Chuyện ở đại ngàn: 'Liêu trai chí dị' ở Krông Bông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều lần về TT.Krông Kmar (H.Krông Bông, Đắk Lắk), tôi nghe chuyện 'bùa yêu' đầy tai từ nhiều người dân, đủ mọi thành phần xã hội... Tò mò, tôi tìm theo những lời đồn thổi có vẻ “liêu trai chí dị” này...
 
Ngôi nhà mới khang trang của vợ chồng T. và N. Ảnh: Quang Viên
“Một phụ nữ đang có chồng, con nhưng dùng bùa yêu khiến nhiều trai tơ mê mệt, theo về nhà sống như vợ chồng”, đó là điều mà nhiều người dân và cả... chính quyền “nghi vấn”...
“Cô đó chỉ thích cặp anh em sinh đôi, có đứa trẻ măng đẹp trai, đang được đào tạo để cơ cấu vào vị trí ngon lành, rứa mà bỏ hết theo cổ. 'Độc' cái là anh chồng chính thức cũng không nói gì...”.
Nhiều lần về TT.Krông Kmar (H.Krông Bông, Đắk Lắk), tôi nghe chuyện này đầy tai từ nhiều người dân, đủ mọi thành phần xã hội. Có người còn khẳng định: “Không tin cứ tới buôn T’Lia, xã Hòa Phong hỏi thì biết”. Tò mò, tôi tìm theo những lời đồn thổi có vẻ “liêu trai chí dị” này...
Lần theo lời đồn
Chúng em gặp nhau là duyên phận. Em quen nhiều cô gái mới lớn, nhưng các cô gái đó không sâu sắc. Gặp N. đi uống cà phê nói chuyện thấy hợp. Lấy N. cũng bị dị nghị đủ điều, thiên hạ đồn em bị N. bỏ bùa yêu. Nhưng thôi, miệng thế gian mà, mình sống cho mình chứ đâu sống cho người khác. Còn ba mẹ em, hiểu càng tốt, không thì đành chịu vậy

Anh T.

Từ thị trấn của huyện được coi là nghèo nhất tỉnh này, tôi phóng xe đến xã Hòa Phong cách đó khoảng 15 km. Trước khi đi, thằng em còn cảnh báo: “Phải bỏ củ tỏi đầy mình đề phòng lỡ cô ấy thấy anh vừa con mắt rồi bỏ bùa”.
Tới Hòa Phong, tôi đến thẳng UBND xã để nghe thông tin “danh chính, ngôn thuận” từ chính quyền. Ông Huỳnh Viết Trinh, Phó chủ tịch xã Hòa Phong, nói liền: “Cái ni (này) có, cô đó tên N. ở buôn T’Lia. Không biết có bùa ngải không nhưng gặp thằng nào mà cổ ưng là thằng đó theo luôn về nhà cổ ở.
 
Cô N., người phụ nữ bị đồn đại là có bùa ngải yêu
“Độc” cái là cổ có chồng, có con lớn cả rồi, nhưng mấy thằng theo cổ toàn trai trẻ, chưa vợ. Thằng gần nhất tên T., con của anh cán bộ huyện, nhỏ tuổi hơn rất nhiều cũng theo về nhà. Nó có cô người yêu sắp cưới ở buôn T’Lia, ba nó cho nó học sau này về làm công an nhưng không biết sao khi gặp con ni thì hắn bỏ cô vợ sắp cưới rồi về sống chung luôn. Ba thằng T. thương con, dù không mê tín dị đoan nhưng ổng cũng tìm thầy giải, rồi nhờ công an can thiệp... Vậy mà hai đứa không rời ra được. Thời gian đó, ba của T. tội lắm, bơ phờ hẳn. Ông sợ cổ bắt luôn thằng em sinh đôi đang học ở Đà Nẵng”.
Nhấp ngụm trà, ông Trinh kể tiếp: “Công an có kêu lên tuyên truyền luật Hôn nhân gia đình. Nói chi đó một hồi thì cổ khạc ra máu rất tanh, công an phải cho về. Sau này cổ làm thủ tục ly hôn chồng rồi đưa cậu trai trẻ xuống Hòa Lễ sống”.
Vào buôn T’Lia, gặp một nhóm đàn ông đang ngồi, tôi ghé vào hỏi. Ông N.Đ.C ra vẻ tường tận: “Lịch sử cô ni phải hỏi tui vì cổ sống sát đây. Chồng cổ là bạn tui, nó ưng cô ni cưới hỏi đàng hoàng, có ba mặt con, con gái lớn khoảng 20 tuổi rồi. Rứa mà cổ gặp thằng T. đùng cái, thằng ni bỏ người yêu theo cổ luôn”. “Ở gần nhà, anh thấy cô N. có bùa ngải gì không?”, tôi hỏi. Ông C. trả lời: “Chuyện bùa ngải tui chưa thấy bao giờ nhưng có người ở đây chôn trứng gà sau nhà để thử, vậy mà cổ biết. Nghe nói ông ngoại cổ trước đây là phù thủy”.
Theo lời đồn, không chỉ có T. mà một cặp sinh đôi khác, cũng bị N. bỏ bùa “bắt” về làm chồng. Đem chuyện này hỏi, ông C. “xác nhận”: “Hai thằng đó là con ông Chiếu ở xã Hòa Sơn. Cổ “lượm” hết hai thằng về nhà sống chung với chồng luôn. Thằng nấu cơm, thằng giặt đồ cho cổ. Sau ni gặp thằng T. thì cổ thả cặp sinh đôi đó”.
Ngồi gần hai tiếng đồng hồ, câu chuyện về cô N. được nhiều người trong bàn kể thêm dài dằng dặc. Cuối cùng, ông C. “kết luận”: “Nói chung cô này thuộc dạng... huyền bí”.
 
