Chinh phục Bạch Mộc Lương Tử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Điều đầu tiên thu hút tôi trong hành trình chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử là khi biết người đồng hành với mình là cô bé 10 tuổi. Em tên Phông, thân hình nhỏ thó với hành trang lên cái đích 3.046m là đôi dép tổ ong cũ mèm. Hôm nay, Phông đi cùng bố là Trang A Tủa, một porter (người dẫn đường) có tiếng trên đỉnh núi cao thứ 4 tại Việt Nam này.

Đỉnh 3.460 mét khắc tên Trang A Tủa

 

 

Từ khi 6 tuổi, ngoài các buổi đến lớp, Phông theo bố trong mỗi hành trình dẫn khách leo 3 ngày 2 đêm trên núi Bạch Mộc Lương Tử để phụ nấu nướng. Hôm ấy, Phông đeo 1 chiếc balo cam, đó là món đồ mà em yêu thích nhất khi được các đoàn “phượt” trước tặng. Cô bé diện chiếc quần bò xanh và áo khoác mùa đông ấm áp, đẹp chẳng khác các bạn dưới xuôi. Ánh mắt và mái tóc đen nhánh của em phảng phất hương vị núi rừng - nét ngây thơ, mộc mạc đến tự nhiên người ta hay thấy ở những đứa trẻ vùng cao.

Cô bé theo bố dẫn khách đi rừng còn 1 nhiệm vụ khác cao cả hơn, là trở thành trợ lý thính giác. A Tủa bị nặng tai, đấy là di chứng để lại sau nhiều năm vào rừng làm nghề đốn cây, xẻ gỗ thuê. “Tiếng cưa máy nó ám ảnh” - anh nói khi chúng tôi qua nhiều đoạn rừng đang bị khai thác. Đôi tai của anh mất dần chức năng vì phải nghe tiếng cưa máy ồn ã trong một thời gian khá dài. Vì thế, A Tủa dẫn con gái đi cùng để trở thành người liên lạc tiện nói chuyện với khách leo núi, và cho con quen với núi rừng.

Nhìn Tủa, không ai nghĩ anh mới 32 tuổi. Sương gió núi rừng Bạch Mộc theo những tháng ngày lặn lội lên rừng làm nghề xẻ gỗ thuê khiền Tủa già hơn tuổi. Hình như, bấy nhiêu những lo toan mưu sinh và trách nhiệm của 1 người trụ cột trong gia đình hiển hiện trên thớ da, giọng nói của người đàn ông ấy. Duy chỉ có nụ cười rất đỗi tự nhiên của Tủa thì vẫn còn trẻ lắm, giống như chúng tôi vậy, những người trẻ đam mê núi rừng sung sướng khi được đứng trên đỉnh của Bạch Mộc.

Xa rời tiếng cưa máy, A Tủa vẫn lên rừng mỗi tuần. Và rồi, khi trào lưu xê dịch trong giới trẻ phổ biến hơn, nhiều người mở ra và chinh phục những trải nghiệm khó như leo núi thì những người như A Tủa có thêm kế sinh nhai với 1 nghề tên rất Tây - “nghề porter”. Có thể hiểu đó là người dẫn đường, khuân vác đồ kiêm nấu ăn, phục vụ khách du lịch.

Xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát, Lào Cai) nơi A Tủa sống có đỉnh Bạch Mộc Lương Tử hùng vĩ, quanh năm mây phủ. Người đàn ông 32 tuổi này cũng là một trong những người đầu tiên dẫn khách chinh phục đỉnh núi cao thứ 4 của Việt Nam. Dưới chân chóp trên đỉnh 3.460m cũng khắc tên Trang A Tủa như để ghi công porter người Mông mở ra cung đường du lịch mạo hiểm bậc nhất Việt Nam.

