Chim trời phiêu du ký: Du lịch xem chim tại sao không ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việt Nam hiện là quốc gia có quần thể chim đa dạng chỉ sau các quốc gia Nam Mỹ. Trong khi hầu hết người Việt chưa hề đi du lịch xem chim, thì du khách quốc tế háo hức đến Việt Nam để được ngắm chim.
Với gần 900 loài chim, trong số đó khoảng 70 loài có tầm quan trọng đặc biệt, quần thể chim ở Việt Nam đa dạng chỉ sau các quốc gia Nam Mỹ (Nam Mỹ có hơn 1.000 loài, trong đó Peru có tới 1.500 loài). Cùng với Thái Lan, Indonessia, Malaysia thì Việt Nam gần đây trở thành điểm đến của giới mê chim và điểu học.
 
Đoàn du khách nước ngoài đi xem chim, chụp chim VN
Đoàn du khách nước ngoài đi xem chim, chụp chim VN
Du khách “điên khùng” dễ thương
Giới xem chim hay dùng từ “crazy lovely”, ý nói những người xem chim là điên điên khùng khùng, nhưng dễ thương. Có những người phải bỏ ra số tiền lớn để đi khắp các quốc gia có nơi xem chim hoang dã. “Với những người đã xem khoảng 5.000 loài chim trên thế giới, để xem thêm được một loài mới có thể phải bỏ ra đến 10.000 USD”, ông Nguyễn Hoài Bảo, một trong những nhà điểu học hàng đầu Việt Nam, Giám đốc Vietnam Wildtour, công ty có thị phần lớn nhất về tổ chức các tour đưa khách đi xem chim hiện nay, cho biết. Theo tìm hiểu, giá tour xem chim tại Việt Nam dành cho du khách nước ngoài từ vài triệu đồng một người với chuyến đi từ 1 - 2 ngày. Những tour dài ngày lên đến vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng nếu kéo dài cả tháng cho du khách muốn xem cả vùng chim đặc hữu.
Khách nước ngoài đến Việt Nam xem chim trước đây chủ yếu từ châu Âu như Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và châu Mỹ, châu Úc. Gần đây xuất hiện thêm du khách châu Á như Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ... đến Việt Nam chụp ảnh chim hoang dã. Hầu hết khách du lịch xem chim là những người trí thức, lớn tuổi, đã nghỉ hưu nên có nhiều thời gian, không phải bận tâm về việc kiếm tiền. Xem chim không chỉ là thú vui rất tốn kém mà còn phải khổ công. “Họ chấp nhận gian khổ để băng rừng, lội suối, bất chấp nắng mưa để đi theo tiếng gọi của chim hoang dã. Có khi trong hành trình, họ phải ăn tạm bánh mì, trái chuối, gói xôi lót dạ”, anh Nguyễn Hào Quang, hướng dẫn viên Vietnam Wildtour, chia sẻ.
Trước khi đến Việt Nam, du khách thường tìm hiểu trước trên các trang thông tin. Một số bài viết hay, đặc sắc được đăng trên các diễn đàn du lịch xem chim sẽ là kim chỉ nam để họ hình dung việc du lịch xem chim ở Việt Nam như thế nào, ai sẽ là người tổ chức dịch vụ tốt, chuyên nghiệp, giá cả phải chăng để đặt chuyến đi. Tour du lịch xem chim sẽ được thiết kế theo yêu cầu riêng của từng khách tùy thuộc vào thời gian, địa điểm, giá cả, phân khúc thị trường…, và quan trọng nhất là loài chim nào du khách muốn xem. Có người gửi danh sách 10 - 15 loài chim và yêu cầu chỉ cần thấy chúng, còn đi đâu, làm gì công ty du lịch tự tổ chức.
“Niềm đam mê chim của họ thật kỳ lạ. Có những người nói mình là dân amateur đi xem chim mà kiến thức về chim còn giỏi hơn cả những giáo sư điểu học”, ông Nguyễn Hoài Bảo nói. Nhiều du khách đến Việt Nam xem chim không chỉ trải nghiệm du lịch ở những nơi có nhiều chim độc lạ, đặc hữu, quý hiếm, ở các vườn quốc gia có phong cảnh đẹp, mà họ còn như một sứ giả của thiên nhiên, môi trường. “Họ yêu cầu đến những nơi có môi trường trong lành, sạch sẽ, rừng được bảo vệ tốt, người dân thân thiện…”, anh Nguyễn Hào Quang chia sẻ thêm.
 
