Chúng tôi đến chân núi Chư Nang Brai (Vườn Quốc gia Chư Mom Ray), nơi chở che bao thế hệ người Gia Rai (nhánh Aráp) ở ngôi làng Bar Gốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy) trưởng thành. Và thật bất ngờ với Bar Gốc, một ngôi làng tựa lưng vào rừng nhưng phải “đỏ mắt” mới thấy một nếp nhà sàn bằng ván cũ kỹ.
Một góc làng Bar Gốc. Ảnh: V.T |
Bar Gốc - sợi dây cuốn quanh gốc cây rừng
Chúng tôi đến Bar Gốc khi mặt trời vừa ló dạng, nắng ban mai rọi khắp làng làm rực lên màu ngói đỏ, óng ánh trên mái nhà lợp tôn được xây dựng kiên cố. Bar Gốc thấp thoáng hiện ra thật đẹp. Nhưng điều thú vị hơn đang chờ chúng tôi, bởi dù đi khắp các huyện miền núi, cũng sẽ thật khó tìm được một ngôi làng nào như thế - một ngôi làng giáp ranh rừng nhưng “đỏ mắt” mới thấy một nếp nhà sàn bằng ván cũ kỹ.
Hỏi tìm “thổ địa” của làng Bar Gốc, người dân đều chỉ tay theo hướng cuối đường, nơi già làng A Súp đang cùng trưởng thôn và nhiều thanh niên khác trong làng phát dọn cửa rừng. Cửa rừng cách làng hơn 1km, nơi đặt Trạm quản lý bảo vệ rừng Bar Gốc, cũng từng là nơi cư ngụ của bao thế hệ cha ông dân làng Bar Gốc.
Gặp chúng tôi, già A Súp nghỉ tay, niềm nở chào hỏi, mời mọi người ngồi dưới gốc bằng lăng cổ thụ, từ tốn kể lại câu chuyện ngôi làng sống trong rừng già.
Già A Súp kể: Theo lời của ông bà, từ xa xưa nhánh Aráp của người Gia Rai đã sinh sống dưới tán rừng già nơi chân núi Chư Mom Ray, dù du cư nhiều lần nhưng vẫn không rời xa vòng tay của cánh rừng này. Có lần, trong một đợt du cư thì bất ngờ gặp trời mưa lớn, cả làng vài chục người phải tìm đến khoảnh rừng với nhiều cây cổ thụ bị rỗng thân như những hang động lớn, chia nhau chui vào trú mưa. Trời quang, mây tạnh, già làng thấy nơi đây hiền hoà, đã khuyên mọi người dừng chân, dựng nhà và bắt đầu cuộc sống mới. Kể từ đó, Bar Gốc ra đời.
Theo tiếng của người Gia Rai, Bar có nghĩa là sợi dây, tượng trưng cho sự bảo bọc, chở che; Gốc nghĩa là cây rừng, tượng trưng cho sự sinh tồn, sức sống mãnh liệt của người Gia Rai. Bar Gốc nghĩa là sợi dây cuốn quanh gốc cây rừng, tức những người con làng Bar Gốc sống trong rừng già sẽ được bảo vệ, sẽ được thần rừng phù hộ, giúp đỡ.
Nhà ván chỉ còn trong quá khứ
Già A Súp kể tiếp, khi chọn được vị trí lập làng, những nếp nhà sàn bắt đầu được hình thành. Thanh niên, trai tráng khỏe mạnh trong làng ngày ấy được huy động bắt rừng phải “chảy máu”. Từng cây gỗ sao, bò ma, bằng lăng… một người ôm không xuể bị đốn hạ. Ngày ấy, bà con chỉ lựa những cây to tròn, đặc ruột làm cột, cây bị lỗi tim dùng để xẻ ván.
Già A Súp thổ lổ: Ngày đó, cha tôi là già làng, tôi chỉ là cậu bé, là người con làng Bar Gốc. Ông ấy nói gì, làm gì, dân làng cũng tin và làm theo. Ngày ấy rừng nhiều, cả làng ai cũng làm nhà bằng gỗ, ai cũng phá rừng làm rẫy. Và cứ thế, 30 căn nhà sàn mọc giữa khu rừng già cùng nhiều rẫy, vườn được khai hoang từ việc phá rừng...