Ông N.Đ.C gần nhà cô N. ở Buôn T'Lia trao đổi với PV Thanh Niên
“Giải oan” mối tình bùa ngải
Tôi gặp N. (người phụ nữ bị đồn là “bỏ bùa” trai tơ) trong một tiệm uốn tóc ở xã Hòa Lễ. N. không quá đẹp nhưng có duyên ngầm, nói chuyện cuốn hút và khá trẻ so với tuổi gần 40.
Cô bộc bạch: “Em là người Kinh, không có bùa ngải gì cả. Người ta đồn em bùa ngải hớp hồn trai trẻ, nhưng không phải. Bí quyết của em là cách sống. Em biết làm anh T. hạnh phúc, không nũng nịu đòi mua sắm này nọ như những cô gái trẻ anh T. từng yêu. Trước đây trong làng không ai dám đến gần, em bị áp lực lắm, thường xuyên nghĩ đến cái chết nhưng sau cũng kệ, quan trọng là sống tốt, lương tâm không hổ thẹn”.
Về chuyện cặp anh em sinh đôi ở Hòa Sơn cũng yêu N. và dọn về ở chung với vợ chồng cô, N. cười ngặt nghẽo: “Anh đó ở Hòa Sơn, mến mộ em lắm vì em thường giải thích những cái hay, cái đúng. Ảnh nhận em làm em gái nuôi, lâu lâu ghé vào nhà em ở. Nhưng một người đàn ông lạ mặt sống trong nhà thì ai cũng nghĩ em và ảnh yêu nhau”.
N. kể cô thiếu cha từ khi chưa chào đời. Nhà nghèo, nên 6 - 7 tuổi cô đã đi mót, làm thuê nuôi gia đình. N. cưới chồng khi 16 tuổi vì “ổng nói nếu ưng ổng thì ổng lo cho gia đình em”.
N. tâm sự mà mắt nhòa lệ: “Chuyện riêng tư với chồng trước, em không muốn nói ra nhưng ảnh cũng từng nói nếu sau này em gặp được người em thương thì ảnh trả tự do cho em. Rồi em gặp anh T., mến thương nhau thì lấy thôi. Anh T. cũng thương hai đứa con riêng của em như con mình”.
Tiếp tôi trong ngôi nhà khang trang mới xây, biết tôi là nhà báo, T. (29 tuổi, chồng mới của cô N.) có vẻ ái ngại nhưng cũng bộc bạch chân thành... T. có nụ cười tươi, đôi mắt hiền. Ôm cậu con trai 4 tuổi vào lòng, T. cho biết: “Hai vợ chồng lấy nhau chỉ hai bàn tay trắng. Hằng ngày em đi bỏ gas, vợ làm nghề uốn tóc. Căn nhà này xây được cũng nhờ tiền của dì vợ giúp đỡ”.
Về chuyện yêu và lấy một phụ nữ lớn tuổi và đã có chồng, có con rồi bắt đầu sự nghiệp với hai bàn tay trắng, T. thẳng thắn: “Quan trọng là vợ em có nhiều đức tính tốt, đến với nhau em thấy vui vẻ, hạnh phúc. Vợ em đã có con, có chồng, nhưng khi gặp, tụi em tìm được sự chia sẻ, cảm thông thật sự... Tụi em đến với nhau, gia đình em không chấp nhận, về sống cùng không có miếng đất cắm dùi nhưng một lòng một dạ thì cái gì cũng làm được hết”.
Theo T., duyên phận và tình yêu chân thành đã gắn kết họ chứ không có bùa ngải gì cả. T. gặp N. lúc N. đang làm uốn tóc ở TT.Krông Kmar, nơi T. đang công tác. “Chúng em gặp nhau là duyên phận. Em quen nhiều cô gái mới lớn, nhưng các cô gái đó không sâu sắc. Gặp N. đi uống cà phê nói chuyện thấy hợp. Lấy N. cũng bị dị nghị đủ điều, thiên hạ đồn em bị N. bỏ bùa yêu. Nhưng thôi, miệng thế gian mà, mình sống cho mình chứ đâu sống cho người khác. Còn ba mẹ em, hiểu càng tốt, không thì đành chịu vậy”.
(còn tiếp)
Quang Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.