Chống tham nhũng, tiêu cực: Chặt bỏ cây sâu để cứu rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hai Ủy viên Trung ương Đảng bị khai trừ trong một hội nghị bất thường được Bộ Chính trị triệu tập vào chiều 6-6 tại Hà Nội là minh chứng cho tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dẫu biết rằng, cắt bỏ một phần da thịt là rất đau đớn, nhưng đã là ung nhọt thì đau thế chứ đau nữa, cũng vẫn phải làm để bảo vệ phần cơ thể còn lại được khỏe mạnh.

Có thể nói quyết định khai trừ ra khỏi Đảng 2 ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long đã đáp lại sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và người dân cả nước về một Đảng cầm quyền trong sạch, một bộ máy công quyền không tham nhũng, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, phụng sự đất nước. Không còn là một tiếng chuông mang tính cảnh tỉnh nữa mà thực sự đã là thái độ cương quyết trừng phạt đối với những ai có ý định “nhúng chàm” để mưu cầu tiền tài, địa vị.

Ông Nguyễn Thanh Long (trái) và ông Chu Ngọc Anh bị khai trừ ra khỏi Đảng. (Nguồn: TTXVN)
Ông Nguyễn Thanh Long (phải) và ông Chu Ngọc Anh bị khai trừ ra khỏi Đảng. (Nguồn: TTXVN)



Quả là một sự việc không bình thường chút nào khi cùng lúc phải loại 2 Ủy viên Trung ương, một người là Bộ trưởng, còn người kia lại đang đứng đầu chính quyền Thủ đô Hà Nội-trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội của đất nước ra khỏi hàng ngũ đảng viên. Nhưng sứ mệnh làm trong sạch nội bộ, lời hứa “chống tham nhũng không có ngoại lệ, không có vùng cấm, dù bất kỳ người đó là ai” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định trong tất cả các hội nghị, các cuộc tiếp xúc cử tri luôn là lời thề danh dự, không chỉ là người đứng đầu Đảng ta, mà với bất kỳ đảng viên nào biết tự trọng, biết giữ gìn đạo đức, phẩm chất của người cộng sản đều phải ghi nhớ và thực hiện cho bằng được.

Lơ là tu dưỡng, buông mình ra khỏi nguyên tắc của Đảng, những cán bộ lãnh đạo cao cấp như: Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sốn g; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng. Họ đã tiếp tay cho sai phạm, làm thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng-chống dịch Covid-19, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.

Giữa lúc cả nước trên dưới đồng lòng gồng mình chống dịch, người dân khốn khó, lao đao, mất mát người thân, họ đã lợi dụng chức quyền mà bán rẻ lương tâm, chống lưng cho Công ty Việt Á để trục lợi. Đó không chỉ là khuyết điểm, mà thực sự đã trở thành tội ác. Những hành vi ấy đang bị xã hội lên án, yêu cầu phải thải loại. Vì vậy, việc Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường để khai trừ 2 ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long là việc làm khẩn trương và cấp thiết nhằm lấy lại lòng tin của Nhân dân vào Đảng.

Ông Nguyễn Thanh Long đã bị Quốc hội biểu quyết bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV, bị Thủ tướng Chính phủ cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế theo quy định. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng mất “ghế” sau cuộc bỏ phiếu miễn nhiệm của HĐND thành phố này.

Ngày 7-6, cả 2 ông này bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C03) Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam vì liên quan vụ Việt Á. Trong đó, ông Long bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Còn ông Anh bị điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (thời điểm xảy ra hành vi phạm tội ông đang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ). Cái giá phải trả quả là khá đắt đối với những cán bộ đảng viên không chịu tu dưỡng, coi thường việc tự soi, tự sửa, để tiền bạc, vật chất đánh gục. Loại bỏ những con sâu tham nhũng này ra khỏi bộ máy lãnh đạo đất nước là việc làm cần thiết, là cách Đảng ta chặt cành sâu để cứu cây, chặt cây sâu để cứu rừng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Hàng loạt cán bộ dính chàm, bị bắt vì đại án Việt Á. Nhỏ thì cán bộ cấp phòng, cấp sở; lớn thì là người đứng đầu bộ ngành, địa phương. Cái kit tets Covid-19 nhỏ bé vô hình trung đã trở thành phép thử cho công tác cán bộ, buộc nhiều “con sâu” phải lộ nguyên hình.   

Cùng với hàng loạt cán bộ, tướng lĩnh Công an, Quân đội; lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh thành trực thuộc trung ương bị kỷ luật, bị truy tố vì mắc khuyết điểm và vi phạm pháp luật từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, điều dễ nhận thấy là cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực hay nói rộng hơn là chống thoái hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa do Đảng ta, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không có điểm dừng và ngày càng quyết liệt hơn. Điều đó đã góp phần củng cố niềm tin sắt son của Nhân dân ta vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng với giặc nội xâm, bảo vệ sự trong sạch vững mạnh của Đảng.  

 

ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.