Chư Pưh gặp khó trong xác định giá đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Việc chưa thể quyết định giá đất không những làm chậm tiến độ thi công, giải ngân các dự án xây dựng cơ bản có đền bù, giải phóng mặt bằng mà còn ảnh hưởng đến việc thu ngân sách của huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.

Ông Nguyễn Thanh Quang-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Chư Pưh-thông tin: Theo Quyết định số 375/QĐ-UBND ngày 4-7-2023 của UBND tỉnh, kể từ ngày 4-7-2023 đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, Phòng TN-MT là đơn vị chủ trì tham mưu giúp UBND cấp huyện trong việc tổ chức xác định giá đất. Trên cơ sở đó, UBND huyện Chư Pưh đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định giá đất.

“Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT thì việc xác định giá đất cụ thể thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Sở TN-MT. Đến nay, các quy định tại những văn bản trên vẫn chưa được điều chỉnh, sửa đổi dẫn đến việc triển khai xác định giá đất cụ thể của huyện Chư Pưh nói riêng và các địa phương trong tỉnh không thể thực hiện được. Điều này dẫn đến tiến độ giải ngân, thực hiện các công trình xây dựng cơ bản cũng như thu ngân sách từ tiền sử dụng đất của huyện đều chậm so với kế hoạch đề ra”-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện nêu rõ.

Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông có nguy cơ bị thu hồi vốn vì còn vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Quang Tấn

Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông có nguy cơ bị thu hồi vốn vì còn vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Quang Tấn

Theo ông Nguyễn Khắc Hợi-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Chư Sê-Chư Pưh, năm 2023, tiền sử dụng đất tỉnh giao huyện Chư Pưh là 29 tỷ đồng, HĐND huyện giao là 47,517 tỷ đồng. Tính đến ngày 31-7, huyện chỉ thu được 3,238 tỷ đồng tiền sử dụng đất, đạt 11,17% kế hoạch tỉnh giao và 6,82% kế hoạch HĐND huyện giao.

Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông có tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Theo kế hoạch vốn, dự án này phải hoàn thành trong năm 2022. Nhưng do vướng mặt bằng đoạn qua địa bàn huyện Chư Pưh (5 hộ chưa thống nhất phương án đền bù) nên dự án đã được cấp có thẩm quyền gia hạn đến ngày 31-12-2023. Tuy nhiên, vì chưa xác định được giá đất cụ thể nên đến thời điểm này, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Vấn đề này nếu không được các cấp có thẩm quyền tháo gỡ sớm thì khả năng dự án sẽ bị thu hồi vốn hiện hữu.

Tương tự, vì chưa có giá đất cụ thể nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án chợ trung tâm và khu dân cư thị trấn Nhơn Hòa cũng đang chậm tiến độ. Ông Nguyễn Tuấn Hiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh-cho hay: Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án này gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều lần tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động, 17/20 hộ dân đã đồng ý nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng. 3 hộ dân còn lại sau rất nhiều lần đối thoại cũng đã đồng ý với phương án bồi thường. Nhưng do chưa có giá đất cụ thể nên huyện chưa thể triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Không những thế, vì không có giá đất cụ thể nên việc xác định giá đất khởi điểm để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án này cũng phải dừng lại. Điều này không chỉ làm chậm đến tiến độ thực hiện dự án mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất. Cũng vì chưa xác định được giá khởi điểm nên việc triển khai đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư Nguyễn Trãi; khu thương mại, dịch vụ trước chợ Ia Le; khu dân cư xung quanh trụ sở UBND thị trấn Nhơn Hòa cũng chậm so với kế hoạch đề ra.

Khu dân cư xung quanh trụ sở UBND thị trấn Nhơn Hòa chưa thể tiến hành đấu giá vì chưa xây dựng được giá khởi điểm. Ảnh: Quang Tấn

Khu dân cư xung quanh trụ sở UBND thị trấn Nhơn Hòa chưa thể tiến hành đấu giá vì chưa xây dựng được giá khởi điểm. Ảnh: Quang Tấn

Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Chư Pưh cho biết thêm: “Theo kế hoạch năm 2023, trên địa bàn huyện dự kiến có 17 công trình, dự án cần xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Các khó khăn, vướng mắc về xác định giá đất cụ thể nếu không sớm được tháo gỡ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng như thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất. Do đó, Chính phủ và Bộ TN-MT cần sớm sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định số 44/2014/NĐ-CP và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT để thống nhất cho địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, các Sở: Tài chính, TN-MT cần có hướng dẫn việc lập dự toán, kinh phí thực hiện xây dựng giá đất, quy định cách thức thực hiện xây dựng giá đất cụ thể (UBND tỉnh đã giao tại Quyết định số 375/QĐ-UBND)”.

Có thể bạn quan tâm

Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.