mười mấy tuổi đầu. Chỉ tay về phía chị Tuyến đang ngồi lựa cá dưới ghe, anh Kình kể, quê vợ ở tận Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Hai người gặp nhau, cảm mến, yêu thương nhau vì đồng cảnh ngộ nghèo. Mùa nước năm sau, anh Kình quay lại cánh đồng ngập lũ ở Tràm Chim đặt dớn rồi rước luôn chị Tuyến về ra mắt gia đình. Thế rồi, 14 năm qua, gia đình nhỏ của anh cũng xuôi ngược mưu sinh theo con nước nổi, với chiếc ghe nhỏ làm nhà. Tổ ấm đơn sơ nhưng ngập tràn tiếng cười.

Rồi tới Lê Thị Cẩm Hồng, con út và là cô con gái duy nhất của ông Thứ, cũng nối nghiệp cha mưu sinh trên sông nước. Cô gái sinh năm 1991 dáng người thon nhỏ, với mái tóc dài và đôi mắt đen lóng lánh. Trong những mối duyên nợ đồng xa thì có lẽ chuyện tình của cô em gái út Cẩm Hồng cùng chồng là anh Mai Văn Hoài trải qua nhiều cảm xúc nhất. Có những lúc, cuộc sống họ gần như bế tắc vì khốn khó bủa vây. Nhưng bằng sự cố gắng, bằng sức lao động của chính mình, chân trời mới đã mở ra với họ.

Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nhưng hạnh phúc đơn sơ vẫn rạng ngời trên gương mặt từng người. Họ sống quần cư, neo đậu ghe cùng một bến tạo nên xóm nhỏ ven bờ kênh, di chuyển cùng nhau đến những cánh đồng xa.

Hạnh phúc lênh đênh

Mai Văn Hoài là dân vùng biên giới Tây Nam chính gốc, có người chị gái lấy chồng về dựng nhà trên tuyến dân cư vượt lũ gần đập nước Tha La, ở ấp Cây Chăm, xã Vĩnh Tế. Cứ tới mùa nước nổi, Hoài đến nhà chị gái để mưu sinh bằng nghề chài lưới... Và rồi, định mệnh sắp đặt cho chàng trai sinh năm 1982 gặp nửa kia “mảnh ghép” của cuộc đời mình vào mùa nước nổi năm 2006. Khi đó, Cẩm Hồng cũng theo cha và các anh trai lên cánh đồng đầu nguồn biên giới này đặt dớn. Ghe của gia đình Hồng neo đậu nhờ dưới bến nhà chị gái của anh Hoài. Những lần vô tình chạm mặt, cô gái nhỏ bẽn lẽn quay đi, cố tránh ánh mắt của chàng thanh niên đối diện. Nhưng câu chuyện tình thầm kín của Hoài và Hồng cũng không qua mắt được gia đình, bởi “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e...”. Cha mẹ hai bên đã tác hợp cho đôi trẻ nên duyên chồng vợ, cũng trong mùa con nước ngập.

“Tụi em đến với nhau đâu có sính lễ hay cưới hỏi rình rang, chỉ có cha mẹ, anh chị, họ hàng hai bên ăn bữa cơm đạm bạc. Rồi hai đứa ra riêng, che tạm căn chòi ở nhờ trên đất người quen, cùng nhau làm thuê làm mướn”, Hoài bộc bạch. Hoài nói rằng, mái nhà là ước mơ xa xỉ với hoàn cảnh của vợ chồng mình. Bởi ba đời bên gia đình vợ đều sinh sống trên ghe, cha mẹ ruột cũng nghèo nên vợ chồng anh cũng chỉ mơ ước có chiếc ghe nhỏ làm nhà. Sau khi lấy vợ, Hoài theo về bên vợ, học theo làm nghề dớn lưới cá linh, mưu sinh trong mùa nước nổi. Mùa khô, không có việc làm, Hoài lại đi đây đó tìm kiếm công việc làm thuê. Hôm đi về nhà chị gái, trên đường đi thấy có bán một chiếc ghe máy “bẹo lá”, anh liền dừng lại hỏi giá. “Nhưng trong túi không có tiền nên tui đổi chiếc xe máy là tài sản duy nhất của hai vợ chồng, lấy chiếc ghe lườn chiều dài 8 thước (8 m) và chiếc máy đuôi tôm cũ. Hồi năm 2008, trị giá chiếc xe cỡ 5 triệu đồng”, anh Hoài nhớ lại. Hồng kể xen vào: “Hai ngày sau, ổng lủi thủi dưới bến sông đi lên, mình mẩy dính nhớt đen thui. Em hỏi, xe đâu mà anh đi về mình không vậy. Chỉ vào chiếc ghe dưới bến, ổng nói, đó xe của em đó. Mua được chiếc ghe đầu tiên mừng lắm, nhưng không còn tiền để mua cây đóng vạt. Từ chuyện nấu nướng, ăn uống đều lọt thỏm dưới lòng ghe. Chiếc ghe vừa nhỏ, vừa lắc, em không dám nấu nồi canh vì bị đổ. Suốt ba năm liền vợ chồng con cái chỉ ăn cơm với cá kho khô”.

