Nhà của Trần Phước Lợi nằm loằng ngoằng trong mấy lô cà phê, tiêu ở thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh (Gia Lai). Không mấy người biết đến chàng trai 27 tuổi này nếu như không nhắc đến cái tên... Lợi điên.
Lợi cùng vợ con và những đứa em mồ côi, lang thang được Lợi đưa về nuôi trong nhà |
Người ta gọi anh “điên” bởi anh làm việc quá khó: nhận trẻ mồ côi, lang thang về nuôi trong nhà mình ngay từ thời còn sinh viên, tới giờ đã có vợ và một con nhưng vẫn duy trì việc nuôi trẻ.
Cậu sinh viên bao đồng
Lợi ngồi trong nhà chỉ hai đứa choai choai đang ngồi vắt vẻo trên xe máy, tay không ngớt bấm điện thoại, bảo: “Hai thằng đó là Nguyễn Văn Cường và Trần Phước Trọng. Hồi đến ở với mình Cường mới 15 tuổi, còn Trọng đang học lớp 4”.
Chuyện Lợi nhận trẻ về nuôi bắt đầu từ một sự tình cờ. Lợi nói rằng mình khổ từ nhỏ, cho tới giờ cứ gặp trẻ con lang thang, ăn xin là lại bị ám ảnh và bắt gặp mình trong đó. Năm 2007, sau mấy tháng khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh theo học cao đẳng, một buổi chiều khi đang làm tình nguyện viên trong trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi ở TP. Hồ Chí Minh thì Lợi bị ám ảnh bởi hai đứa trẻ được một người cha khốn khổ chở đến. Người cha ấy nói rằng mình đạp xích lô, vợ bán vé số, chẳng đủ ăn hằng ngày nên không kham nổi hai đứa con.
Lợi nói chứng kiến hai đứa trẻ bị bỏ rơi ấy, đêm về anh không thể nào ngủ được. Rồi ngày hôm sau Lợi mon men trở lại trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi đề xuất: xin đưa cả hai em về nuôi. Khi đó Lợi mới chân ướt chân ráo vào nhập học, phải thuê nhà ở trọ, tiền đóng học phí còn không đủ.
Chuyện một chàng sinh viên nghèo, gầy khô như tàu lá, cơm ăn chẳng đủ no lại đi nhận trẻ cơ nhỡ về nuôi là chuyện “động trời” ngày ấy. Lúc đưa hai đứa trẻ về cả xóm trọ đến coi. Lợi quây phòng trọ mình thành một cái “chuồng” để quản lý hai em. Sáng dậy từ lúc 4 giờ sáng lo cho hai đứa nhỏ ăn, rồi chạy lên lớp, gửi mấy người trong xóm trông giùm. Trưa về đến nơi lại tất bật cảnh “gà trống nuôi con”.
Làm thợ đụng để nuôi trẻ mồ côi
Nhưng chuyện Lợi nuôi trẻ bị bỏ rơi, cơ nhỡ... không dừng lại ở đó. Nhiều người tá hỏa khi chỉ mấy tháng sau anh lại đưa về thêm những đứa trẻ khác. Lúc đó nhà trọ có tới... 12 đứa. Đứa thì mồ côi, đứa lang thang bán vé số, đứa thì cha mẹ vứt lăn lóc được anh nhặt về từ ngoài chợ...
Để có tiền đi học, tiền lo cho mấy đứa nhỏ, anh đã quăng quật hết mọi ngõ ngách của TP. Hồ Chí Minh để làm thuê. Có khi ra đường đứng bán nón bảo hiểm rẻ tiền, có khi làm thợ may, khi lại đi phụ hồ. Khi những đứa trẻ về nhiều thêm, Lợi buộc phải tính cách khác: ra chợ đi xin, nhờ người tốt chung tay. Nhiều bà con tiểu thương khi thấy chàng trai đen nhẻm, xách túi bóng đi xin rau quả thì thương. Biết chuyện, có người hằng ngày còn mang đồ ăn, rau trái tới phụ Lợi chăm tụi nhỏ.
