Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa có quyết định giao Ban Quản lý dự án 85 tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum với thời gian thực hiện trong 2025-2026. Đây là tin vui cho người dân hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, bởi họ đang mong chờ dự án sớm được đầu tư xây dựng khi hoàn thành sẽ tạo bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương.
Tuyến cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc điều chỉnh và bổ sung Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 3/1/2025 dài 136 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Ngay sau đó, 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi đã họp và thống nhất đề xuất Bộ GTVT (cũ), nay là Bộ Xây dựng, xây dựng tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum với tổng vốn đầu tư 35.395

Theo đề xuất, cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum dài 136 km, đi qua 2 địa phương là thị xã Đức Phổ và huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) là 58km và 3 huyện là Kon Plông, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) là 78km. Điểm đầu của cao tốc giao với cao tốc Bắc Nam phía Đông thuộc địa phận thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và điểm cuối giao với cao tốc Bắc Nam phía Tây thuộc địa phận thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum dự kiến có 4 làn xe, vận tốc thiết kế từ 80 -100 km/giờ; có bề rộng nền đường là 24,75m (bao gồm mặt đường, dải phân cách cứng, làn dừng khẩn cấp và lề đường). Trên tuyến có 9 nút giao khác, đảm bảo liên thông với đường trục chính hiện hữu và các trục giao thông chính, trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị thuận lợi. Ngoài ra, tuyến cao tốc dự kiến xây dựng 60 cầu vượt tuyến chính, 10 cầu ngang và 3 hầm.
Từ đề xuất của 2 tỉnh, mới đây, Bộ Xây dựng đã có quyết định giao Ban Quản lý dự án 85 tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum. Bộ Xây dựng cũng giao Ban Quản lý dự án 85 trong vai trò chủ đầu tư bước lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư có trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư theo quy định pháp luật; chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tiếp nhận toàn 2 bộ kết quả nghiên cứu đã thực hiện và tận dụng tối đa trong quá trình nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, tránh trùng lặp, lãng phí. Đây là bước khởi động quan trọng cho dự án sớm có chủ trương đầu tư xây dựng.

Theo ông Đàm Phúc Tuyên- Phó Giám đốc Sở Xây dựng, hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi đề xuất trung ương đầu tư xây dựng, còn công tác giải phóng mặt bằng, hai địa phương cam kết sẽ bố trí đủ kinh phí để tổ chức giải phóng mặt bằng từ ngân sách địa phương và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2026. Ở tỉnh nào thì tỉnh đó chịu trách nhiệm thực hiện ở những đoạn đi qua địa bàn. Để chuẩn bị cho việc này, tỉnh ta đã có phương án, đang chủ động thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng. Đây cũng là bước vô cùng quan trọng, quyết định sự nhanh hay chậm của quá trình triển khai dự án.
Ông Tuyên cho biết: Tất cả dự án nói chung và giao thông nói riêng, công tác giải phóng mặt là rất quan trọng. Muốn dự án nhanh thì giải phóng mặt bằng phải làm trước. Ở dự án cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum, riêng phần giải phóng mặt bằng dự kiến tổng kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng, ở tỉnh ta khoảng 650 tỷ đồng. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi tỉnh, khi có chủ trương đầu tư, cần phải chủ động làm trước. Để công tác giải phóng mặt bằng nhanh, tạo mặt bằng sạch, cần cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Tỉnh cần lập một ban chỉ đạo với các sở ngành, địa phương liên quan để trong quá trình triển khai, vướng mắc chỗ nào, thuộc trách nhiệm của ai thì tư lệnh ngành và địa phương đó phải có trách nhiệm giải quyết. Trong trường hợp dự án phải bố trí khi tái định cư, cần nghiên cứu tiến hành bố trí, xây dựng khu tái định cư làm sao khu mới cho người dân phải tốt hơn khu cũ để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.
Cũng theo ông Tuyên, qua triển khai nhiều dự án, công tác giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó nhất và hầu hết các dự án chậm tiến độ đều liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, với dự án cao tốc này, tỉnh ta đã lường trước, rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc phía Nam nên đã chủ động lên các phương án, có kế hoạch thành lập ban chỉ đạo gồm tư lệnh các ngành cũng như chính quyền địa phương; đồng thời, tỉnh ta cũng đã tổ chức đi học tập, tham khảo tại một số địa phương khác trong nước đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc.
Đánh giá về vai trò của tuyến cao tốc này, ông Đàm Phúc Tuyên cho hay: Việc xây dựng tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum không chỉ rút ngắn khoảng cách, thúc đẩy giao thương, giảm chi phí logistics, mà còn là cú hích lớn để Măng Đen bứt phá trong việc phát triển du lịch. Nếu cao tốc được đầu tư sớm, sẽ biến Măng Đen thành trung tâm du lịch sinh thái lớn của Tây Nguyên, đồng thời, giúp Kon Tum và Quảng Ngãi trở thành điểm sáng kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, góp phần hoàn thành mục tiêu định hướng đến năm 2045, Măng Đen sẽ trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực như đã được quy hoạch. Ngoài ra, cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum còn từng bước tạo thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín với tuyến cao tốc ngang trục Đông-Tây kết nối với cao tốc trục Bắc-Nam; giúp giảm chi phí vận chuyển và đưa các sản phẩm từ chế biến gỗ, dược liệu, cao su, mắc ca, cà phê đến cảng biển Dung Quất thuận lợi hơn rất nhiều lần so với các tuyến đường bộ khác. Đặc biệt, tuyến đường này còn phục vụ tốt cho chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum nói riêng và các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung nói chung và kết nối hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung với khu vực ngã ba Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước Thái Lan, Myanmar.
Theo Phúc Nguyên (baokontum.com.vn)