(GLO)- Hiện nay, người dân huyện Chư Pah đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2014-2015. Năng suất lúa khoảng 51,8 tạ/ha, bắp 43 tạ/ha, rau các loại 111 tạ/ha. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ Đông Xuân, người dân cũng đang tích cực làm đất, chuẩn bị giống, vật tư nông nghiệp để triển khai vụ mùa 2015. Tính đến thời điểm này, người dân đã xuống giống vụ mùa được hơn 1.872 ha, đạt 28% kế hoạch cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước 207 ha, lúa cạn 25 ha, bắp 150 ha, mì 1.250 ha, dong riềng 30 ha, khoai lang 20 ha, rau đậu 170 ha.
Chư Pah là huyện có tiềm năng để phát triển những cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cao su tiểu điền và nhiều giống cây trồng ngắn ngày khác. Để giúp nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập trên cùng một diện tích, huyện đã xây dựng và triển khai các đề án áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cải tạo vườn tạp và đưa giống mới vào sản xuất. Trong đó, cây lúa được chú trọng hàng đầu nhằm đảm bảo an ninh lương thực địa phương. Huyện tiếp tục triển khai mô hình sản xuất giống lúa năng suất chất lượng cao với giống lúa HT1 tại xã Ia Phí và Ia Mơ Nông cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ việc triển khai thành công giống lúa mới HT1 trên địa bàn và nhân rộng đưa vào trồng đại trà trong vụ mùa này. Ngoài ra, nông dân còn trồng thêm một số giống lúa khác như CH207, Hương Cốm, DV108, TH85, IR5679.
Ngoài cây lúa, cây trồng dài ngày cũng được người dân tích cực lai ghép, cải tạo giống cũ nhằm nâng cao năng suất. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn huyện Chư Pah, diện tích một số cây trồng dài ngày trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt là cây hồ tiêu, bời lời và cây cà phê. Tổng diện tích cây cà phê hiện nay khoảng 8.320 ha, hồ tiêu 188 ha, cao su tiểu điền 1.082 ha. Cây bời lời được chuyển đổi từ những diện tích cây trồng không hiệu quả như cây mì, cà phê mít. Diện tích cây bời lời hiện khoảng 2.407 ha và người dân tiếp tục trồng thêm 557 ha và tập trung chủ yếu ở các xã Ia Phí, Ia Khươl, Ia Kreng, Đak Tơ Ve, Hà Tây…
Ông Phạm Minh Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Huyện thường xuyên triển khai các mô hình trình diễn đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao năng lực sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số và đã có những chuyển biến tích cực. Trình độ sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao. Họ đã biết đưa giống mới, năng suất, chất lượng vào sản xuất. Đồng bào dân tộc thiểu số đã biết chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây bời lời. Đây là loại cây trồng không đòi hỏi kỹ thuật nhiều, phù hợp với điều kiện địa phương và năng lực canh tác của người dân, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo.
Lê Nam