(GLO)- Mới đây, UBND huyện và Liên đoàn Lao động huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã tổ chức hội nghị đối thoại với đoàn viên, người lao động trên địa bàn. Qua đó, lãnh đạo huyện có cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; kịp thời giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc để giúp người lao động yên tâm công tác.
Huyện Chư Pưh hiện có hơn 1.700 đoàn viên, người lao động thuộc 74 Công đoàn cơ sở cơ quan, đơn vị, trường học và doanh nghiệp. Cách đây hơn 1 tuần, lần đầu tiên UBND huyện Chư Pưh phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện với đoàn viên, người lao động trên địa bàn. Hội nghị do Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Thái chủ trì đã thu hút hơn 100 đoàn viên, người lao động tham gia. Tại hội nghị này, hơn 50 câu hỏi đã được đoàn viên, người lao động đặt ra với lãnh đạo huyện, xoay quanh những vấn đề như: việc hưởng lương theo ngân sách cho cán bộ, viên chức thuộc Công đoàn cơ sở trường học; các chính sách và giải pháp về tuyển dụng, đãi ngộ; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đoàn viên, người lao động vay vốn ngân hàng đến kỳ trả nợ nhưng không thể trả nợ; cách tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế; bổ sung thêm quyền lợi cho đoàn viên Công đoàn là cán bộ bán chuyên trách khi tham gia bảo hiểm xã hội; khó khăn trong việc xếp ngạch cho cán bộ chuyên trách là công chức tự đi học nâng cao trình độ... Đồng thời, các đoàn viên, người lao động cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho địa phương để khắc phục những khó khăn đang gặp phải, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.
Người lao động huyện Chư Pưh đối thoại với lãnh đạo UBND huyện. Ảnh: N.T |
Ông Huỳnh Ngọc Nhi-cán bộ UBND xã Ia Phang-chia sẻ: “Chế độ, quyền lợi của đoàn viên, người lao động là chính đáng, cần được đảm bảo để yên tâm công tác. Đây là dịp để chúng tôi phản ánh những băn khoăn, thắc mắc của mình. Khi tham gia đối thoại với lãnh đạo UBND huyện, những thắc mắc của chúng tôi đã được giải đáp kịp thời”.
Với cách làm dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, các ý kiến, kiến nghị của đại diện cán bộ, đoàn viên, người lao động đã được lãnh đạo UBND huyện Chư Pưh và các ngành liên quan trả lời thỏa đáng. Bà Nguyễn Thị Vị-giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (thị trấn Nhơn Hòa) cho hay: “Qua buổi đối thoại, nhận thức của người lao động cũng được nâng lên. Mọi người được tiếp cận thêm nhiều thông tin hữu ích từ những thắc mắc của các đơn vị khác. Tôi mong muốn huyện sẽ tổ chức thêm những hội nghị đối thoại như thế này để kịp thời nắm bắt tâm tư của người lao động. Tôi cảm thấy rất hài lòng khi lãnh đạo địa phương đã lắng nghe chúng tôi”.
Bên cạnh tổ chức đối thoại, thời gian qua, huyện Chư Pưh luôn quan tâm tới đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động trên địa bàn bằng những hoạt động thiết thực như: giải quyết việc làm cho 630 người lao động; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm năm 2019 thu hút hơn 300 người lao động tham gia; trợ cấp cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo; xây dựng các mô hình tương trợ lẫn nhau; tổ chức hội thao, hội diễn tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đoàn viên, người lao động…
Ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-thông tin: Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các ngành thực hiện các nhiệm vụ nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, đoàn viên, người lao động an tâm công tác. Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành của huyện cùng phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò, vị trí của người lao động trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Đồng thời, cần tuyên truyền đội ngũ đoàn viên, người lao động phấn đấu, tự hoàn thiện mình, nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, nêu cao tinh thần trách nhiệm với xã hội. Lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương cần cầu thị lắng nghe kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình nhằm tạo niềm tin để người lao động cống hiến trí tuệ, nâng cao hiệu suất lao động và tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
NGỌC THU