Chủ động phòng tránh thiên tai vì an toàn cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lửa đã tắt. Những cánh rừng miền Trung hy vọng sẽ hồi sinh phần nào vì trời đã có mưa. Tuy nhiên, nguy cơ đối mặt với lũ quét, sạt lở đất trong những ngày tới lại cận kề, nhất là khi rừng không còn. Biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng rõ rệt đến cuộc sống con người. Dự báo năm nay, thời tiết sẽ diễn biến bất thường và khốc liệt hơn. Vì vậy, việc chủ động phòng tránh thiên tai vì sự an toàn cuộc sống người dân là yêu cầu hết sức bức thiết.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng-chống thiên tai cho thấy, tuy xảy ra ít hơn các năm trước, nhưng năm 2018, thiệt hại do thiên tai gây ra cho nước ta cũng hết sức nặng nề: 224 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế 20.000 tỷ đồng (thấp hơn năm 2017 với 386 người thiệt mạng, số tiền thiệt hại lên tới 60.000 tỷ đồng). Thiên tai đã khiến hàng trăm gia đình phải mất người thân, cuộc sống của hàng vạn gia đình trong cả nước bị đảo lộn. Còn hàng chục ngàn tỷ đồng thiệt hại chính là nhà cửa, ruộng vườn, tài sản của hàng trăm ngàn người dân bị hư hại; nhiều công trình đường sá, cầu cống, trường học, công sở... bị sụp đổ, bị lũ lụt cuốn trôi.
Diễn tập chữa cháy rừng. Ảnh: Ngọc Sang
Diễn tập chữa cháy rừng. Ảnh: Ngọc Sang
Tuy chưa phải vào mùa cao điểm nhưng từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai, làm 23 người chết, thiệt hại kinh tế lên đến gần 400 tỷ đồng. Hiếm khi ngay từ đầu năm đã xuất hiện bão. Thế mà, cơn bão đầu tiên xuất hiện trong tháng 1 từ Cà Mau đến Kiên Giang đã gây thiệt hại nặng cho khu vực này. Hay như đợt nắng nóng đỉnh điểm mấy ngày qua đã làm lửa bùng phát mạnh, gây cháy hàng ngàn héc ta rừng ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Chỉ cần một mồi lửa nhỏ của người dân đốt rác trong vườn nhà, lửa đã lây lan ra những cánh rừng trồng, cộng với nắng nóng và gió phơn Tây Nam thổi mạnh, biến Hà Tĩnh trở thành chảo lửa, thiêu rụi những cánh rừng mà người dân đã mất công bao năm chăm bẵm.
Trong thiên tai, còn có cả nhân tai!
Những cơn mưa do áp thấp nhiệt đới mang lại trong những ngày này được xem là mưa vàng, mưa bạc, không những chấm dứt nắng nóng để người dân dễ thở hơn mà còn là niềm hy vọng sẽ giúp hồi sinh những cánh rừng vừa bị cháy. Thế nhưng, một mối nguy cơ khác lại hiển hiện khi người dân, nhất là người dân các tỉnh miền núi, phải chuẩn bị đối mặt với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đe dọa. 
Một mùa mưa lũ khắc nghiệt nữa lại bắt đầu. Theo dự báo, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên thời tiết năm nay có những biến đổi khó lường và khắc nghiệt hơn. Bão có thể sẽ ít hơn nhưng cường độ sẽ mạnh hơn, diễn biến cũng bất thường hơn. Số trận mưa lớn gây lũ ống, lũ quét cũng sẽ khốc liệt hơn năm 2018.
Để phòng ngừa rủi ro, ứng phó với thiên tai hữu hiệu, không chỉ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” mà rất cần sự chủ động, kịp thời, chính xác của công tác cảnh báo dự báo thiên tai. Trên thực tế, công tác này ở nước ta đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu, nhất là công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở miền núi. Chủ động phòng tránh cũng không phải chỉ là những phương án đối phó ngay sát mỗi cơn mưa, mà cần có kế hoạch dài hơi hơn, quy hoạch bài bản hơn khi xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế dân sinh để đảm bảo an toàn trước thiên tai. Cũng bởi, sự tác động của con người làm cho sức tàn phá của thiên nhiên khốc liệt hơn. Việc xây dựng những công trình hạ tầng lấn chiếm, làm co hẹp dòng chảy các dòng sông; những dự án kinh tế, thủy điện chặt phá nhiều diện tích rừng mà không được trồng lại kịp thời đã phá tan hệ sinh thái tự nhiên; hầm mỏ khai khoáng đã làm biến đổi địa chất, tạo thành những túi nước khổng lồ trong lòng đất hoặc trên núi cao, chỉ chực chờ bục ra cuốn phăng tất cả ở vùng hạ du.
Phòng tránh và giảm thiểu rủi ro là vấn đề căn bản trong ứng phó với thiên tai. Vì vậy, để giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai, sự chủ động, kịp thời, hiệu quả của các bộ ngành, địa phương là hết sức cần thiết. Đó cũng là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị triển khai công tác phòng-chống thiên tai trước mùa mưa bão năm nay nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân.
Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Lợi thế và quyết tâm

