Chợ phiên độc đáo trong phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cho đến bây giờ chợ cây cảnh ở phố Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ) vẫn mang dấu ấn xưa cũ và còn giữ lệ họp theo phiên. Chợ được họp vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24 và 29 âm lịch hằng tháng.
 

Chợ cây cảnh phố Hoàng Hoa Thám luôn nhộn nhịp khách mua, nhất là trong các phiên chợ hằng tháng.
Chợ cây cảnh phố Hoàng Hoa Thám luôn nhộn nhịp khách mua, nhất là trong các phiên chợ hằng tháng.

Ngày nay, chợ Bưởi đã trở thành một trung tâm thương mại khang trang, hiện đại, nhưng phiên chợ  bán cây cảnh, vật nuôi vẫn được duy trì theo trục đường Hoàng Hoa Thám. Cứ mỗi phiên, người mua kẻ bán đến đây lại được sống trong không gian của một phiên chợ quê thuần khiết. Người ta mang đến đủ thứ hàng hóa, chủ yếu là những mặt hàng nông sản, “cây nhà lá vườn” để mua bán, trao đổi. Giờ đây, chợ vẫn là một nét đặc trưng, rất riêng của người dân Hà Nội.

Cứ tầm 6 giờ sáng, người dân lại rục rịch bày hàng ở các nhà mặt phố, bao gồm nhiều loại cây cảnh, chó mèo, chim cảnh, cá cảnh… Đặc biệt, dọc con đường Hoàng Hoa Thám có chiều dài hơn 1 km chạy đến đoạn dốc Đốc Ngữ, các hộ kinh doanh bày bán rất nhiều loại cây cảnh, cây giống phong phú và đa dạng, tạo nên một tuyến phố quanh năm lúc nào cũng rộn ràng những sắc hoa.

Rất nhiều người đến đây để tìm mua cho nhà mình một vài loại cây cảnh, cây hoa trang trí cho khuôn viên gia đình. Hoa, cây cảnh được đưa về từ các làng như Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân ở Hà Nội hoặc đến từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương vượt sông Hồng mang sang.

Đến ngày phiên, số lượng các mặt hàng cây hoa giống tăng lên gấp nhiều lần so với ngày thường với các loại có hoa đẹp như: Hoa hồng, nhài, tường vi, trinh nữ, cẩm tú cầu... Bên cạnh các loài hoa, cây cảnh cũng là một thế mạnh của phiên chợ, từ sung uốn thế cổ thụ, tùng la hán có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, rồi đến cây sâm cảnh, cây đuôi công, cây kim tiền trồng thành bụi, chậu, các loại trúc cảnh,… Người dân cũng có thể mua các giống cây ăn quả đặc sản như hồng xiêm Xuân Ðỉnh, cam Canh, bưởi Diễn... song cũng tùy theo mùa, theo thời tiết, hợp với việc bán giống, trồng cây.

Ngày thường, chợ phố cây cảnh đã nhộn nhịp những cửa hàng cây cảnh ven đường được mở cố định để bán cho khách, nhưng tới chợ phiên, số lượng nhiều hơn. Từ bãi đất, vỉa hè, nơi nào trống là có hoa, có cây. Người Hà Nội vốn có thú chơi cây cảnh từ trước đến nay và việc mua vài chậu cây cảnh trang trí mang lại sự sinh động và một không gian thiên nhiên trong phố.

 

Người bán chu đáo, tận tình, chợ cây cảnh luôn thu hút khách mua.
Người bán chu đáo, tận tình, chợ cây cảnh luôn thu hút khách mua.


Các loại cây trồng chậu như: địa lan, thiết mộc lan, ngũ gia bì, đinh lăng... được rất nhiều người yêu thích. Thậm chí, muốn tìm mấy giống cây ăn quả, hay những cây bóng mát loại lớn cũng được các chủ hàng đon đả đón chào, hướng dẫn cách trồng, cách ủ đất. Chị Đặng Thị Gái, một chủ cửa hàng thâm niên bán cây cảnh hơn 20 năm ở  phố Hoàng Hoa Thám cho biết: Mua bán cây, hoa ở chợ Bưởi cây cảnh xưa hay chợ phố Hoàng Hoa Thám ngày nay chủ yếu là thuận mua vừa bán. Chợ vừa mang nét thanh lịch của Hà Nội, vừa mang sự bình dị, mộc mạc, dân dã của phiên chợ quê xưa. Đó chính là nét độc đáo của chợ phiên này.

Ông Trần Văn Hùng, nhà ở đường Hoàng Hoa Thám, là người yêu thích trồng hoa phong lan chia sẻ: “Tôi có thói quen đi chợ Bưởi đã nhiều năm nay, giờ đi chợ phố, tôi vẫn thường chọn mua ở đây rất nhiều các loại phong lan về trồng, gây giống. Ngoài các loại phong lan được các chủ vườn mang đến bán, có rất nhiều loại lan được khai thác từ rừng. Đây cũng là loại hoa khó trồng, phải am hiểu và biết cách chăm sóc mới có thể sinh trưởng tốt, ra được hoa”.