Sau khi có con, chiếc ghe nhỏ cũng trở nên chật chội, lắc lư, không tốt cho em bé. Hoài bàn với vợ bán ghe, vay mượn thêm tiền mua chiếc thứ hai, với giá 17 triệu đồng. Cảnh nghèo còn thêm khổ khi anh mua nhầm chiếc ghe quá cũ, chỉ ở được hai năm là rệu rã, hư hỏng hoàn toàn. Chiếc thứ hai là một trẹt gỗ, mua với giá 22 triệu đồng bằng tiền vay mượn. Có “nhà” mới, vợ chồng anh vượt mấy cánh đồng ngập lũ lên tận biên giới Tân Hưng, Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đánh bắt. Làm chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 ập tới, phải “neo ghe” ở xứ người, nợ nần chồng chất. Khi vừa hết dịch bệnh, anh Hoài phải bán chiếc trẹt lấy tiền trả nợ, dư ra được ít tiền làm vốn. Năm sau vợ chồng anh khăn gói lên cánh đồng biên giới Tịnh Biên đặt dớn nhưng phải che lều ở nhờ trên đất cặp bờ kênh. Hết mùa nước, Hoài đi nhận làm công cho người khác trong hai tháng, được trả bảy triệu đồng. “Thấy có chiếc ghe cũ kêu bán, anh xin chủ cho tạm ứng tiền công mua lại chiếc ghe làm “nhà” để vợ chồng, con cái có chỗ ngả lưng. Bà con trong xóm cũng giúp đỡ, cho khúc cây, mớ gỗ, rồi tự tui cưa, xẻ gồ đóng vạt, đóng mui ghe. Cứ 5 giờ chiều đi làm về là tui cưa cây, xẻ gỗ đóng vạt một mình. Mỗi ngày một ít, tận 22 ngày mới hoàn thành phần vạt và mái ghe cho vợ con trú ngụ”, Hoài nói.

Giờ đây, trên ghe của vợ chồng Hoài cũng sắm sửa nhiều thứ đồ gia dụng cần thiết như tủ lạnh, quạt máy, tivi, nồi cơm điện... như bao nhiêu ngôi nhà bình thường, chỉ khác đây là ngôi nhà nổi. Nguồn điện được cung cấp từ những tấm pin năng lượng mặt trời ốp trên mui ghe đón nắng. Sàn nhà bằng gỗ, chắc chắn, có thể kê được võng, ghế sofa... Gia đình nhỏ của anh luôn rộn tiếng nói cười, quây quần hạnh phúc đơn sơ khi biết yêu quý những gì mình có được. Đó là cô vợ hiền lành, giỏi giang cùng hai cô con gái. Mai Thị Cẩm Trâm, bốn tuổi có đôi mắt tròn xoe, đen huyền cùng mái tóc dài giống mẹ. Trâm cầm quyển sách cũ đọc chữ ê, a, dù chưa một ngày được đến trường. Chị Hồng nhẹ nhàng chải mái tóc dài cho cô con gái nhỏ, mỉm cười hạnh phúc. Anh Hoài ngồi trên chiếc ghế sofa, ôm con gái vào lòng, thỉnh thoảng trộm nhìn nét bẽn lẽn của vợ, như những ngày đầu gặp gỡ.

Nắng tắt dần trên cánh đồng biên giới Tây Nam. Dẫu tỏ ra lạc quan nhưng người đàn ông trụ cột của “mái nhà” di động vẫn không giấu được những lo âu thường trực về cuộc sống tương lai. Không mảnh đất cắm dùi, không nhà, không hộ khẩu khiến hai đứa con gái của anh chưa được cắp sách tới trường. Sinh ra cũng trên ghe, thứ những đứa trẻ chạm mặt lần đầu từ khi mới lọt lòng cũng là nước, là cái nắng cháy da, là ngọn gió bấc vùng châu thổ và những hành trình du cư vô định...

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.