Chẳng là từ sau khi có dự án xây dựng hệ thông cáp treo lên đỉnh Fansipan, Bạch Mộc bỗng nhiên trở thành địa điểm thu hút nhiều phượt thủ ưa thích vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ. Ở nơi đây vẫn chưa có dấu vết của ngành công nghiệp không khói. Tủa nói, trong xã có khoảng 20-30 porter thường xuyên làm công việc như anh. Và nó đang trở thành nghề dễ kiếm tiền nhất ở đây. Thế nhưng, nếu không thông thạo địa bàn, không biết cái chữ, cái công nghệ và một niềm đam mê, không phải ai cũng làm được.

A Tủa nói rằng, mỗi tháng anh chỉ cần dẫn từ 6-8 đoàn khách là thu nhập thoải mái cho gia đình 4 người nơi vùng cao. Có những tuần đông khách, anh nhường khách lại cho em trai và những porter khác. Thông thường, mỗi chuyến leo núi kéo dài 3 ngày, anh thu được từ 900.000 đồng -1 triệu đồng/ chuyến. Tính ra vào khoảng 300.000 đồng/ ngày. Ngoài ra, nếu sự nhiệt tình của Tủa được khách ghi nhận, anh cũng có thêm khoản “boa” bằng tiền hoặc các đồ kỷ niệm. Với Tủa, anh thích những đồ kỷ niệm. Bởi đó là những vật dụng anh có thể dùng cho mỗi chuyến đi tiếp theo.

Trong chiếc gùi nhựa màu hồng do người Kinh sản xuất, A Tủa mang theo 1 con gà, một ít rau kèm gạo là lương thực để phục vụ khách. Mỗi con gà mang lên núi được chế biến thành món có giá 300-400.000 đồng, gạo và rau thì Tủa cũng như các porter khác miễn phí cho khách. Ngoài ra, Tủa gùi luôn cả những chiếc balo của khách, những người muốn trút bỏ mọi thứ nặng nhất trên người có thể trước khi lên đỉnh.

Giữ bằng được Bạch Mộc Lương Tử nguyên sơ

 

Trang A Tủa trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử.
Trang A Tủa trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử.

Porter đã thành nghề chính của A Tủa và những người phất lên như A Tủa nhờ nghề porter không phải hiếm. Dẫn đường cho khách du lịch bụi đang là 1 nghề hot không chỉ ở Sàng Ma Sáo, mà còn tại các bản khác ở Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái quanh khu vực chân núi các đỉnh cao nhất Việt Nam như: Putaleng, Pusilung, Khang Su Văn, Tà Chì Nhù, Nhìu Cô San… Những người đàn ông trước đây quanh năm chỉ biết vào rừng xẻ gỗ thuê, trồng ít lúa, màu trên nương, năm được mùa, năm mất giờ có thêm lựa chọn công việc mới nhàn hơn, an toàn hơn, thu nhập tốt hơn.

Những người đàn ông với bắp chân rắn, khoẻ, thể lực bền bỉ, ăn suối, ngủ rừng, khả năng sinh tồn đáng nể, với vốn tiếng Việt chưa sõi, giờ đang tập làm quen với các thiết bị công nghệ. Họ lập facebook chia sẻ hình ảnh các chuyến đi. Họ tìm và liên hệ với khách, tham gia các nhóm porter để chia sẻ và giới thiệu các đoàn leo với nhau. Họ tập dùng máy ảnh, chọn các góc ảnh đẹp nhất trên đường leo để ghi lại những khoảnh khắc đẹp cho khách hàng.

A Tủa có cả 1 trang facbook riêng. Đấy là món quà lớn nhất với Tủa kể từ khi dẫn khách đến nay. Anh được những khách du lịch lập giúp facebook, rồi từ đó dần tiếp cận với mạng xã hội. Anh được hướng dẫn để tham gia vào hội đam mê leo núi, hội chinh phục đỉnh cao Việt Nam... để giao lưu và nhận khách. Chiếc điện thoại smartphone mua dưới Sapa với giá hơn 4 triệu đồng chính là cần câu cơm đang nuôi sống anh với gia đình. Nói là thạo công nghệ nhưng A Tủa cũng như nhiều porter khác chỉ sử dụng theo thói quen và bản năng. A Tủa biết chụp ảnh bằng điện thoại, thế là đủ để làm dịch vụ. Bởi lẽ, cái chữ người Kinh Tủa còn chưa thạo lắm nên không nhắn tin bằng chữ thường xuyên với khách được, thay vào đó là những tin nhắn thoại.