Bà Phạm Mai Trang (khu phố 4, phường Hiệp Thành, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) - người đã cho Lợi thuê nhà từ hồi sinh viên - kể lại: “Lúc đầu nghe nó nuôi trẻ mồ côi không ai tin. Tui cũng không tin. Công an cũng tới xem sao. Nhưng rồi thấy nó thương mấy trẻ thiệt lòng nên nhiều người giúp”. Bà Trang nói hồi đó nhà có mấy cái xe lôi, thương Lợi quá nên vợ chồng bà cho mượn không lấy tiền. Vậy là cứ lúc rảnh Lợi lại lôi xe đi chở hàng kiếm tiền, có đồng nào dành hết để mua thức ăn cho trẻ mồ côi của mình.
Trong số 12 đứa trẻ, Lợi nói mình ám ảnh nhất là trường hợp của Huỳnh Nhật Phát, lúc được mẹ đưa đến Phát mới 4 tuổi, lồng ngực xẹp, hai dãy xương sườn cộm lên hốc hác. Mẹ Phát kể rằng mình đi bán vé số, chồng thì say xỉn liên miên. Để nuôi Phát và mấy đứa trẻ mới 2-3 tuổi, Lợi phải vừa làm mẹ vừa làm cha bất đắc dĩ. Đêm thức trắng đỏ ke con mắt, sáng mai lên lớp ngủ gà ngủ gật. Bạn bè thấy Lợi hốc hác, lao lực ai cũng thương nhưng không cách gì khuyên can anh bỏ cuộc được.
Ba đứa trẻ Jrai mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang ở với ông bà già yếu, được Lợi đưa về nuôi |
“Ngôi nhà nhỏ
trên cao nguyên”
Giờ thì nhà của Lợi đã chuyển về bên quốc lộ 14, đoạn qua huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Nhưng việc anh nhận nuôi trẻ bất hạnh vẫn chưa dừng lại mà số trẻ còn... tăng lên. Vợ của Lợi là Phạm Thị Hồng Vân, người cũng nhỏ xíu như Lợi, nhưng khuôn mặt thì đầy sự cam chịu. Vân cười khi được hỏi về chồng mình: “Em cũng chịu ổng luôn, trên đời có lẽ không có ai khùng điên đến thế”.
Khi Lợi đang học năm hai thì Vân đang làm công nhân gần chỗ Lợi thuê trọ. Thấy Lợi là sinh viên nhưng lại đưa một đám trẻ con về nuôi, Vân thương vô cùng. Mỗi khi rảnh việc, Vân hay chạy qua phụ Lợi chăm sóc tụi nhỏ. Ngày Lợi rời TP. Hồ Chí Minh đưa mấy đứa nhỏ về quê nhà ở Gia Lai thì Vân cũng khăn gói về quê. Hai người không hứa hẹn điều gì. Một hôm Vân đang ở quê thì thấy số của Lợi hiện lên trong điện thoại, rồi cô nghe Lợi nói: “Mẹ anh yếu lắm rồi, bà muốn có cháu để bế trước khi bà đi. Nhưng anh không thương ai cả ngoài em”. Nghe câu nói ấy, Vân bật khóc. Rồi như định mệnh đưa đẩy, hai người đến với nhau, Vân bỏ qua mọi lời can ngăn, ôm đồ đạc đón xe lên thẳng Tây Nguyên tự nguyện theo Lợi.
“Mình nghĩ việc mình làm là đúng với lương tâm mình và không cần có lý do. Chừng nào còn khỏe, còn đủ sức làm lụng thì mình sẽ còn cưu mang mấy đứa trẻ, tới lúc kiệt sức mới thôi" Trần Phước Lợi |
Lợi kể rằng mình đưa 12 đứa nhỏ về quê khi vừa kết thúc ba năm sinh viên. Ngày đưa một “tiểu đội” trẻ bất hạnh về quê, cả làng ai cũng ra nhìn. Nhiều người bảo: “Thằng này điên thật rồi, điên nặng chứ không phải nói chơi”. Mấy đứa trẻ thấy nhà anh Lợi nhỏ xíu như cái hộp diêm, nằm tụt sau lô cà phê thì ngơ ngác nhìn nhau bảo: “Nhà nhỏ xíu vậy sao ở?”.
