"Chở" chữ lên đỉnh Pờ Yầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không để những đứa trẻ Bahnar trên đỉnh Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) chịu cảnh thất học, những giáo viên Trường Tiểu học Lơ Pang đang từng ngày băng rừng để gieo chữ ở nơi còn nhiều gian khó này.

Gieo chữ trên núi cao

Điểm trường ở làng Pờ Yầu nằm tách biệt trên ngọn núi Pờ Yầu. Muốn đến được đây phải vượt hơn 16 km đường rừng với những con dốc cao chót vót, những vách đá cheo leo, nhất là vào mùa mưa đường trơn như đổ mỡ. 6 giờ sáng, chúng tôi cùng 3 thầy cô khởi hành từ Trường Tiểu học Lơ Pang đến điểm trường Pờ Yầu. Những bộ quần áo phẳng phiu, sạch sẽ được các thầy-cô giáo bỏ gọn trong túi xách, thay vào đó là bộ quần áo cũ ngả màu đất đỏ cùng đôi ủng và một số dụng cụ sửa xe... để bắt đầu cho hành trình “chở” chữ lên đỉnh Pờ Yầu.

 

Các thầy-cô giáo phải vượt qua đoạn đường rừng lầy lội để đến với điểm trường Pờ Yầu. Ảnh: N.T
Các thầy-cô giáo phải vượt qua đoạn đường rừng lầy lội để đến với điểm trường Pờ Yầu. Ảnh: N.T

Trước khi đi, cô Thái Thị Hòa-giáo viên Mầm non điểm trường làng Pờ Yầu, nhắc khéo: “Các anh P.V đi phải theo sát thầy cô để lỡ có rơi xuống hố hay gặp nạn trên đường thì chúng tôi còn kịp thời giúp đỡ. Chúng tôi đi quen rồi, nhưng mỗi lần đi làm đều mang theo nhiều nỗi lo như ngã xe, xe hỏng hóc và cả lo trời mưa…”.

Theo chân các giáo viên, chúng tôi chạy xe máy hơn 3 km đường nhựa là rẽ vào chân núi và bắt đầu hành trình vượt rừng chinh phục đỉnh Pờ Yầu. Theo sự sắp xếp, thầy Hiệp (30 tuổi) là thanh niên nên sẽ đi trước, các thầy cô sẽ nối theo sau. Chúng tôi bắt đầu men theo những con đường rừng trơn trượt, bên cạnh là vực sâu hun hút, chỉ cần một giây lệch tay lái là có nguy cơ lao xuống vực ngay. Đoạn đường hơn 16 km với liên tiếp là những con dốc dựng đứng, gập ghềnh. Có lẽ đã quen với cung đường này nên trong đôi mắt các thầy-cô giáo vẫn ánh lên vẻ tự tin, họ vẫn vô tư cười đùa, nói chuyện.

Vượt hơn 2/3 đoạn đường rừng, chiếc xe của cô Nguyễn Thị Hân (37 tuổi) lao xuống một cái hố sâu, rồi cô cũng ngã nhào theo. Đoàn vội dừng lại và cùng nhau nhấc chiếc xe lên. Cô Hân cười: “Chuyện này là bình thường, lúc nào đi vào điểm trường cũng phải ngã vài lần. Những lúc mưa gió, đường trơn chúng tôi chỉ dám gài số rồi dắt xe…”.

Cứ thế, đoàn chúng tôi vượt đoạn đường rừng 16 km nhưng phải mất đến hơn 2 giờ đồng hồ mới đến được với điểm trường Pờ Yầu. Lũ trẻ vui mừng í ới nhau ra đón thầy cô. Nhìn các em, ai cũng như quên hết mệt nhọc.

Lắm nỗi nhọc nhằn

Điểm trường làng Pờ Yầu có 4 lớp học (3 lớp ghép 2, 3; 1 lớp ghép lớp 1 và lớp 4; 1 lớp Mẫu giáo) với hơn 100 em học sinh Bahnar. Vì giao thông đi lại khó khăn nên hầu như đời sống bà con trong làng đều thiếu thốn, cuộc sống chủ yếu là tự cung, tự cấp. Chính vì vậy, việc học của con em cũng chưa được bố mẹ quan tâm. Các thầy-cô giáo ở điểm trường Pờ Yầu phải rất vất vả để đi tuyên truyền, vận động các em đến trường. “Đây là năm thứ 2 tôi được trường phân công lên dạy ở điểm trường làng Pờ Yầu. Lần đầu cách đây 4 năm. Hồi ấy bốn bề là rừng núi, bà con nơi đây cũng khó khăn. Từ khi được dạy chữ, trẻ em trên này đã biết đọc, biết viết. Nhưng việc vận động trẻ đến lớp vẫn còn là câu chuyện nan giải. Bởi, bà con cứ đi làm rẫy thường dẫn con theo. Đầu năm học, học sinh thưa thớt lắm. Vào mỗi buổi tối, các thầy cô phải đến nhà học sinh tuyên truyền, vận động để bà con hiểu lợi ích của việc học tập, từ đó tạo điều kiện cho con mình đi học”-cô Thái Thị Hòa chia sẻ.

 

Thầy Nguyễn Văn Đắc-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lơ Pang: “Pờ Yầu là điểm trường xa nhất của xã Lơ Pang. Các thầy cô lên đó đa số đều trẻ tuổi, nhiệt huyết với công việc, có tâm với nghề. Biết là gian khổ nhưng vì sự nghiệp giáo dục, chúng tôi luôn động viên các giáo viên cố gắng”.

Thầy Chhơr-giáo viên dạy lớp 3 cho biết: “Vì ở tách biệt với cuộc sống xung quanh nên các em học sinh thường nhút nhát. Những thầy cô vào đây dạy phải học tiếng Bahnar để trò chuyện với các em rồi mới dần dần dạy tiếng Việt. Không những thế, các thầy cô ở điểm trường phải tự góp tiền mua vở để phát cho các em, chứ cha mẹ các em thì làm gì có tiền mua”.

Vì điểm trường nằm tách biệt nên các thầy cô đa số ở lại cuối tuần mới về. Cô Nguyễn Thị Hân-giáo viên dạy lớp ghép 1-4 bộc bạch: “Những giáo viên ở đây đều sống xa nhà. Bản thân mình có 2 con nhỏ đang học Mẫu giáo, mọi gánh nặng gia đình đều đặt lên vai chồng. Có lần chồng gọi bảo con sốt cao nên nhập viện nhưng đường sá xa xôi, lòng mình nóng như lửa đốt mà không về được. Biết công việc đặc thù của vợ nên chồng mình cũng cảm thông, chia sẻ để mình yên tâm công tác. Tuy khó khăn là vậy, nhưng ở đây các em học sinh đều chăm ngoan, rất vâng lời thầy cô nên cũng đỡ đi phần nào sự vất vả”.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.