Chuyện Đà Lạt không phải ai cũng biết-Kỳ 4: Ngôi nhà ma đầu đèo Prenn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi sắp hết đèo Prenn chuẩn bị vào thành phố Đà Lạt mộng mơ, du khách bị hút mắt bởi một căn biệt thự lớn. Căn nhà ấy đã bị lãng quên lý lịch để khoác lên mình cái tên rất liêu trai: "nhà ma".

Đi từ hướng TP.HCM - Đà Lạt, khi sắp hết đèo Prenn chuẩn bị vào TP. Đà Lạt, du khách bị hút mắt bởi một căn biệt thự lớn. Mặt tiền căn nhà hướng ra đường, lưng tựa vào rừng thông. Căn nhà ấy đã bị lãng quên lý lịch để khoác lên mình cái tên rất liêu trai: "nhà ma".

Có những câu chuyện kể như thật, làm du khách sợ hãi nhưng cũng khiến du khách tò mò muốn khám phá.

 
Ngôi nhà ma - biệt thự cũ của nhà văn Nhất Linh.
Ngôi nhà ma - biệt thự cũ của nhà văn Nhất Linh.

Giai thoại về ngôi nhà có ma

Đà Lạt có nhiều biệt thự kiến trúc kiểu Pháp, kiểu Mỹ tồn tại hơn một thế kỷ, tạo nên một dấu ấn đặc biệt cho vùng đất này. Theo thời gian, do chiến tranh, nhiều biệt thự xuống cấp, bỏ hoang, cỏ mọc vào tận nhà... tạo ra những cảm giác rùng rợn, ma quái nên được người đời qua nhiều thế hệ thêu dệt thành những "ngôi nhà ma" giữa lòng thành phố.

Có những biệt thự nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Xô Viết Nghệ Tĩnh, dọc đèo Prenn... cũng được gọi là "ngôi nhà ma". Nhưng "nhà ma" ở đầu đèo Prenn là nổi tiếng nhất.

Ngôi nhà ma này mang trong bản thân nhiều câu chuyện kể kỳ bí, rùng rợn. Có người kể trong thời thực dân Pháp cai trị, ngôi nhà này là nơi có một toán lính lê dương bảo vệ đầu đèo. Nhiều cô gái đi qua đây bị chúng bắt vào hãm hiếp rồi giết chết quẳng xác đi nên oan hồn cứ lảng vảng hiện về, ban đêm gào thét ghê sợ. Nhiều người dân Đà Lạt còn kể lại chính ông bảo vệ ngôi nhà này về sau đã chạy thục mạng ra nhiều lần vì bị... ma đuổi.

Chúng tôi cùng một số dân quân tự vệ vào đây và thử cảm giác một đêm trong căn nhà ma. Chúng tôi đến lúc chạng vạng và ra về khi rạng sáng hôm sau.

Trong đêm đó, nhiều người không thể ngủ được, một phần vì cái lạnh cuối năm, một phần vì tiếng hú len qua các khe hở của căn nhà. Mùi ẩm mốc trộn vào mùi lưu cữu của ngôi nhà bỏ hoang lâu năm khơi gợi trí tưởng tượng của nhiều người.

Ban đầu mọi người định dùng ánh nến để tăng sáng cho căn nhà và dùng mùi nhang xua các mùi khác, nhưng chính không khí nhang đèn sau đó càng làm tăng độ rùng rợn của ngôi nhà.

Trên tầng hai của căn nhà mà nơi khuất và ấm nhất có một tấm chiếu nhàu nhĩ cùng một tấm mền rách lỗ chỗ với vỏ chai bia, rượu và vài thứ rác rến khác. Ai cũng thắc mắc về dấu vết này vì các dân quân tự vệ khẳng định căn nhà này không có người ở.

Mười người chúng tôi mang theo máy quay và đèn pin ngồi túm tụm với nhau thành vòng tròn, ở giữa thắp nến. 3 giờ sáng, có tiếng động ở cổng, sau đó có một bóng người tóc dài thoáng qua.

Sau cơn ớn lạnh da gà, chúng tôi nhận diện rõ đó là một người đàn ông mặt gầy, đi lướt qua tầng trệt để lên tầng hai để lại mùi rượu toát ra nồng nặc. Chưa đầy 10 phút, tiếng ngáy lúc to lúc nhỏ mệt nhọc vang lên. Chúng tôi thở dài, nhận ra đây là một người vô gia cư "lớn gan" dám vào nhà ma để ngủ.