Nhà nhỏ, để có chỗ ở Lợi phải làm thêm gác xép, xây thêm sảnh. Ngôi nhà ấy không có gì nhiều bằng... giường ngủ và chăn chiếu. Cả Lợi, mẹ già, vợ con lẫn mười mấy đứa nhỏ lấy đó làm chỗ ngủ.
Từ ngày vợ chồng Lợi sinh con đầu lòng, cuộc sống càng chật vật hơn. Hai vợ chồng mở chuồng nuôi heo, đào đất trồng thêm cà phê, hồ tiêu. Tới mùa thu hoạch có bao nhiêu bán hết để lo cho mấy đứa nhỏ. Mấy đứa được Lợi cho đi học hết, đứa nào hết học thì đi học nghề. Đứa nào lớn lên muốn được về quê với bố mẹ thì Lợi cho về. Lợi bảo mấy đứa nhỏ ngoan vô cùng, biết nhà anh chị nghèo nên làm được gì đều lao vào phụ, chúng coi anh Lợi, chị Vân như anh chị ruột, như bạn bè của mình.
Hôm tôi đến, vợ Lợi cứ nấn ná ở góc nhà như muốn nói gì đó với chồng nhưng ngại người lạ. Lợi chạy ra hỏi vợ rồi gãi đầu cười: “Vợ em hỏi tiền mua gạo, mỗi tuần hết một bao. Bao gạo cuối cùng trong tháng cạn rồi. Túng thiếu thế mà hóa ra lại vui, anh à!”.
Ngoài 12 đứa trẻ được Lợi đưa từ TP. Hồ Chí Minh về, hai vợ chồng còn nhận thêm năm đứa trẻ khác, đều là người dân tộc Gia Rai trong xã. Có đứa mồ côi cha mẹ, có đứa suýt bị chôn sống theo hủ tục. Mấy đứa nhỏ cứ thế lớn lên, nhận vợ chồng Lợi làm anh chị.
Lợi nói mình có thể nuôi hết được 17 đứa nhỏ là nhờ nhiều tấm lòng giúp đỡ, nhưng vài năm nay khi thấy nhiều người đến tặng quà mấy đứa trẻ, nhiều em nhận quà, gạo rồi ngồi bưng mặt khóc thì Lợi không cho nhận nữa. “Mình hỏi tại sao thì tụi nó bảo tụi em ở với anh Lợi chứ không đi ăn xin, tụi em tủi thân khi nhận đồ biếu của người ta. Mình vặn lại hỏi: Anh nghèo, không đủ sức cho các em đầy đủ mọi thứ, có người ngoài cho thì càng tốt chứ sao, giờ các em muốn chúng ta sẽ thế nào? Mấy đứa nhỏ đều cúi gằm mặt trả lời: Có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, đói cũng được, miễn là ở với anh chị vui vẻ là tụi em chịu”.
Giúp thằng anh tìm kiếm đứa em Khi Nguyễn Văn Cường (một trẻ mồ côi lang thang được Lợi nhận nuôi từ ngày còn ở TP. Hồ Chí Minh, nay đã 20 tuổi) tâm sự với Lợi rằng lúc trước khi cha mẹ mất, hai anh em Cường được gửi vào nhà dòng rồi sau đó lạc nhau. Đứa em ruột của Cường tên là Nguyễn Nam. Từ lúc gặp Lợi đến giờ, Cường không biết Nam còn sống hay đã chết. Nghe xong, Lợi đón xe vào Nam rồi ra Bắc tìm đến quê gốc của Cường, dò hỏi những thông tin về em trai của Cường. Nhưng tất cả đều vô vọng. Lợi bèn gửi thông tin lên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Một hôm giọng một người ở Nghệ An báo trong điện thoại có một đứa trẻ như mô tả, hiện được nuôi trong trại trẻ mồ côi của nhà dòng các xơ tại TP. Hồ Chí Minh. Nghe vậy, Lợi cùng Cường vội vã đón xe vào TP. Hồ Chí Minh, gặp được Nam, Cường ôm em khóc nức nở... |
Theo Tuoitre