(GLO)- Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhưng từ đầu năm đến nay, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Chư Pưh vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Những năm trước đây, huyện Chư Pưh được xem là “điểm nóng” sốt xuất huyết. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2017, UBND huyện Chư Pưh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng-chống bệnh sốt xuất huyết. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện đã giảm mạnh. Cụ thể, toàn huyện có 171 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 92 ca so với cùng kỳ năm 2016), không có trường hợp tử vong.
Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh. Ảnh: L.T |
Tuy nhiên, tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn huyện hiện vẫn diễn biến phức tạp. Hầu hết số ca mắc sốt xuất huyết ở Chư Pưh rơi vào 3 tháng gần đây và vẫn đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Đáng chú ý, chỉ riêng tháng 10, toàn huyện đã có 54 ca mắc sốt xuất huyết. Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều là thị trấn Nhơn Hòa (64 ca), Ia Le (54 ca), Ia Blứ (20 ca). Trong số ca mắc sốt xuất huyết của huyện, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%.
Anh Ksor Ayel (thôn Khô Roa, xã Ia Rong) bị sốt xuất huyết nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện chia sẻ: “Khi đi làm rẫy về, tôi thấy người mệt mỏi, sốt cao nên gia đình đưa đến bệnh viện. Tôi nằm điều trị hơn 1 tuần, nay bệnh đã đỡ. Bác sĩ nói cần phải nằm điều trị thêm để theo dõi, lúc nào thể trạng tốt mới cho xuất viện”. Cũng theo anh Ayel, ở thôn Khô Roa hiện cũng có rất nhiều người bị sốt xuất huyết nên người dân rất lo lắng.
Trao đổi với P.V, ông Phan Văn Hưng-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh, cho biết: Nguyên nhân bệnh sốt huyết gia tăng là do năm nay thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến thất thường. Đây là điều kiện thích hợp để muỗi sinh sản và phát triển. Trong khi đó, dù đã được tuyên truyền nhưng nhiều hộ dân trong huyện, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa có ý thức tự giác trong việc dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở cũng như kiểm tra các dụng cụ chứa nước có lăng quăng mà ỷ lại cho ngành Y tế.
Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện đã thành lập 2 đội chống dịch lưu động; chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi ở các thôn, làng có người bị sốt xuất huyết nhằm chủ động trong công tác phòng-chống bệnh, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong. Đồng thời, Trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn phun 74,5 lít hóa chất diệt muỗi cho trên 3.737 hộ dân ở các xã: Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ, Ia Dreng và thị trấn Nhơn Hòa. Trong đó, mỗi thôn được phun nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 7 ngày; có thôn bệnh diễn biến phức tạp như Plei Dijêk (thị trấn Nhơn Hòa) phải phun 4 lần.
Ông Phan Văn Hưng cho biết thêm: Hiện tại, bình quân mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận 2-4 bệnh nhân nhập viện điều trị. Con số này cho thấy tình hình sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, để khống chế bệnh, không cho lây lan ra diện rộng, thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như: treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn về tác hại của bệnh sốt xuất huyết và cách phòng-chống bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Trạm Y tế các xã, thị trấn phun hóa chất diệt muỗi ở các thôn, làng có người mắc sốt xuất huyết; đồng thời, theo dõi để phát hiện, điều trị kịp thời các ca mắc bệnh; chuẩn bị thuốc, dịch truyền, hóa chất, thiết bị sẵn sàng đối phó với dịch bệnh.
Lê Trang