Chìm trong cơn sốt đất - Bài 1: Quay cuồng "bão" sốt đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

LTS: Hiện nay, cơn sốt đất bùng lên khắp nơi, sốt từ đất ở đến đất rẫy, đất lúa, đã kéo nhiều người đi săn lùng, sục sạo để chuyển nhượng. Hễ có một thông tin về dự án hạ tầng như cao tốc, cây cầu, sân bay, khu dân cư mới hoặc một đại gia nào đó đến khảo sát… dễ dàng biến thành “mồi lửa” cho cơn sốt đất bùng cháy.  

 

Ruộng lúa ở thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang được máy móc san lấp, tạo mặt bằng để phân lô bán nền. Ảnh: VĂN THẮNG
Ruộng lúa ở thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang được máy móc san lấp, tạo mặt bằng để phân lô bán nền. Ảnh: VĂN THẮNG



Miền Trung thừa bão, lắm lũ, nhiều cát nhưng giờ đây nhiều nơi đắm mình trong “cơn bão” khác, đó là sốt đất. Chẳng ai giải thích nổi, tại sao những lô đất cát trắng, nắng chang chang lại được người dân chen nhau đấu giá, đẩy giá đất cao vút.

Đủ trò “thổi giá”

Từ đầu năm nay, thị trường nhà đất tại tỉnh Quảng Nam sôi động trở lại sau thời gian im ắng do dịch Covid-19. Dọc đường Nguyễn Gia Thiều (thị xã Điện Bàn) dài chưa đầy 500m nhưng có hơn 20 kiốt bằng thùng container, lều bạt dựng trên vỉa hè, bên ngoài dán đủ loại thông tin về nhà đất.

Chị H., tầm 40 tuổi, bước ra từ một kiốt giới thiệu, Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có vị trí tiềm năng nên giá đất nền tăng cao, nhiều khu vực có vị trí đẹp tăng 300 triệu đồng so với trước tết. “Lô diện tích 150m2, giáp đường quy hoạch rộng 17,5m, trước tết giá 2,3 tỷ đồng, hôm qua khách mua 2,5 tỷ đồng; lô nằm trên trục đường lớn giá bán hiện tại là 3 tỷ đồng nhưng còn thương lượng. Em cứ đặt cọc với chủ đất, thích săn hàng đầu cơ thì chị bán “lướt sóng” (bán sang tay trước khi công chứng sang tên)”, chị H. nói.

Lấy cớ để nghiên cứu thêm, chúng tôi tạm biệt chị H. và tiếp cận 2 thanh niên môi giới nhà đất cách đó không xa. Thấy chúng tôi hoài nghi với thị trường nhà đất khu vực thị xã Điện Bàn đang sốt “ảo”, một trong 2 thanh niên trấn an: “Sau tết, có hàng ngàn khách hàng thực hiện giao dịch công chứng đất tại thị xã Điện Bàn, giá đất sôi xình xịch. Có ngày 10 đến 20 giao dịch là thường”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi kiểm chứng một nhân viên văn phòng công chứng tại thị xã Điện Bàn thì được biết, số lượng hợp đồng chuyển nhượng đất thời gian gần đây không tăng đột biến.

“Có thể là chiêu trò thổi giá đất của cánh môi giới. Họ tung tin đất sốt để làm giá, môi giới kiếm lời”, vị này nhận định.

Thông tin về dự án cầu Thuận An và đường ven biển Thừa Thiên - Huế thu hút giới đầu tư khắp nơi đổ về khu vực bãi ngang ven biển Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) và Hải Dương (TP Huế) - có tuyến đường ven biển đi qua.

Tìm đến một “văn phòng” môi giới nhà đất, chúng tôi được Lê Quang Thanh, khoảng 30 tuổi, ở TP Huế, tiếp chuyện: “Muốn đầu tư đất tầm bao nhiêu để tư vấn cho nhanh?”. Vừa nói, Thanh vừa mở máy điện thoại, cho chúng tôi xem tấm hình có cây cầu như cầu Cần Thơ, phía bên kia là khu đô thị sang trọng với những tòa nhà chọc trời.

Thanh liến thoắng: “Hình hài khu đô thị Hải Dương sau khi xây cây cầu bắc qua cửa biển Thuận An, nối Thuận An với Hải Dương thì đẹp khỏi nói. Mua xong, khi máy móc triển khai thi công dự án cầu Thuận An và đường ven biển Thừa Thiên - Huế là anh có lời tiền tỷ ngay và luôn”.

