Chư Pưh: Nâng cao chất lượng giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chất lượng giáo dục ở huyện Chư Pưh, Gia Lai trong 10 năm qua từng bước được nâng lên và đạt được nhiều kết quả khả quan. Có được kết quả này là nhờ sự chung tay của các cấp chính quyền, nhân dân và nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ giáo viên. 
Đầu tư kiên cố hóa trường lớp
Điểm trường làng Ia Jol và điểm trường làng Ia Brel thuộc Trường Tiểu học Kim Đồng cách trung tâm xã Ia Le khoảng 20 km. Học sinh 2 điểm trường chủ yếu là người dân tộc Dao, Mông, Tày… từ phía Bắc di cư vào. Tuy nằm ở xa trung tâm xã nhưng cơ sở vật chất của 2 điểm trường được xây dựng kiên cố và sạch đẹp. Các phòng học được quét sơn mới và trang trí thêm những đồ dùng dạy học bắt mắt. Sân trường và lối đi được đổ bê tông. Khuôn viên trường trồng nhiều cây xanh, hoa và được quét dọn sạch sẽ. Thầy Huỳnh Trọng Cang-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng-cho biết: “2 điểm trường được sạch đẹp như hiện nay là nhờ kinh phí của Nhà nước, xã hội hóa và sức lao động của giáo viên, phụ huynh học sinh chứ trước đây nhếch nhác lắm. Các điểm trường làng khác cũng vậy”.
 Thư viện thân thiện của Trường Tiểu học Kim Đồng. Ảnh: H.S
Thư viện thân thiện của Trường Tiểu học Kim Đồng. Ảnh: H.S
Tương tự, 34 trường học khác ở cả 3 bậc học: mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Chư Pưh cũng đang từng bước được đầu tư xây dựng kiên cố nhằm đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Chư Pưh, 5 năm gần đây, huyện đã đầu tư hơn 81 tỷ đồng để xây dựng 2 nhà đa năng, 7 nhà hiệu bộ, 88 phòng học, 1 trường học và mua sắm 1.760 bộ bàn ghế học sinh. Ngoài ra, huyện cũng đầu tư xây dựng 3 bể bơi thông minh cho Trường Tiểu học Anh Hùng Núp (xã Ia Hrú), Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (thị trấn Nhơn Hòa) và Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (xã Ia Le). Tính riêng năm học 2019-2020, huyện Chư Pưh đầu tư kinh phí xây dựng thêm phòng học, nhà hiệu bộ, khu ký túc xá và nhà ăn cho 3 trường gồm: Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ia Hrú), Trường THCS Trần Phú (xã Ia Le), Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Ama Trang Lơng (xã Ia Hla). Đơn vị thi công hiện đã bàn giao cơ sở vật chất cho 3 trường để phục vụ việc dạy và học. Trong số này, riêng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Ama Trang Lơng-ngôi trường phổ thông dân tộc bán trú đầu tiên của huyện-được đầu tư kinh phí hơn 7 tỷ đồng để xây dựng.
Ông Đậu Sỹ Quốc-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Pưh-cho hay: Sau khi chia tách từ huyện Chư Sê năm 2009, đa phần các trường học ở huyện Chư Pưh là tạm bợ, xuống cấp nghiêm trọng. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng và mua sắm trang-thiết bị mới cho các trường. Nhờ đó, cơ sở vật chất của các trường học ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp hơn.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Huyện Chư Pưh hiện có 35 trường học với 19.667 học sinh, trong đó có 10.136 em người dân tộc thiểu số. Tổng số trường chuẩn của huyện là 15 trường. Những năm qua, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng, ngành GD-ĐT huyện đã tổ chức sắp xếp lại hệ thống trường lớp trên địa bàn giúp cho việc dạy và học có hiệu quả hơn. Từ năm 2017 đến nay, 4 trường học ở xã Ia Le và xã Ia Phang đã được sáp nhập, 3 trường học được chuyển đổi loại hình.
Giờ học tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thị trấn Nhơn Hòa). Ảnh: N.T
Giờ học tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thị trấn Nhơn Hòa). Ảnh: N.T
Song song với đó, ngành GD-ĐT huyện Chư Pưh chú trọng vào việc đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng ở các trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc biệt là việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Mặt khác, các trường học trên địa bàn huyện đều triển khai xây dựng mô hình thư viện thân thiện. Hiện nay, Phòng GD-ĐT huyện đang tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu của toàn ngành; xây dựng và đưa vào sử dụng có hiệu quả ngân hàng đề do Phòng biên soạn; tiếp tục phát động giáo viên tham gia thiết kế bài giảng e-Learning; làm quen với mô hình giáo dục điện tử…
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục của huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết thúc năm học 2018-2019, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh ở huyện đạt 99,4%, tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi đạt 96%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%; tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình đạt 100%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%.
Ông Lê Hồng Mạnh-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Pưh-cho biết: “Khác với những năm học trước, năm học này, các trường mầm non ở huyện triển khai dạy bán trú và cho trẻ ăn, nghỉ buổi trưa tại trường. Chúng tôi cũng đang tranh thủ các nguồn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường làng để dần xóa bỏ khoảng cách giữa trường khu vực đô thị với nông thôn. Ngành GD-ĐT Chư Pưh phấn đấu từ nay đến năm 2025 duy trì tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 100%; trẻ vào lớp mẫu giáo đạt 90%; đảm bảo 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; 100% tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình học. Ngoài ra, ngành phấn đấu có thêm 10 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I và 10 trường đạt chuẩn mức độ II”.
 HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.