Phát đốt rừng làm rẫy, cưa cây rừng để làm nhà, rừng ngày ấy là nguồn sống, là tất cả của bà con Bar Gốc. Từ sớm thức dậy, dân làng Bar Gốc đã đùm nắm cơm giấu kỹ trong chiếc gùi để lên rừng. Chuyện gùi lâm sản đổi muối, đổi hàng hoá không xa lạ với dân làng Bar Gốc, bởi ngày ấy họ không có gì ngoài những gùi nấm, măng, rau rừng hay những bánh mật ong, cá suối. Cũng bởi chỉ trông chờ vào rừng nên vào mùa giáp hạt hay những tháng mùa mưa, không thể lên rừng kiếm lâm sản, hoặc kiếm được cũng khó ra khỏi rừng để đổi hàng vì đường sá cách trở, bà con Bar Gốc thường xuyên thiếu đói, cơm độn củ mỳ cũng không đủ no.
Tối đến, giữa nhà nào cũng có một bếp lửa, lửa rừng rực cháy sưởi ấm cả ngôi nhà. Mãi cho đến khuya, khi ánh lửa lụi tàn, chỉ cần cơi chút tro, gác vài cây củi ánh lửa lại bùng lên. Ngày ấy, bếp lửa không chỉ đỏ mỗi khi bà con khát nước, bụng sôi mà lửa còn dùng để sưởi ấm, để thay ánh đèn lúc về đêm.
Bar Gốc lúc bấy giờ nghèo điện, nghèo đường, nghèo thông tin, nghèo ăn mặc. Họ sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng. Rừng che chở họ, cho họ tất cả, nuôi họ bằng mật ong, rau rừng, cá suối… cho họ đất trồng mì, trồng bắp. Và dân làng Bar Gốc nghĩ rằng, họ sẽ không bao giờ ra khỏi rừng, sẽ sống mãi cùng ngôi nhà sàn bằng ván trong cảnh thiếu thốn trăm bề. Mãi cho đến khi Đảng và Nhà nước thực hiện chủ trương định canh, định cư, vận động dân làng Bar Gốc ra khỏi vùng lõi Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đến vị trí mới, cách làng cũ hơn 1km thì Bar Gốc mới có một cuộc sống khởi sắc.
Người dân làng Bar Gốc cùng cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bar Gốc tham gia tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: VT |
Bar Gốc vươn lên
Già A Súp bộc bạch: Đó là lần di dân lịch sử đối với dân làng Bar Gốc, giúp bà con thoát khỏi tư tưởng rừng là tất cả. Bar Gốc được như hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đã hết lòng với nhân dân.
Già A Súp kể tiếp, khi bà con hay tin phải di dời khỏi rừng đến một nơi khác, không một ai bằng lòng. Họ sợ rằng, ra khỏi rừng cuộc sống sẽ không còn ai che chở, lo cho miếng ăn hằng ngày. Và rồi, được sự vận động, tuyên truyền tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương cùng những lần nhận hỗ trợ cứu đói từ Nhà nước, bà con dần thay đổi suy nghĩ. Rời làng cũ, về làng mới, dân làng Bar Gốc mang theo những bộ khung nhà sàn, những vật dụng từ rừng... cùng niềm tin vào Đảng và Nhà nước, hy vọng về một cuộc sống đủ đầy.
Để Bar Gốc bước đầu tái sinh trên vùng đất mới, Nhà nước đã đầu tư xây dựng điện, đường, hỗ trợ đất canh tác lúa nước ven ranh rừng, tuỳ theo số khẩu, mỗi hộ được hỗ trợ từ 1 đến 3 sào. Cùng với đó, để người dân tin và làm, Nhà nước đã đầu tư xây dựng kênh thủy lợi dẫn nước về tận ruộng lúa. Có nước là có sự sống, từng dòng nước xanh mát chảy về làng mới, lúa xanh mướt vươn lên...