Trên đường leo đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, A Tủa cùng 20 porter khác chọn khu đất rộng, bằng phẳng, gần con suối chảy qua, dựng lên lán gỗ đủ chỗ cho 80-100 người ngủ lại qua đêm trên đoạn 2.100m. Họ phục vụ ăn uống, chỗ ngủ nghỉ, vệ sinh, tắm nước nóng ngay trên núi. Không được ăn học qua trường lớp, đào tạo về du lịch nào, nhưng họ vẫn cố gắng từng ngày để phục vụ tốt nhất những “thượng đế” của mình. Ở đây, phí nghỉ qua đêm là 70.000 đồng/ người/đêm. Mỗi xô nước nóng để khách tắm, vệ sinh cá nhân được thu phí 50.000 đồng.

Bé Phông hay được khách cho kẹo trong mỗi chuyến đi. Bằng kinh nghiệm lên vùng cao của mình, tôi cũng chuẩn bị một ít kẹo cho cô bé ăn dọc đường. Và như một phản xạ tự nhiên, Phông bóc kẹo rồi nhét ngay vỏ nilong vào túi nhỏ. Bố cô bé dặn không được vứt rác ra rừng. Toàn bộ rác thải trong suốt chuyến đi cũng được A Tủa gói ghém cẩn thận rồi đốt để tiêu huỷ. Đó là luật bất thành văn của những người dẫn đường. Họ phải giữ bằng được hình ảnh 1 đỉnh Bạch Mộc Lương Tử nguyên sơ, đẹp tựa thiên đường với biển mây mỗi buổi sớm. Bởi lẽ, đó cũng là nguồn sống của họ vào lúc này.

Những người như A Tủa đơn thuần là làm du lịch tự phát. Họ không được quản lý trong 1 tổ chức, lại càng không có “giấy phép hành nghề”. Tất cả những gì họ đảm bảo cho một chuyến đi chỉ là niềm tin từ cái chân chất núi rừng với những người xuôi đam mê khám phá. Rồi 1 ngày, khi con đường lên Bạch Mộc quyến rũ hơn và ngành du lịch sẽ chạm tay tới. Tôi tự hỏi rằng, khi có bàn tay con người, khi con đường lên Bạch Mộc rồi sẽ “công nghiệp hoá”, những porter như A Tủa rồi sẽ về đâu?

Đấy là chuyện của tương lai. Còn bây giờ, điều duy nhất mà tôi thấy sau những chuyến đi ấy, A Tủa có cuộc sống hạnh phúc. Anh đã sắm thêm chiếc xe máy mới cho gia đình. Tết này, cả nhà sẽ xuống Sapa bằng chiếc xe ấy. Còn chiếc xe cũ từ trước giữ lại cho những sinh hoạt hằng ngày hoặc để đi rừng. A Tủa kể, anh còn mua được máy khâu cho vợ làm ở nhà, sửa sang nhà cửa, mua thêm đôi lợn…

Tết này, Phông sẽ có áo mới đi chơi và được ăn những món ngon ngày Tết. Sẽ không còn là củ khoai, bắp ngô mà sẽ là thịt, là giò, là bánh… những thứ mà với nhiều đứa trẻ vùng cao vẫn là ao ước. A Tủa muốn con học cái chữ để hơn mình, nhưng vẫn dẫn bé đi rừng. Anh nói, những người sinh ra từ rừng núi, sống nhờ cái sương gió nơi đây thì phải cảm nhận được cái chất của đỉnh Bạch Mộc đầy thi vị này.

Xu Kiên/laodong

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.