(GLO)- Những năm qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Chư Prông đã có những đóng góp không nhỏ trong sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện, nhất là tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động, tham gia xóa đói giảm nghèo…
Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Chư Prông hiện có 102 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã và 2.209 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, đa dạng các ngành nghề. Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp chuyển biến phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp được nâng lên.
Ủy ban nhân dân huyện gặp mặt, tuyên dương các doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho huyện. Ảnh: P.D |
Những năm qua, huyện Chư Prông luôn quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để các doanh nghiệp phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ… Ông Nguyễn Anh Dũng-Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong quá trình quy hoạch vùng dân cư, huyện luôn chú trọng gắn với quy hoạch các khu tiểu thủ công nghiệp để các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, phát triển. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo Phòng Tài chính-Kế hoạch, Chi cục Thuế, Quản lý Thị trường và phối hợp với đơn vị của tỉnh đóng trên địa bàn huyện giúp đỡ các doanh nghiệp; chỉ đạo các xã, thị trấn đảm bảo an ninh cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. “Huyện cam kết sẽ tạo mọi thuận lợi, cả về môi trường đầu tư lẫn các vấn đề chính sách khác, đặc biệt là thủ tục hành chính, không để kéo dài, phiền hà cho doanh nghiệp”-ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phúc Quân-Giám đốc Nông trường Cao su Thanh niên Ia Mơr chia sẻ: “Với sự giúp đỡ của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của huyện, Nông trường đã từng bước khắc phục khó khăn để trồng, chăm sóc và khai thác cao su có hiệu quả. Huyện đã tạo điều kiện để Nông trường làm các thủ tục hành chính nhanh, gọn, đặc biệt là làm sổ đỏ đối với diện tích đất canh tác của đơn vị; chỉ đạo chính quyền các xã phối hợp giúp đỡ Nông trường trong việc tuyển dụng lao động vào làm công nhân. Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện cho đơn vị nhận 20 ha đất để xây nhà ở cho công nhân, góp phần động viên công nhân yên tâm gắn bó với Nông trường và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của đơn vị”.
Doanh nghiệp đồng hành cùng huyện
Về những đóng góp của các doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện, ông Nguyễn Anh Dũng cho rằng: “Cộng đồng doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định của huyện, góp phần tích cực vào việc tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động, tham gia xóa đói giảm nghèo và thực hiện chính sách khác”.
Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện là 47,12 tỷ đồng (đạt 156,2% kế hoạch tỉnh giao), đạt 116,8% Nghị quyết HĐND huyện giao. Trong đó, thuế do các doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước là 10,7 tỷ đồng, chiếm 34,5% tổng thu ngân sách huyện (không bao gồm tiền sử dụng đất). |
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đa số doanh nghiệp đã chấp hành tốt các chính sách về thuế, 100% các doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử và kê khai qua mạng. Trong đó, một số doanh nghiệp đóng thuế tương đối cao, như: Công ty TNHH Thương mại Tâm Phúc Gia Lai; DNTN Tiến Thành; Công ty TNHH một thành viên Phùng Hà; Công ty TNHH Hoàng Hưng Gia Lai…
Riêng về vấn đề sử dụng lao động và giải quyết việc làm, đến nay, toàn huyện có 12.800 lao động đang làm việc trong các công ty, hợp tác xã với mức thu nhập ổn định 3-5 triệu đồng/người/tháng (trong đó lao động dân tộc thiểu số là 5.050 người, chiếm 39% tổng số lao động). Đặc biệt, 100% lao động hợp đồng dài hạn đều được các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp đều thành lập tổ tự vệ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sản xuất thông qua cơ chế phối hợp với Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện thực hiện nhiệm vụ đột xuất khi được điều động, như: Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, Công ty Chè Bàu Cạn, Công ty Bình Dương, Trung đoàn 710... Ngoài ra, các doanh nghiệp còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương nơi đứng chân tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng: khắc phục, sửa chữa đường sá; xây dựng nhà ở cho người nghèo; tham gia hỗ trợ các quỹ phúc lợi khác…
Cũng theo ông Nguyễn Anh Dũng, trong đợt phát động Chư Prông cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn bộ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, những doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn có thâm niên đã hỗ trợ huyện thông qua việc đầu tư các hạng mục, như: khu vui chơi, sân bãi, trường học…; một số doanh nghiệp còn hỗ trợ các gia đình khó khăn về nhà ở để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Thời gian tới, một số khu quy hoạch được hoàn thiện, khu quy hoạch cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Thăng Hưng được đưa vào hoạt động và một số tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tiếp tục nâng cấp sửa chữa… chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư trên địa bàn huyện Chư Prông.