Chim mỏ rộng đỏ, một trong những loài chim đẹp thu hút du khách
Chim mỏ rộng đỏ, một trong những loài chim đẹp thu hút du khách
Loại hình du lịch hái ra tiền
Nhiều nước trên thế giới coi loại hình du lịch ngắm chim, chụp ảnh chim là nền công nghiệp không khói hái ra tiền. Vì thế họ đầu tư một cách bài bản, tổ chức tour xem chim rất chuyên nghiệp để thu hút du khách.
Ông Tăng A Pẩu, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng chụp chim hoang dã, kể lại cách làm du lịch xem chim ở những nước ông đến thật thú vị. Tại khu bảo tồn các loại chim như cắt, diều, đại bàng, cú tuyết bắc cực Snowy Owl, cú xám phương bắc mang tên Victoria ở Toronto (Canada), du khách phải đăng ký trước hàng tháng và mua vé 150 USD để được xem chim, biểu diễn chim trong vòng 3 giờ. Còn ở vườn quốc gia thuộc Baihualing (Trung Quốc), hàng ngàn du khách đổ về hàng trăm bãi chim bán hoang dã để ngắm và ghi ảnh các loài chim đặc sắc dưới chân núi tiếp giáp dãy Himalaya. Đó là nền công nghiệp “du lịch chim” đúng nghĩa. Nó giúp người nông dân đổi đời vì tự khắc biến thành chủ bãi (site-hide) chăm sóc, bảo vệ chim để có những vụ mùa chim bội thu hơn nhiều lần làm nông nghiệp thuần túy. Không đâu xa, Thái Lan có cả một “nền công nghiệp không khói” hốt tiền từ việc tổ chức tour chụp ảnh, xem chim. Họ còn biết tổ chức những sự kiện thể thao như chạy marathon quảng bá cho loài chim vừa tìm thấy.
 
VN có nhiều loài chim đẹp. Ảnh: TĂNG A PẨU
VN có nhiều loài chim đẹp. Ảnh: TĂNG A PẨU
“Chim là bạn của người. Chim có thể làm giàu cho người nếu biết gìn giữ chúng và khai thác bằng hình thức xem chim (bird photo tour và birdwatching tour)”, ông Tăng A Pẩu bày tỏ.
Ngay cả Campuchia, chính phủ nước này cùng với Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) và cộng đồng địa phương đã lập ra chương trình bảo tồn loài quắm lớn và quắm cánh xanh kết hợp với du lịch sinh thái ở làng Tmatbouy, tỉnh Prea Vihear. Chương trình đã thu hút rất nhiều khách xem chim quốc tế đến tham quan. Hoạt động này không những giúp phục hồi được quần thể của hai loài chim gần như bị tuyệt chủng toàn cầu, mà còn tạo sinh kế cho người dân địa phương nhờ các hoạt động liên quan du lịch.
Như một “môn thể thao”
“Du lịch xem chim (birdwatching) là hoạt động quan sát, tìm hiểu chim ngoài tự nhiên, có thể ghi nhận và định tên các loài quan sát được. Xem chim có thể bằng mắt hay thông qua một số thiết bị hỗ trợ: ống nhòm, ống tele, máy ghi âm… Đây không phải nghiên cứu khoa học mà chỉ là một “môn thể thao” - giải trí xuất phát từ niềm đam mê của mỗi người”.
(Ông Nguyễn Hoài Bảo - Giám đốc Công ty Vietnam Wildtour)
“Xem chim ngày nay đã trở thành trào lưu du lịch mang lại nguồn thu rất lớn cho các quốc gia biết cách khai thác hợp lý. Bên cạnh nguồn thu tài chính thì du lịch xem chim còn đem đến nhiều giá trị khác như khơi dậy lòng yêu thiên nhiên. Từ đó tăng ý thức bảo vệ môi trường cho cả khách tham quan và người dân bản địa”, ông Nguyễn Hoài Bảo chia sẻ.
Tại Việt Nam, thế giới các loài chim vô cùng phong phú, đa dạng. Trong đó, có nhiều loài chim đẹp, quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới, đặc biệt là các loài chim đặc hữu. Theo ông Nguyễn Hoài Bảo, chỉ riêng loài chim đuôi cụt bụng vằn ở Vườn quốc gia Cát Tiên, mỗi năm cũng thu hút cả ngàn khách quốc tế đến với mục đích chụp ảnh. “Nếu tính chi phí 250 USD/người/ngày và lưu trú ít nhất tại Việt Nam 3 ngày, thì từ trước đến nay doanh thu từ loài chim này không dưới triệu USD”, ông Bảo tính toán và cho biết: “Nhưng kinh phí này chưa thể so với cách làm ở Hokkaido, Nhật Bản, nơi thu hút khách đến chụp ảnh sếu mỗi năm vài ngàn người và phải đăng ký trước vì lượng khách quá đông. Hay như tôi đi chụp ảnh một giống chim cánh cụt Úc, giá vé thấp nhất là 25 USD, cao nhất là 75 USD, mà số người chụp đông kín như cả sân vận động”.
Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.