Có điểm dựa đầu tiên, dân làng Bar Gốc tiếp tục phát triển kinh tế. Họ khai hoang đất không thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray để canh tác, họ học nghề, họ cần mẫn kiếm thêm việc làm những lúc trái mùa. Theo đó, những vườn cao su, cà phê đua nhau mọc lên, nhất là sau những lần chính quyền vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng đồng thời hỗ trợ giống, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Đến nay, làng Bar Gốc có gần 200 ha các loại cây nông, lâm nghiệp các loại cùng với đó bà con còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập.
Cùng đó, bà con học cách chi tiêu tiết kiệm để xây những ngôi nhà gạch kiên cố thay thế những ngôi nhà ván xuống cấp. Vì họ biết rằng, không thể cưa gỗ rừng làm nhà và phải bảo vệ rừng như bảo vệ chính cuộc sống của họ.
Già A Súp nhớ lại: Ngôi nhà sàn của gia đình đưa từ làng cũ đến làng mới chỉ tồn tại được vài năm rồi dần dần mục nát. Đến năm 2002, khi không thể ở được nữa, tôi phân vân nên tiếp tục lấy gỗ làm nhà hay xây nhà gạch. Nhìn những cánh rừng xanh mướt, cùng các cán bộ đang ngày đêm bảo vệ và phục hồi rừng, tôi thấy thật xấu hổ khi lại có suy nghĩ phá rừng làm nhà. Cuối cùng, tôi dùng số tiền mà gia đình tích góp bấy lâu xây dựng căn nhà gạch kiên cố. Và rồi, nhiều ngôi nhà gạch khác cũng nối nhau mọc lên. Giờ đây, cả ngôi làng 182 hộ thì chỉ còn 8 hộ còn nhà ván, người dân không còn tư tưởng lấy gỗ làm nhà.
Từ một ngôi làng nghèo nàn, không điện, không đường, cuộc sống chỉ quanh quẩn trong rừng núi, giờ đây nhà nào ở Bar Gốc cũng có của ăn của để, con em được đến trường học tập đầy đủ, người đau được đến trạm y tế, bệnh viện điều trị.
Nói về làng Bar Gốc, ông Đào Xuân Thủy - Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tâm sự với vẻ mặt đầy tự hào: Hơn 20 năm gắn bó với Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray, tôi chứng kiến sự thay đổi từng ngày của làng Bar Gốc. Bà con Bar Gốc rất chịu khó, cần mẫn lao động và luôn chấp hành luật pháp, đặc biệt là trong công tác bảo vệ rừng. Từ khi triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vào năm 2011, trách nhiệm của bà con với rừng được nâng cao hơn, cùng với đó bà con còn tăng thêm thu nhập từ dịch vụ này. Toàn làng Bar Gốc có 36 hộ tham gia bảo vệ 840 ha rừng, các hộ chia thành 6 nhóm và mỗi tháng một hộ tham gia tuần tra rừng 4 lần cùng cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Bar Gốc. Trung bình một năm, mỗi hộ nhận khoảng 15 – 18 triệu đồng từ việc bảo vệ rừng, góp phần cải thiện đời sống.
“Để góp phần tăng thêm thu nhập và trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân làng Bar Gốc, trong thời gian thời, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray sẽ liên kết với người dân trồng dược liệu dưới tán rừng. Hiện tại, đã có 15 hộ tham gia trồng 30 ha sa nhân tím vào tháng 9/2021. Vườn dược liệu đang phát triển rất tốt” – ông Thủy cho biết thêm.
Những câu chuyện về ngôi nhà ván, về phá rừng làm rẫy ở Bar Gốc chỉ còn trong quá khứ, trong ký ức của những người lớn tuổi. Trong suy nghĩ của bà con ngày nay, rừng cần được bảo vệ, cần được phát triển bởi có rừng là có màu xanh, là có sự sống.
Theo Văn Tùng (baokontum)