Người đi chợ mua cây cũng phải có kinh nghiệm. Theo chân anh Nguyễn Hữu Chinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội), người thường lên đây mua cây hằng tuần chia sẻ: “Đi chợ chớ ham cây rẻ, bầu đất nơi gốc cây hoàn toàn là đất mới thì nên tránh. Vì theo kinh nghiệm của tôi, mua về có thể là cây bị đứt rễ, trồng vài hôm là héo rũ. Người sành khi mua cây ngoài việc chọn dáng vẻ cây có màu tươi còn phải chú ý đến bầu đất. Cây gốc phải được người làm vườn ra ngôi sẵn từ cách đó ít hôm hoặc trồng vào chậu đất một thời gian. Có như vậy mang về nhà trồng mới sống tốt và khỏe...”.

Tuy nhiên, các loại cây giống, cây cảnh hay cây hoa được bán ở chợ Bưởi chỉ là những loại thông thường. Nếu muốn mua các loại cây giống, cây thế, cây hoa quý hiếm thì tốt nhất phải tìm đến tận các nhà vườn chuyên nghiệp mới được ưng ý. Đó là lời chia sẻ của bác Vũ Quang, người đã có thâm niên bán cây giống tại đây.

Dạo quanh một vòng phiên chợ phố, tôi tình cờ gặp chị Nguyễn Phương Lan, chuyên bán cây cảnh trang trí tại 671 Hoàng Hoa Thám, đang nắn nót tỉa cành, tưới nước cho cây, chuẩn bị hoàn thành các công đoạn trước khi giao cây cho khách. Trong lúc trò chuyện, chị Lan cho biết, kinh doanh cây cảnh muốn lâu bền phải luôn kinh doanh bằng cái tâm. Với quan điểm của những người mới bắt đầu tham gia vào thú chơi cây thì người mua thường có tâm lý lo lắng, sợ cây khó chăm, dễ chết cũng như không biết chọn cây tốt.

Chị Lan chia sẻ: “Một, hai lần chưa quen thì những lần sau sẽ quen, lần nào khách tới mua, tôi cũng dặn dò khách cách chăm sóc tùy theo điều kiện sinh sống và loại cây. Thực ra khi đã biết qua rồi sẽ thấy đơn giản lắm. Cây cũng như người, có cây “khó tính” có cây lại rất dễ chăm, cây ưa tưới nhiều, cây cả tuần, cả tháng mới phải tưới một đến hai lần, chăm sóc bón phân cũng ở một liều lượng nhất định. Cây cối phải có bàn tay tưới tắm, chăm sóc, quan tâm tới sẽ phát triển rất tốt và bền, chơi được lâu. Chơi cây cảnh cũng là một cách để dưỡng thần, nghỉ ngơi sau những giây phút mệt mỏi, giúp tâm bình khí hòa, hướng con người tới những điều chân-thiện-mỹ”.

Trong vòng hai đến ba năm nay, chị Lan cũng như hầu hết các tiểu thương đang buôn bán tại chợ phố cây cảnh có chung nhận xét, nhu cầu trang trí, làm đẹp nhà cửa, mua cây cối của mọi người giảm đi nhiều do kinh tế khó khăn, dịch bệnh phức tạp. Ngày nào cũng vậy, buổi sáng từ 8 đến 9 giờ chị Lan mới bắt đầu mở hàng, chiều 17 giờ 30 phút đến 18 giờ lại thong thả dọn hàng.

“Khách dạo này ít lắm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tình hình chung là như vậy, cho nên mình cũng cố gắng thôi, khắc phục qua thời gian này có thể sẽ cải thiện hơn. Bây giờ, chủ yếu mình trông chờ vào lượng khách quen, vẫn phải duy trì để giữ khách và giữ cả cái nghề. Người bán bằng cái tâm thì luôn tự tin rằng chắc chắn khách sẽ quay lại. Dạo gần đây mình có kết hợp công nghệ số, bán cây online để đỡ thêm phần nào”, chị Lan bộc bạch.

Hơn 15 năm bán cây ở trên dọc đường Bưởi-Hoàng Hoa Thám này, gặp đủ các kiểu người mua hàng, có những vị khách rất thú vị, để lại trong người bán những ấn tượng sâu sắc mà mười mấy năm bán hàng vẫn không thể nào quên. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lan nhớ mãi vị khách là một cô giáo ở Bắc Ninh. Đây là một vị khách rất am hiểu và có kiến thức tường tận về cây cảnh nhưng lại rất kỹ tính.

Cũng phải sau một khoảng thời gian tư vấn thì cuối cùng chị Lan cũng đã “chiều lòng” được cô giáo, không những vậy còn cung cấp được cho khách nhiều loại cây quý với doanh thu lên tới cả tỷ đồng. Những vị khách như vậy, theo chị Lan, tuy ban đầu có khó tính và mất công trong việc thuyết phục, nhưng khi đã quen thuộc và tin tưởng thì họ sẽ trở thành khách quen và quý mến chủ hàng.

Không chỉ mua được cây cảnh, vật nuôi, ngay đầu lối vào đường Hoàng Hoa Thám, các hộ kinh doanh còn có bán kèm cả đất trồng, chậu trồng cây, phân bón để người yêu cây cảnh có thể trồng và chăm sóc cây tại nhà. Người bán tại đây rất thân thiện, dễ gần. Đã thích, gặp người yêu cây, họ có thể  còn giảm giá khá sâu. Người mua dễ tính, người bán cũng nhẹ nhàng, cho nên cách mua bán ở những phiên chợ độc đáo đất Hà thành thật bình dị, gần gũi.

Theo MINH NGHĨA  (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.