Chuyện Hội An đi 'xin' trứng rùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 20 năm nay rùa không lên các bãi biển Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) sinh đẻ, nguyên nhân được xác định do tác động của con người và hoạt động du lịch.
Dựa vào đặc tính, rùa biển sinh ở đâu sau này sẽ tìm về đẻ trứng nên các nhà khoa học xin 1.900 trứng rùa từ Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) về ấp nở với hi vọng trong tương lai rùa biển tìm về đây đẻ trứng.
 
Số trứng rùa được lấy từu Côn Đảo đưa về Cù Lao Chàm.
Trong ký ước của ông Võ Nghiêm (70 tuổi), thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An) những năm 1980 vào mùa sinh sản từ tháng 4 đến 7 âm lịch, rùa vào bãi Bấc, bãi Bìm… trên đảo Cù Lao Chàm làm tổ đẻ trứng. Chúng vào bờ bới cát sâu hơn nửa mét, khi đẻ xong dùng chân lấp lại rồi quay về biển để lại vết hằn lún.
Ông Nghiêm kể, người dân lần theo dấu vết tìm đến lấy trứng về ăn; còn rùa lớn bắt lấy thịt ăn, mai mang bán. Ngoài ra nhiều ngư lưới cụ hiện đại ra đời được người dân sử dụng khai thác thủy sản, chúng thả quanh hòn đảo suốt ngày đêm khiến nhiều con rùa mắc vào bị chết.
Những năm 2000, Cù Lao Chàm trở thành hòn đảo du lịch, mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách; cư dân phát triển đông đúc nên một số bãi cát hoang sơ ngày nào luôn có mặt con người. Nhà cửa được làm gần bãi biển, tiếng động, ánh sáng phát ra ngày đêm khiến rùa sợ hãi không lên bãi biển đẻ trứng.
 
Trứng rùa đưa xuống hố, lấp trong cát.
Năm 2015, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiến hành họp dân tham khảo ý kiến phục hồi rùa biển. Trong đợt lấy kiến có 97% người dân Cù Lao Chàm yêu cầu cơ quan chức năng có phương án để rùa quay về các bãi biển trên hòn đảo được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2009.
Năm 2016, ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Nghiên cứu và hợp tác quốc tế (nay Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) thực hiện đề tài khoa học “Phục hồi và bảo vệ rùa biển tại Cù Lao Chàm” và được cơ quan chức năng đồng ý. Đề tài này có hai hoạt động chính, trong đó bảo tồn nguyên vị, nghĩa là sẽ giữ hệ sinh thái rạn san hô và cỏ biển. Hoạt động thứ hai bảo tồn chuyển vị, đưa trứng rùa từ Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) về Cù Lao Chàm ấp nở nhằm mục đích tạo nguồn giống.
Theo ông Vũ, Côn Đảo có rùa lên làm tổ đẻ trứng lớn nhất Việt Nam. Nơi đây trung bình mỗi năm khoảng 350 - 450 rùa mẹ đến đẻ trứng và số lượng trứng nở là 50.000 rùa con. Từ năm 1995 đến nay tại Côn Đảo đã có hơn 300.000 rùa con đã được thả về biển và gần 1.000 con rùa trưởng thành đã được gắn thẻ.
“Rùa biển có khả năng quay trở về chính nơi chúng đã sinh ra để tiếp tục sinh đẻ, duy trì nòi giống. Dựa vào tập tính này để khoảng 20 năm sau khi chúng trưởng thành qay về Cù Lao Chàm sinh đẻ nên thực hiện đề tài”, ông Vũ nói và thông tin thêm rùa con sinh ra có bản năng tự bò xuống biển ghi nhận thông tin trọng trường của môi trường, thực vật, bùn đất… để lớn lên biết chỗ quay về.
 