Người đàn ông bảo mình tên Toàn hay ngủ lang dưới gầm cầu thang chợ Đà Lạt. Mấy hôm nay trời lạnh nên đến nhà ma ngủ tránh gió. Ông kể rời rạc rằng sáng đi lang thang xin tiền, trưa mua rượu uống tới khuya rồi về nhà ma này để ngủ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK (Phước "khùng") có giải thích về nhà ma đầu đèo Prenn như sau: "Tôi sống ở Đà Lạt từ nhỏ và bày trò quậy ở nhà ma này cũng nhiều. Có nhiều thứ khiến căn biệt thự đẹp bị coi là nhà ma. Một, nhà nằm ở đầu đèo, vị trí này khiến dễ bị khoác lên mình tấm áo ma mị, liêu trai. Hai, khu rừng thông quanh biệt thự từng có nhiều án mạng, tự sát nên có điều kiện để người dân thêu dệt rồi tin về bóng ma trong căn nhà cổ. Ba, nhiều phim ma đã quay ở căn nhà này. Tôi đã dẫn hơn chục đoàn làm phim ma hoặc có cảnh về ma quay ở căn nhà này".

 

Một du khách thắp nhang tại ngôi nhà ma với thái độ kính cẩn.
Một du khách thắp nhang tại ngôi nhà ma với thái độ kính cẩn.

Biệt thự của nhà văn Nhất Linh

Ông Chu Đình Quỹ - nguyên chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), từng được một người bạn nhờ coi ngó căn nhà ma. Theo ông Quỹ, căn nhà trước đây là tài sản của một Hoa kiều giàu có. Biệt thự ban đầu có tên Les adrets.

Năm 1955, nhà văn Nhất Linh (tên thật là Nguyễn Tường Tam, sinh năm 1906, mất năm 1963), trưởng nhóm Tự Lực văn đoàn, đã mua lại ngôi nhà này để làm nơi nghỉ ngơi, viết sách và chơi phong lan.

Ngoài biệt thự nói trên, ông còn mua một mảnh vườn trồng hoa lan ở khu vực Đa Mê (huyện Đức Trọng bây giờ) và tuyên bố không tham gia các hoạt động chính trị. Tại đây, Nhất Linh đã viết bộ tiểu thuyết ba tập Dòng sông Thanh Thủy thể hiện rõ quan niệm sáng tác của mình.

 

Thêm lý do đồn thổi

Ông Dương Hải Long, lúc còn là chủ tịch UBND P.3 (TP Đà Lạt), kể lâu lâu khuôn viên "nhà ma" lại xuất hiện hai ngôi mộ nho nhỏ. Người dân hay tin càng đồn thổi khiến nhà ma thêm nổi tiếng kỳ quái. Nhưng thật ra đó chỉ là mộ gió của những người mê tín đắp để cầu khẩn, bói toán. Dưới mộ gió ấy toàn vàng mã và lá cây. Dù biết vậy nhưng ông và nhân viên của mình cũng cẩn thận thắp nhang, khấn bái rồi xin phép dỡ bỏ.

Nhà văn Nhất Linh hoạt động trong Việt Nam Cách mạng đồng chí hội, Việt Nam Quốc dân đảng, đại biểu Quốc hội khóa 1 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và trở thành bộ trưởng ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Ông được chính phủ cử làm trưởng đoàn Việt Nam cùng phó đoàn Võ Nguyên Giáp dự Hội nghị trù bị Đà Lạt đàm phán với Pháp ngày 6-3-1946.

Nhất Linh là người rất yêu hoa phong lan. Ông chơi hoa rất cầu kỳ. Ông vào thư viện đọc sách, nghiên cứu và nhờ bạn bè nước ngoài cung cấp thêm tư liệu. Nhiều loài hoa phong lan ở Đà Lạt là do ông đặt tên dựa trên hình dáng, mùi hương của hoa đã tạo được dấu ấn với người chơi hoa như: nhất điểm hồng, huyền nhung, bạch hạc, hoàng phi hạc, hoàng y mị nương, bạch ngọc, thanh ngọc, kim điệp, hồ điệp, long tu, thủy tiên...

Ông là người chịu khó vào rừng sưu tầm phong lan và mua phong lan của đồng bào dân tộc rồi mang về vườn phong lan lớn ở suối Đa Mê (Liên Khương) chăm sóc. Trong một trận lũ lớn, vườn phong lan của ông ở Đa Mê bị trôi theo dòng nước.

Ngày Nhất Linh mất, ở Đà Lạt mọi người truyền nhau hai câu thơ:

"Người đi, đi mãi không về

Nhớ người năm cũ Đa Mê gợn buồn".

Mai Vinh-Ngọc Trác/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.