Chuyện con lợn con gà và nhà thống kê học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dẫu cung gà thừa, giá gà rớt, GDP vẫn được lạnh lùng tính đếm và vẫn tăng một mức độ nhất định.
 
Một trang trại gà
Cơn bĩ cực của loài lợn đã đẩy đồng bạn thuộc giống gia cầm lên tóp đầu phục vụ hàng chục triệu cái dạ dày của người Việt. Khi sản lượng thịt lợn sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi, cũng đồng nghĩa giá của trên thị trường trở nên đắt đỏ. Nhiều người trong ngành chăn nuôi gia cầm đã mau mắn ‘tính cua trong lỗ’, họ tin rằng, thay vì thịt lợn, người dân sẽ chọn thịt gà, và như vậy, nhu cầu thịt gà sẽ tăng mạnh.
Hệ quả là các hộ chăn nuôi ào ạt tăng đàn gà, tính riêng ở Đồng Nai, hiện đàn gà của địa phương đạt gần 25 triệu con, tăng gần 17% so với thời điểm tháng 4/2019. Tính về sản lượng xuất chuồng, theo tính toán của Hiệp hội Gia cầm miền Đông, mỗi tuần khu vực phía Nam xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà, cao hơn 25% so với những thời điểm bình thường. Tất nhiên, đến nay, đã rõ ràng đó là một sự ‘lạc quan tếu’. Tới tháng 9/2019, giá gà đã giảm đến mức đáng báo động.
Tại khu vực miền Nam, giá gà trắng nuôi công nghiệp hiện chỉ ở mức từ 13.000 đến 14.000 đồng/kg, nhiều người phản ánh họ đang lỗ từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg thịt gà. Tại các tỉnh phía Bắc, giá gà công nghiệp cũng giảm xuống chỉ còn từ 19.000-21.000 đồng/kg.
Một cuộc hội nghị thượng đỉnh nhằm bàn chiến lược giải cứu phi đội… gà quay vừa mới được tổ chức. Người ta đã chỉ rõ những nghịch lý rành rành, khiến con gà Việt phải chịu cảnh lao đao.
Đầu tiên, so sánh trên thị trường, giá gà thịt bán ra vẫn ở mức 65.000 đồng/kg (nguyên con); thịt đùi, cánh gà công nghiệp: 90.000 đồng/kg, thịt lườn: 50.000 đồng/kg. Nghĩa là, trong khi người chăn nuôi khóc ròng, khâu phân phối vẫn hưởng lãi đậm. Dẫu sao, con tôm, quả thanh long, quả dưa hấu… đều đã ngấm tình cảnh trớ trêu này, điều có thể coi như sự đồng cảm với phận... thịt gà.
Đắng chát không kém, trong 8 tháng đầu năm 2019, số lượng thịt gia cầm nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2019 là 98.462 tấn tăng so với cùng kỳ năm ngoái hơn 4 lần. Dù việc mở cửa thị trường là điều buộc phải chấp nhận khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, đã không có những dự báo kịp thời, đã không có sự phối hợp đúng mức giữa những đơn vị quản lý có liên quan.
Tình cảnh thậm chí còn trớ trêu hơn thế. Chẳng hiểu các vị công chức cộng trừ nhân chia thế nào mà cho rằng, một năm, chỉ xuất chuồng được 1,5 lứa gà, trong khi thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, mỗi năm có thể nuôi 3-6 lứa gà. Cái nảy sảy cái ung. Trên giấy tờ sổ sách, Việt Nam có tổng đàn gà gần 317 triệu con, suy ra, tổng gà giết thịt gần 478 triệu con. Thế nhưng, trên thực tế, đàn gà các loại được sản xuất hằng năm lên đến 1.200 triệu con, sản lượng tương đương 2,4 triệu tấn thịt gia cầm hơi mỗi năm.
Như vậy, nếu phản ánh của nhiều người nuôi chỉ có nửa phần sự thật, không biết bao nhiêu tiền bạc đã trôi theo tính toán sai lầm của các vị công chức ngành thống kê. Niềm an ủi có thể nói là duy nhất trong tình huống này là, dẫu cung gà thừa, giá gà rớt, GDP vẫn được lạnh lùng tính đếm và vẫn tăng một mức độ nhất định.
Tưởng rằng, câu chuyện sẽ kết thúc theo cách dẫu sao cũng có phần lạc quan như vậy. Thế nhưng, trong một động thái mới nhất, Tổng cục Thống kê đã lên tiếng thanh minh cho mình. Ở đây, không bàn tới việc việc quy trách nhiệm ở hệ thống phân phối, neo giá gà thịt ở mức cao trong khi thu mua của người chăn nuôi với giá rẻ, vấn nạn rõ ràng thuộc về ngành công thương và nông nghiệp, cũng không so đo cả lý lẽ đổ lỗi cho thịt gà nhập ngoại, điều chắc hẳn các nhà thống kê không thể bỏ qua khi cân đối các chỉ số phát triển của ngành chăn nuôi gia cầm.
Vậy nhưng, lý lẽ con số thống kê vòng quay là “số liệu tính toán vòng quay trung bình của toàn bộ hoạt động chăn nuôi trong nền kinh tế, bao gồm các trang trại lớn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ” cũng khó lọt tai dư luận.
Căn cứ vào lập luận trên, người dân tính toán. nhà anh Tèo thả 3 con gà trong vườn, mót nhặt sâu bọ, chủ yếu để đẻ trứng, một năm/một lứa, nhà chị Nở nuôi 3000 con gà thịt, một năm 3 lứa. Số lứa gà sẽ bằng trung bình hai hộ chăn nuôi trên, nghĩa là hai lứa/năm.
Đáng nói, số liệu trên sẽ áp dụng người nuôi 3 con (với mục đích lấy trứng và ăn cơm thừa canh cặn) và 3000 con gà (nuôi công nghiệp để lấy thịt). Tính toán như vậy, lượng cung vượt xa mức dự kiến như phản ánh của các nhà chăn nuôi hẳn nhiên là chuyện tất dĩ ngẫu.
Tất nhiên, rồi sẽ lại là những cái phẩy tay. Nói gì thì nói, ngành Thống kê vừa mới lập công lớn, tìm ra thêm tới hơn 25% GDP cho giai đoạn 2010 – 2017 của nền kinh tế Việt Nam.
Tất nhiên, đã có sự thiếu sót trong tính đếm, nhưng đó là thông lệ quốc tế, cũng như việc tính số lứa gà đang gây tranh cãi nói trên vẫn ‘đúng nghiệp vụ, chuyên môn, đảm bảo tính so sánh quốc tế’, không sai trật một milimet nào.
Thật ra, khi một sở Giao thông Vận tải bốc liền được ba biển số xe siêu đẹp: 000.68, 068.68 và 268.68 là do… ngẫu nhiên thì vòng đời của gà là 1,5 lứa/năm chắc chắn là chuẩn xác. Ai buồn thì buồn chứ nếu gà cũng làm phép thống kê, chắc hẳn, tuổi thọ gà thịt đã tăng lên đáng kể. Là tin mừng phải không, thưa quý vị độc giả?
An Na (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

Hành động thực chất

Hành động thực chất

Không chỉ "vừa chạy vừa xếp hàng" mà còn phải bứt tốc để cùng lúc chuẩn bị, triển khai cả về diện rộng lẫn chiều sâu, xắn tay vào nhiều đầu việc quan trọng ngay những ngày đầu năm 2025. Đó là tâm thế của TP.HCM lúc này.