Khu ấp nở trứng rùa ở Bãi Bấc, Cù Lao Chàm được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ở Việt Nam đây là lần đầu tiên việc chuyển trứng rùa đi quãng đường 1.000 km, trong 24 giờ di chuyển về ấp nở. Từ lúc thực hiện đề tài, bản thân ông Vũ gặp nhiều khó khăn, có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng rùa nở không đạt. Vì khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, trứng rùa chỉ được vận chuyển trong vòng sáu giờ, tính từ khi mẹ nó đẻ ra.
Trong khoảng thời gian này, phôi trứng ngừng hoạt động, nếu bị rung lắc không bị hỏng phôi. Tuy nhiên, quá sáu giờ từ khi mẹ đẻ ra phôi hoạt động trở lại, nếu vận chuyển trong thời gian này trứng bị rung lắc dẫn đến hỏng phôi trứng, lúc đó ấp nở sẽ không thành công.
Tiếp tục thực hiện, ông Vũ đối diện với thủ tục giấy tờ. Để chuyển được trứng rùa cần hàng chục bộ hồ sơ, giấy phép.
“Tôi mất bốn tháng làm thủ tục để xin vận chuyển trứng, nguyên nhân kéo dài là do chưa ai làm việc này nên mỗi cơ quan hiểu một cách khác. Quá trình thực hiện vướng mắc đến đâu thì xử lý đến đó”, ông Vũ kể.
 
Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - chủ nhiệm đề tài đang cân trọng lượng rùa vừa nở ra trước khi thả ra biển để phục vụ nghiên cứu.
Tháng 7/2017, 500 trứng rùa được lấy từ khu vực ấp nở ở Côn Đảo cho vào trong mỗi thùng xốp và bỏ từng lấp cát cố định để trứng không bị xê dịch, thay đổi vị trí. Nắp thùng được đục các lỗ để có sự trao đổi không khí với bên ngoài giữ nhiệt độ từ 28 đến 31 độ và tránh bị rung lắc.
Số trứng được chia ra làm hai, trong đó một nửa đi bằng đường bộ xe ôtô chở; số còn lại đi đường không. “Sau 24 giờ di chuyển trứng rùa đưa về đến bãi Bấc, đảo Cù Lao Chàm và cho xuống cát để ấp”, ông Vũ kể.
Số trứng đi ôtô đi thuận lợi, tuy nhiên đường không gặp “sự cố”. Bởi qua cửa an ninh bị máy chiếu kiểm tra, nếu làm như vậy thì phôi trong trứng rùa bị chết. Lúc này, đoàn phải nhờ nhiều nơi để can thiệp, cuối cùng được sân bay chấp thuận bằng cách bóc ra kiểm tra thủ công.
Sau 18 ngày ấp nở, rùa con chui từ cát bò ra biển trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân thả ra biển. Cách làm này sẽ cho người dân xã đảo tận mắt chứng kiến những con rùa con chui ra từ trong cát và bơi ra đại dương để ra sức bảo vệ, nhường ngư trường cho rùa ở.
 
Hàng chục con rùa sinh ra ở Cù Lao Chàm.
“Tỷ lệ nở đạt trên 90%, với kết quả này tôi quá bất ngờ, vì khi viết đề tài tôi chỉ mong muốn nở đạt 14% là mãn nguyện, ai ngờ cao gấp mấy lần”, ông Vũ nói và cho rằng thành công chuyển vị đã có động lực để thực hiện các đợt chuyển vị trứng rùa về Cù Lao Chàm ấp nở trước sự nghi ngờ của nhiều người.
Trong ba năm thực hiện, gồm năm 2017 có hai đợt, mỗi đợt 500 trứng; năm 2018 năm 500 trứng và năm 2019 gần 500 trứng. "Tổng cộng sau sáu đợt chuyển 1.900 trứng về ấp nở và có hơn 1.700 rùa con thả ra biển Cù Lao Chàm", ông Vũ cho biết.
 
Rùa con bò ra biển.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch TP Hội An cho hay, chính quyền đã thống nhất Bãi Bấc (Cù Lao Chàm) không phát triển kinh tế bằng việc xây dựng khu lịch mà dành bảo tồn rùa biển. Ngoài ra một số ngư dân thả lưới gây hại cho rùa, Hội An sẽ thay đổi sinh kế chuyển sang nghề khác và vận động bà con chuyển vùng khai thác. Đây là kế hoạch làm lâu dài nên triển khai từng bước.
Ông Hùng thông tin thêm, Hội An sẽ mở rộng ra khu vực cấm khai thác bằng việc điều chỉnh lại trong quy hoạch khu vực dự trữ sinh quyển thế giới.
 
Một con rùa bơi ra đại dương.
“Còn ca nô đi từ đảo này qua đảo khác, chúng tôi đã có chủ trương phân luồng tuyến, bãi đậu đỗ cập bến. Các luồng tuyến sẽ được làm lại để tránh ảnh hướng đến rùa", ông nói.
Lộc Hà (Nông Nghiệp Việt Nam/ Kiến thức gia đình số 34)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.