Tại tỉnh Quảng Trị, sau đợt sốt chóng vánh, giá đất tại TP Đông Hà chững lại và giảm dần nhưng khu vực nông thôn giá đất lại tăng đột biến. Sự việc càng “nóng ran”, thu hút nhiều người chú ý khi trên mạng xã hội lan truyền clip quay cảnh hàng trăm người thực hiện giao dịch 12 lô tại thôn Hà Xã (xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) với giá 650-790 triệu đồng/lô.

Tìm đến nơi, chúng tôi thấy khu đất nằm trong khu dân cư thưa thớt, vừa san lấp mặt bằng, cắm cọc phân định ranh giới khoảng cách từng lô 5-6m, bám theo đường bê tông rộng 1m. Ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, cho biết, những người có mặt trong clip đa số từ địa phương khác và được nhận định là “cò đất”; 12 lô đất là thuộc 3 mảnh đất có diện tích 1.500m2, được chính quyền cấp sổ đỏ cho người dân địa phương từ lâu.

“Hô biến” đất nông nghiệp thành đất ở

Cơn sốt đất khiến nhiều người tìm về những vùng xa xôi hẻo lánh đầu cơ, san lấp trái phép. Thậm chí có đầu nậu đã mua đất nông nghiệp rồi thuê san lấp trái phép để lấn chiếm đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế để phân lô bán nền.

Ông Hoàng Trọng Huy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, cho biết, việc cho đổ đất đá san lấp mặt bằng “lụi” tại khu đất nêu trên là ông Nguyễn Quang Hải, trú tại Hà Nội, nhận chuyển nhượng từ hộ ông Nguyễn Quốc Thế có diện tích gần 1.000m2, chủ yếu đất nông nghiệp. Sau đó, các đối tượng thuê xe chở đất đá san lấp trái phép, làm cho lô đất “phình ra” thành 1.500m2.

 

 Kiốt giao dịch bất động sản trái phép mọc lên như nấm sau mưa tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Kiốt giao dịch bất động sản trái phép mọc lên như nấm sau mưa tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG


Tại huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) nở rộ tình trạng các “cò” dịch vụ chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở với giá 700 triệu đồng/150-300m2, chi phí ra giấy chủ quyền thì chủ đất tự nộp 1,4 triệu đồng/m2. Chị N.T.L. (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cho biết, những khu đất vườn có tin đồn sẽ chuyển được sang đất ở dẫn đến tăng giá bất thường, có lô qua vài lần chuyển nhượng giá đất tăng lên 2-3 lần.

“Khu đất tại Hòa Liên 5 dao động 1,3-2 tỷ đồng/lô (100-150m2) nhưng nay tăng lên 2,5-4 tỷ đồng/lô. Họ còn tung tin đồn khiến bà con cảm thấy những khu đất chỗ này rất đắt giá. Người có đất thì kiếm mối để bán giá cao, người không có đất thì vay mượn để mua bán với mộng làm giàu nhanh”, chị L. nói.

Không kìm được hấp lực của cơn sốt đất, có trường hợp lừa đảo bán khống đất nông nghiệp để chiếm đoạt tiền tỷ. Dù biết là đất ruộng nhưng một đối tượng đã lừa chị P.T.L.T. (48 tuổi, trú tổ 36 phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đặt cọc 450 triệu đồng mua lô đất 102m2; rồi nhận 470 triệu đồng của chị V.T.H. (42 tuổi, ngụ phường An Khê, quận Thanh Khê) đặt cọc mua 2 lô. Đối tượng còn cam kết có thể xây nhà trái phép và chuyển thành đất ở. Với thủ đoạn là giá bán rẻ chỉ bằng 50% so với thị trường nên khiến nhiều người dân “sập bẫy”. Trong khi đó, các thửa đất nông nghiệp rao bán đều thuộc UBND phường Hòa Khánh Nam quản lý, hoặc nhiều thửa không có trong thực tế.

Ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết, hầu hết thông tin về đất đai trên địa bàn đăng tải trên mạng xã hội đều không được kiểm chứng và sai trái. Trong khi, kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện không có nội dung chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo NHÓM PV (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.