Trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chúng ta nên chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với hạn, mặn và xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp và ứng phó hiệu quả trước thiên tai.
Lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy người dân ĐBSCL đã chủ động thích ứng thuận thiên, hợp địa, tôn trọng quy luật tự nhiên theo điều kiện thực tế. Kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL được hình thành trên cơ sở thích ứng tự nhiên với đặc điểm sinh thái của 3 tiểu vùng nước ngọt, mặn, lợ.
Một số tiểu vùng bị hạn mặn nghiêm trọng vẫn có nhiều nông dân "né hạn" nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động tưới bằng nước ngầm. Nhiều mô hình tốt như lúa - tôm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng; mô hình nuôi tôm sạch dưới tán rừng ở Cà Mau; cây dừa thích ứng biến đổi khí hậu ở Bến Tre và các mô hình sinh kế thích ứng trên đất giồng ven biển ở Trà Vinh. Sống chung với hạn mặn không phải đến bây giờ mới được đặt ra, nhưng cần tư duy tiếp cận phù hợp và các giải pháp khả thi. Các mô hình chung sống với hạn, mặn cần được tiếp tục nghiên cứu để nhân rộng trên cơ sở tôn trọng giá trị nhân văn, kiến thức bản địa kết hợp với tri thức công nghệ hiện đại và tư duy hệ thống, thay vì chỉ bằng kinh nghiệm đơn thuần.
Các giải pháp phi công trình là quan trọng, nhưng cũng không thể phủ nhận các giải pháp công trình điều tiết nước, các dự án trữ nước chủ động và bằng khoa học công nghệ. Việc chủ động thích ứng phải xuyên suốt, bảo đảm "chi phí - lợi ích" và nguyên tắc "không hối tiếc" khi quyết định đầu tư công trình.
Cần xem hạn hán, xâm nhập mặn là đặc tính chu kỳ và đột xuất để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, tổ chức dân cư phù hợp; trên cơ sở đó tăng cường liên kết vùng, điều phối liên vùng, cơ chế chỉ huy thống nhất. Bên cạnh những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống, cần các giải pháp dài hạn; có lộ trình, bước đi phù hợp, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực.
Cần công bố và cập nhật thường xuyên bản đồ hạn, mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội phổ biến để người dân từng tiểu vùng sinh thái kịp thời theo dõi, chủ động ứng phó trong sinh hoạt và sản xuất cho phù hợp, giảm thấp nhất mức độ thiệt hại. Chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt; đưa vào sử dụng các công trình đầu tư, các dự án trữ nước, bảo đảm nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng các định chế của Ủy hội sông Mê Kông và các nước có liên quan đến vấn đề nước xuyên biên giới để bảo vệ lợi ích quốc gia, chia sẻ dữ liệu, các kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn, chủ động dự báo tình hình, bảo đảm việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước.