Chung tay vì một Việt Nam xanh, sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam chi hơn 14.300 tỷ đồng cho xử lý rác sinh hoạt, chỉ bằng 0,23% GDP, thấp hơn một nửa so với chi phí bình quân toàn cầu (0,5% GDP).

Dựa trên mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại một số đô thị lớn của nước ta, chuyên gia Ashraf El-Arini (Ngân hàng Thế giới) cho biết, kinh phí dành cho xử lý chất thải sinh hoạt thấp hơn 5-8 lần so với các quốc gia có thu nhập trung bình khác. Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chỉ rõ chủ nguồn thải phải chịu đầy đủ chi phí quản lý chất thải rắn và chịu trách nhiệm với chất thải, nhưng thực tế, nguồn kinh phí hiện nay (bao gồm ngân sách nhà nước và nguồn đóng góp của các chủ nguồn thải) chỉ đủ để trang trải chi phí thu gom và vận chuyển, chứ không đủ cho chi phí xử lý và tiêu hủy hợp vệ sinh, đảm bảo tính bền vững về môi trường.

Công nhận thực tế này, TS Phạm Văn Khánh, Trưởng ban Kinh tế Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận định, các dự án xử lý rác nặng trách nhiệm xã hội, hiệu quả về kinh tế thấp; doanh nghiệp đứng trước rủi ro rất cao bị người dân phản ứng, có khi đến mức gay gắt, cực đoan, nên các ngân hàng thương mại không mặn mà cho vay, nhà đầu tư cũng ngần ngại.

Để khắc phục tình trạng này, trước hết, cần căn cứ vào đặc điểm của từng địa phương, khu vực để nghiên cứu, áp dụng mô hình thu gom, xử lý phù hợp nhất theo phương châm “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Việc xử lý rác thải chắc chắn không thể giống nhau như đúc khuôn ở khu vực đồng bằng, trung du, miền núi, ở một huyện đảo hay đô thị đất chật người đông. Để có được mô hình phù hợp, bên cạnh việc cân nhắc đặc điểm địa lý, xã hội của từng khu vực cụ thể, cần phải có nguồn rác đã được phân loại, trên cơ sở đó mới lựa chọn được công nghệ phù hợp nhất với chi phí rẻ nhất.

Bên cạnh đó, về khía cạnh tài chính, một trong những việc quan trọng cần làm là tính đúng, tính đủ chi phí; thông tin minh bạch, rõ ràng đến các chủ nguồn thải để họ đóng góp đầy đủ kinh phí. Không chỉ đầu vào, mà các sản phẩm đầu ra của rác thải (điện, phân bón…) cũng cần được tính đến trong những bài toán kinh tế sòng phẳng, từ đó khuyến khích các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Cùng với đó, cần bổ sung các tiêu chuẩn, hướng dẫn cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải để người dân, doanh nghiệp đã tuân thủ tốt được hưởng dịch vụ xứng đáng với đóng góp của họ, đảm bảo môi trường bền vững; đồng thời đẩy mạnh thanh tra, giám sát để xử lý thích đáng những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Cần nói thêm rằng, rác thải là một nguồn tài nguyên quan trọng nếu biết khai thác. Nhưng đây là vấn đề không thể xử lý khoanh gọn trong phạm vi một đơn vị hành chính. Cả trên khía cạnh chi phí và tác động xã hội, các địa phương trong vùng cần tính toán, liên kết xây dựng khu xử lý với vị trí, quy mô và công nghệ tương thích để tối ưu hóa hiệu quả xử lý rác thải.

Rác thải và các sự cố liên quan đến các nhà máy xử lý rác thải đã và đang không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của người dân mà còn ảnh hưởng tới nhiều hoạt động khác của đất nước. Đơn cử như du lịch…, không ít khách quốc tế đã tỏ thái độ bức xúc trước tình trạng rác thải vương vãi khắp nơi. Chưa hết, tình trạng ô nhiễm nước, đất đang ảnh hưởng tiêu cực tới nông nghiệp, nuôi thủy hải sản. Mặc dù việc kêu gọi đầu tư vào xử lý rác thải đã được giao cho các địa phương chịu trách nhiệm chính nhưng ngành tài nguyên - môi trường, kế hoạch - đầu tư, xây dựng… cũng không thể “vô can” trước thực trạng “bể trận” rác thải như hiện nay. Đây là lúc các bộ, ngành liên quan phải xắn tay cùng địa phương xây dựng các tiêu chí, chọn lựa được giải pháp đầu tư phù hợp… vì một Việt Nam xanh, sạch.

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.