Lợi thế và quyết tâm

UBND tỉnh Bình Dương vừa phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển hơn 160.300 căn NƠXH, gồm hơn 155.000 căn chung cư và 5.000 nhà liền kề. Trong đó, 20% số căn dành cho thuê.
Nêu cao đạo đức công vụ

Nêu cao đạo đức công vụ

Trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 138/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 06/2023 về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, Bộ Nội vụ đề xuất tạm đình chỉ công tác với cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Bò thả rông và chuyện nông dân thành thị dân

Bò thả rông và chuyện nông dân thành thị dân

Thời gian qua, nhiều phường tại TP.Đà Nẵng nỗ lực giải quyết nạn bò thả rông. Không chỉ các phường gần ngoại ô như khu vực Hòa Hiệp (Q.Liên Chiểu), Hòa Quý (Q.Ngũ Hành Sơn), mà các phường có mật độ dân cư đông đúc, ngay trung tâm như P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu) cũng phiền hà từ người nuôi bò.
Lời nhắc của thiên nhiên

Lời nhắc của thiên nhiên

Hai năm qua, việc cá heo xuất hiện ở vùng biển sát bờ, chim di cư ở bán đảo Sơn Trà, các loài cò và hệ thực vật phát triển ở các bãi bồi ven sông Hàn, sông Cẩm Lệ… không chỉ làm người dân thích thú, mà còn tạo ra không khí thảo luận sôi nổi trong cộng đồng khoa học.
Ngưỡng cửa vào đời

Ngưỡng cửa vào đời

Hôm qua, hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã biết kết quả cùng với những cung bậc cảm xúc vui - buồn. Trên bảng “phong thần”, năm nay, Hà Giang tiếp tục đội sổ với điểm trung bình 5,86.
Ba trụ cột cho trung tâm xử lý tin giả

Ba trụ cột cho trung tâm xử lý tin giả

Không cần phải bàn thêm điều gì về ý nghĩa của những nỗ lực đấu tranh phòng chống tin giả, ứng phó tình trạng rối loạn thông tin (information disorder) trên môi trường internet hiện nay. Nhưng cuộc chiến dài hơi và đầy khó khăn này rất cần những giải pháp tổng hợp, đồng bộ và nhất quán.
Giá trị của những lời khen

Giá trị của những lời khen

Từ tháng 5.2024, UBND Q.Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) là địa phương đầu tiên có mô hình thư khen công dân có hành động đẹp như trả lại tài sản nhặt được… Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cũng có thư khen các tổ chức, cá nhân có hành động đặc biệt giúp đỡ du khách.