Trong cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết vừa diễn ra tại Hà Nội, cô gái Bế Thị Băng (32 tuổi) đã khiến mọi người sững sờ với điệu nhảy quyến rũ, mê hồn ở phần thi tài năng, dù chỉ có một chân.
Chị Bế Thị Băng đăng quang hoa khôi cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết năm 2019. ẢNH: NGỌC THẮNG
Với nghị lực phi thường, cô đã đăng quang Hoa khôi Vầng trăng khuyết năm 2019.
Cú sốc cuộc đời
Câu chuyện về cô gái Bế Thị Băng người dân tộc Tày, ở Cao Bằng, như cổ tích giữa đời thường. Kể về cuộc đời mình, chị Băng cho biết: “Năm đó tôi vừa mới tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa (ĐH Thái Nguyên) và đang làm việc cho một phòng khám ở Hà Nội. Trong một lần đi làm, tôi bị xe container đâm ngã, kéo lê chân phải trên đường gần 3 m. Do vết thương quá nặng, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ cái chân đó và tháo một phần khớp háng để bảo toàn tính mạng cho tôi”.
Là cô gái xinh đẹp, lại đang ở tuổi thanh xuân, giờ chị đã mất đi một phần cơ thể. “Sau 4 ngày mê man, tỉnh dậy biết mình đã không còn lành lặn nữa, tôi bị sốc, một cú sốc quá lớn trong cuộc đời. Lúc đó, tôi không biết làm sao để tiếp tục sống…”, chị Băng nhớ lại.
Chị Bế Thị Băng và chồng trong ngày kết hôn. ẢNH: NVCC
Sau khi bình phục, chị đi xin việc thì bị nhiều nơi từ chối. “Tôi cảm thấy bi quan và thất vọng. Nhất là mỗi lần ra đường ai cũng nhìn vào chân của mình với con mắt tò mò. Có người còn xì xào bàn tán: Ôi xinh thế mà lại cụt chân... Nghe xong, tôi chỉ muốn khóc”, chị Băng kể, và chia sẻ: “Nhưng rồi tôi đã tự động viên: Điều quan trọng là mình vẫn còn được sống, đó là một hạnh phúc và ngày mai, ngày mai nữa tôi vẫn còn phải sống tiếp để bước qua thử thách của cuộc đời này”.
Quyết tâm không ngồi một chỗ chờ sự thương hại, chị Băng chấp nhận đi làm không lương để tìm niềm vui trong cuộc sống. Đồng thời, chị cũng quyết định thường xuyên di chuyển bằng xe buýt một mình, để lấy lại sự tự tin trong giao tiếp.
“Tôi tự nhủ rằng trong xã hội, dù là người khuyết tật hay lành lặn đều có quyền được bình đẳng, được sống và tự tin với chính mình. Sau đó, bất ngờ nơi làm việc đầu tiên mời tôi trở lại. Vị bác sĩ của phòng khám đó cũng là ân nhân giúp đỡ tôi khi bị tai nạn. Vậy là tôi đã lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống”, chị Băng chia sẻ. Hiện chị đã có phòng khám riêng và kinh doanh homestay ở Hà Nội; có chồng là giáo sư người Đức.
Nghị lực từ tuổi thơ nghèo khó
Kể về nghị lực vượt qua cú sốc của đời mình, chị Băng cho biết có lẽ chị đã trải qua một tuổi thơ dữ dội với cuộc sống đầy gian nan, vất vả trong một gia đình nghèo ở xóm Khau Gạm, xã Đức Long, H.Hòa An, Cao Bằng. Ngày đó, nhà chị nghèo lắm, lương cán bộ của bố mẹ chị cũng chỉ đủ tiền chữa bệnh cho bà nội nằm liệt giường suốt 8 năm. Chị lại là con cả trong gia đình có 2 em nhỏ nên sớm phải lam lũ.
“Năm lên 8 tuổi, tôi đã giúp mẹ nhổ mạ, đi cấy rồi. Đi học về đến nhà, trời nóng bức vẫn chạy ra mỏ nước xa gần 2 km, gánh nước về nấu cơm. Xong lại tranh thủ cầm liềm phi nhanh lên rẫy, cắt dây lang về cho lợn. Làm xong thì mang cơm lên bón cho bà nội ăn. Chiều đến thì vừa đi chăn trâu vừa lượm củi, vừa học bài...”, chị Băng kể.
Đặc biệt, có một kỷ niệm mà chị không quên: “Tôi chỉ ăn cơm nguội với muối trắng, gừng nguyên củ và ớt. Thằng em tôi lúc đó 5 tuổi, thấy chị ăn ngon thì bảo cho em xin miếng, thế là tôi cho nó ăn, nó trợn mắt lên nuốt không nổi, nhưng vẫn nói “chị ơi em ăn ngon”…
Chị Băng chia sẻ, lúc nào chị cũng dạy các em cố gắng học giỏi, sau này không phải đi chăn trâu nữa. Rồi cả hai em chị cũng thi đỗ đại học, còn chị đã đi làm, tự nuôi sống bản thân. Tưởng những ngày gian khó đã qua, nhưng không ngờ tai nạn lại bất ngờ ập đến. “Gia đình tôi rơi vào cảnh quẫn bách do tiền bạc không có nhiều, vì còn phải nuôi 2 em đang học ĐH. Bố tôi đã phải dắt con trâu đang cày ruộng đi bán, ông nội già yếu có cái nhẫn 2 chỉ cũng đưa cho bố, bảo bán đi để chữa bệnh cho cái Băng...”, chị kể.