Phương Dung-Hồng Thương
Ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thảo Nguyên Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Thảo Nguyên-chuyên kinh doanh dịnh vụ nông nghiệp và chăn nuôi bò cái sinh sản-đã có nhiều chuyển biến tích cực, doanh thu giai đoạn 2010-2015 đạt 17,88 tỷ đồng (tăng hơn 12,197 tỷ đồng so với giai đoạn 2005-2010). Trên cơ sở đó, Hợp tác xã đã giải quyết việc làm, tăng nguồn lợi cho các thành viên. Ngoài ra, Hợp tác xã còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức lương bình quân 2,5-4,5 triệu đồng/người/tháng; cung cấp các dịch vụ về thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đảm bảo chất lượng cho người dân trên địa bàn. Theo kế hoạch, thời gian tới, Hợp tác xã sẽ phát triển đàn bò lên 100 con nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên với hình thức giao cho mỗi thành viên chăm sóc 2 con bò, sau đó, các thành viên được hưởng lợi 30% tăng trọng của mỗi con. |
Ông Phan Văn Hạnh-Giám đốc Nông trường Cà phê Chư Prông (Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai): Nông trường Cà phê Chư Prông đứng chân trên địa bàn 3 xã: Ia Pia, Ia Vê và Ia Bang. Nông trường đã tạo việc làm thường xuyên cho 320 lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương, trong đó đóng bảo hiểm cho 280 người (số còn lại do quá tuổi). Hàng năm, Nông trường đều đóng thuế đầy đủ cho huyện và đóng khoảng 600 triệu đồng tiền thuê 600 ha đất sản xuất. Trong những năm gần đây, Nông trường đã đầu tư về kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vệ, nước tưới để giúp 24 hộ dân làng Siu (xã Ia Vê) phát triển kinh tế, bình quân thu nhập mỗi năm của các hộ đạt trên 60 triệu đồng. Ngoài ra, vào những ngày lễ, Tết, Nông trường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; thăm, tặng quà các gia đình khó khăn, gia đình chính sách… Đến nay, Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai và Công đoàn Nông trường đã xây dựng được 2 “Mái ấm Công đoàn” cho 2 gia đình khó khăn trên địa bàn huyện… |
Ông Nguyễn Trung Tình-Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Trung: Công ty TNHH Nguyễn Trung được thành lập năm 2006, đứng chân trên địa bàn thôn Đoàn Kết (xã Bàu Cạn), chuyên kinh doanh hàng nông-lâm sản. Từ năm 2006 đến 2014, Công ty đã đóng thuế cho huyện trên 16 tỷ đồng (từ năm 2014 đến nay, Công ty đóng thuế xuất nhập khẩu cho tỉnh trên 4 tỷ đồng). Trong hoạt động kinh doanh, hàng tháng, Công ty tạo việc làm thời vụ cho 30 lao động với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trong những năm qua, Công ty đã tham gia một số hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, trong đó đóng góp cùng huyện xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Thời gian tới, Công ty phấn đấu hoạt động tốt hơn nữa để tiếp tục tạo việc làm cho người dân và đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương nơi Công ty đứng chân. |