“Chiếc nôi” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 65 năm hình thành và phát triển, đến nay, Trường Đại học Đà Lạt (DLU) đã gặt hái nhiều thành công. DLU có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước và là “chiếc nôi” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tây Nguyên.

Hơn 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ

Trường Đại học Đà Lạt tiền thân là Viện Đại học Đà Lạt được thành lập năm 1957 và bắt đầu tuyển sinh, đào tạo từ năm 1958. Đây là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Viện Đại học Đà Lạt lấy triết lý “Thụ nhân” làm căn bản. Ngày 27-10-1976, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường Đại học Đà Lạt trên cơ sở kế thừa cơ sở vật chất từ Viện Đại học Đà Lạt.

chiec-noi-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-tay-nguyen-dd.jpg
Trường Đại học Đà Lạt là “chiếc nôi” tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tây Nguyên. Ảnh: Thùy Dương

Đến nay, DLU đang từng bước khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có chất lượng hàng đầu ở khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Quy mô đào tạo hơn 14.000 sinh viên, học viên trong nước và quốc tế, với 3 bậc đào tạo gồm: tiến sĩ (7 ngành), thạc sĩ (11 ngành) và đại học (40 ngành), thuộc 3 khối ngành chính: Khoa học xã hội-nhân văn, Khoa học tự nhiên-công nghệ, Kinh tế-luật-du lịch-ngoại ngữ-sư phạm. Hiện nay, DLU có hơn 90% giảng viên có trình độ sau đại học (1 giáo sư, 17 phó giáo sư, 110 tiến sĩ và 210 thạc sĩ), trong đó, hơn 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Tiến sĩ Lê Minh Chiến-Hiệu trưởng DLU-cho biết: “Chúng tôi rất tự hào vì các thế hệ lãnh đạo, nhà khoa học, giảng viên của DLU đã có những đóng góp hết sức quý báu, làm nên những thành tích nằm ngoài sự mong đợi của nhà trường. Về công tác đào tạo, đã có hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp, trở thành nguồn nhân lực quan trọng cung cấp cho địa phương, Tây Nguyên và cả nước. DLU là trường đầu tiên trên vùng đất Tây Nguyên-Nam Trung Bộ đạt được những thành tựu rất to lớn trong công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực Toán học, Vật lý hạt nhân, Công nghệ sinh học và một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn”.

Xếp thứ 33 trong top 100 trường đại học tốt nhất Việt Nam

Trong quá trình hội nhập quốc tế, DLU luôn nỗ lực gìn giữ và phát huy 3 giá trị cốt lõi, đó là: “Thụ nhân-Khai phóng-Bản sắc”. Các chương trình giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) của trường không chỉ chú trọng việc cung cấp kiến thức chuyên môn và trau dồi kỹ năng nghề nghiệp cho người học, mà còn đặt trọng tâm vào việc tăng cường sự thấu hiểu các giá trị văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng và lòng nhiệt thành phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà khoa học và giảng viên có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề. DLU đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; được Bộ GD-ĐT tặng cờ thi đua “Về những thành tích xuất sắc trong việc đào tạo nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ”.

2letrong.jpg
Sinh viên và học viên lớp cao học chuyên ngành Sinh học trong giờ thực hành thí nghiệm. Ảnh: L.T

Ngoài ra, DLU cũng đã trở thành thành viên thứ 124 của Hiệp hội CDIO quốc tế; được công nhận “Đạt chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục đại học theo bộ tiêu chuẩn mới 2.0 của Bộ GD-ĐT”; được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục và là thành viên chính thức của “Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á”. Đặc biệt, năm 2024, DLU xếp thứ 33 trong top 100 trường đại học tốt nhất ở Việt Nam hiện nay và là trường có thứ hạng cao nhất ở vùng Tây Nguyên. Nhiều năm liền, DLU luôn nằm trong top 30 trường đại học hàng đầu trong cả nước, được Bộ GD-ĐT tặng thưởng “Về thành tích công bố các công trình khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế”.

Tiến sĩ Trịnh Đức Tài-Trưởng khoa Toán-Tin-cho biết: “Chúng tôi thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ, đó là nghiên cứu và giảng dạy. Ở góc độ quản lý, để phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Khoa cũng đã nỗ lực mở một mã ngành mới, đó là ngành Khoa học dữ liệu. Đến nay, Khoa đã đào tạo được khóa thứ 5. Trong tương lai, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) thì ngành Khoa học dữ liệu sẽ là một trong những ngành thu hút sự quan tâm đặc biệt của các thí sinh và phụ huynh”.

Cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo Tiến sĩ Lê Minh Chiến: Đến nay, DLU đã tạo nguồn nhân lực cho Lâm Đồng nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung và cả nước với hơn 80.000 cử nhân trở lên. Riêng năm học 2023-2024, DLU có tỷ lệ cử nhân tốt nghiệp khá cao với 2.287 cử nhân, 51 thạc sĩ và 5 tiến sĩ. Bên cạnh nhiệm vụ GD-ĐT, nhà trường còn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học với 85 bài báo khoa học đã được công bố trên các tạp chí uy tín. Ngoài ra, DLU cũng đã triển khai nhiều dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế, ký kết 17 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; mở thêm ngành đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; 2 chương trình đào tạo: Công nghệ thông tin và Kế toán đạt chứng nhận kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA.

Em Nguyễn Thị Mộng Quỳnh-Sinh viên Khoa Toán-Tin-chia sẻ: “Em chọn DLU để theo học vì nhà trường có đội ngũ giảng viên chất lượng hàng đầu Tây Nguyên. Tin rằng DLU tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa chất lượng đào tạo trong thời gian tới nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai”.

33-852.jpg
Trường Đại học Đà Lạt xứng đáng là môi trường học tập lý tưởng cho SV. Ảnh: L.T

Còn em Ngô Phương Linh-Học viên lớp cao học chuyên ngành Sinh học thực nghiệm thì tâm sự: “Đối với ngành Sinh học, DLU đã đáp ứng đầy đủ trang-thiết bị, vật tư phục vụ cho việc thực hành của sinh viên trong suốt quá trình học tại trường; các giảng viên tâm huyết và rất nhiệt tình trong việc hướng dẫn sinh viên thực hành. Sau khi kết thúc 4 năm học, em tiếp tục theo học cao học. Em rất tự hào khi được làm việc trong môi trường thân thiện như thế này”.

Trao đổi với chúng tôi về lộ trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của DLU, Tiến sĩ Lê Minh Chiến nhấn mạnh: “Chủ trương lớn nhất cũng như chiến lược dài hơi của trường từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là DLU sẽ cùng với Trường Đại học Tây Nguyên xây dựng tại TP. Đà Lạt và Buôn Ma Thuột một trung tâm đào tạo chất lượng cao, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào nhiều thế mạnh mà DLU hiện có. Và, nếu như Chính phủ cho phép lĩnh vực năng lượng nguyên tử được hoạt động trở lại, chúng tôi sẽ tiên phong đi đầu cùng với các viện nghiên cứu và các trường đại học lớn trong cả nước để thực hiện nhiệm vụ chính trị này”.

Có thể bạn quan tâm