Chị cũng cho biết, động lực giúp chị vượt qua khó khăn chính là tình cảm gia đình. “Lúc tôi mất một chân, đứa em gái nói: Chị đừng buồn, em sẽ làm việc ngoan, học giỏi để có nhiều tiền cho chị và em sẽ là người nuôi chị... Nếu không có gia đình và một tuổi thơ như vậy, ắt hẳn tôi sẽ không đủ nghị lực và ý chí để vượt qua được cú sốc của cuộc đời này”, chị trải lòng.
Chuyện tình cổ tích
Cuộc đời đã mỉm cười, khi chị được gặp và kết duyên với một giáo sư người Đức. “Cuối năm 2016, trong một lần tiễn bạn ra sân bay đi du học, tôi gặp một chàng trai người Đức sang Việt Nam du lịch. Tôi đã chỉ đường giúp anh lúc ở sân bay. Sau đó, chúng tôi vô tình gặp lại nhau ở hồ Tây, rồi kết bạn. Tôi đã đưa anh ấy đi khám phá nhiều nơi ở Việt Nam. Đến ngày anh về nước, tôi bất ngờ nhận được lời cầu hôn từ anh ấy”, chị Băng chia sẻ.
“Tôi đã từ chối và nói rằng mình không xứng đáng. Nhưng về nước anh ấy đã gửi mail cho tôi giải thích rằng: Từ “không xứng đáng” có ý nghĩa rất xấu, trong khi tôi xứng đáng nhận được nhiều hơn thế. Thấy anh ấy là người cởi mở và không kỳ thị người khuyết tật nên tôi đã nhận lời. Lúc đầu, anh chỉ nói mình là giáo viên, đến khi kết hôn tôi mới biết anh là một giáo sư đại học”, chị Băng kể tiếp.
Vậy là cứ 3 tháng anh lại về Việt Nam thăm chị một lần. Cuối năm 2017, chị kết hôn nhưng phải đợi học tiếng Đức để có chứng chỉ thì mới có thể đoàn tụ cùng chồng. “Khi tôi đã học xong tiếng Đức, chuẩn bị đi theo chồng thì biết mình lọt vào vòng chung kết cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết. Vậy là tôi quyết định ở lại dự thi. Lúc đầu anh ấy không đồng ý và bảo nếu tôi không sang Đức thì anh ấy sẽ ly hôn. Tôi giải thích với anh ấy rằng đây là cuộc thi có ý nghĩa nhân văn, nhằm lan tỏa nghị lực của người khuyết tật đến cộng đồng. Vậy là anh ấy đồng ý”, chị Băng chia sẻ.
Chị Băng cũng cho biết, điều duy nhất thôi thúc chị tham gia chương trình không phải vì danh hiệu mà chị muốn chia sẻ câu chuyện của mình, đem tiếng nói tự tin, ý chí đến với mọi người, để ai đó đang còn đau khổ vì bị khiếm khuyết hãy vươn lên, hòa nhập với cộng đồng.
Trong đêm chung kết cuộc thi, chị Băng đã tự biên đạo bài nhảy kết hợp giữa 3 điệu nhảy của Tây Ban Nha, Ấn Độ, Ba Tư và khiêu vũ bằng một chân khiến nhiều người cảm phục. Chị cho biết đã tự học nhảy vì đam mê từ bé.
“Khi bị mất một chân, tôi thấy cần phải tập nhảy nhiều hơn để rèn cho chân còn lại khỏe mạnh, nên đã tự tập nhảy theo khả năng của mình”, chị Băng kể. Chị cũng cho biết, để nhảy trên giày bệt thì không khó khăn, nhưng để nhảy bằng giày cao gót chị đã phải tập mất gần 2 năm. “Lúc đầu tôi bị ngã nhiều lắm, dập tím cả mông”, chị Băng nói.
Chia sẻ về dự định của mình, chị Băng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh truyền cảm hứng cho người khuyết tật bằng việc làm video ảnh mẫu, múa đăng lên YouTube. Đồng thời chị đang chuẩn bị điều kiện để có thể đoàn tụ cùng chồng. Chị Băng kể: “Anh ấy rất yêu thương vợ. Biết tôi khó có thể sinh con vì nguy hiểm đến tính mạng, anh ấy cũng không đặt mục tiêu gì, mà lúc nào cũng chỉ mong tôi khỏe mạnh là hạnh phúc rồi”. |
Vũ Thơ (Thanh Niên)