Thiếu doanh nghiệp trực tiếp XKLĐ
Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Hiện nay, Gia Lai chưa có doanh nghiệp XKLĐ trực tiếp mà phải hợp tác với những doanh nghiệp ngoài tỉnh. Điều này khiến tỉnh thiếu đầu mối để triển khai, tuyên truyền nắm bắt thị trường. Một số doanh nghiệp có chức năng XKLĐ được giới thiệu về địa phương tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa chấp hành đầy đủ các quy định về thông tin, tiến độ tuyển chọn và phối hợp cùng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Người lao động được tư vấn hướng dẫn ký hợp đồng tuyển dụng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: Đ.Y |
Về phía NLĐ cũng có nhiều rào cản. Trong đó, hầu hết NLĐ còn hạn chế về sự hiểu biết pháp luật lao động, chưa có tác phong công nghiệp và tay nghề thấp nhưng lại muốn đi làm việc ở các nước có thu nhập cao. Theo ông Hải, Ả Rập Xê Út mặc dù là thị trường lao động dễ tính, phù hợp với lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhưng chủ yếu tuyển dụng lao động giúp việc nhà nên nhiều người còn e ngại.
Một số thị trường hấp dẫn như: Nhật Bản, Hàn Quốc lại đòi hỏi cao về chất lượng lao động, số lượng tuyển dụng cũng hạn chế. Cùng với đó, các khoản chi phí đi làm việc ở nước ngoài của một số thị trường rất cao như Đài Loan (130-140 triệu đồng) nên NLĐ khó tiếp cận với vốn vay tín chấp. Những đối tượng không thuộc diện chính sách, hộ nghèo, không có giấy tờ nhà đất để thế chấp vay vốn thì không có khả năng tham gia XKLĐ.
Mặt khác, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường XKLĐ chưa được triển khai và đầu tư đúng mức, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng nên chỉ dừng lại ở những thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út... Ngoài ra, nhiều NLĐ khi hết hạn hợp đồng trở về nước không đăng ký với cơ quan quản lý lao động dẫn đến việc các địa phương khó theo dõi, quản lý, nhất là việc nắm bắt tình hình thu nhập của họ.
Không chỉ vậy, những lao động có điều kiện kinh tế muốn đi làm việc ở các nước có mức lương cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, song những thị trường này lại tiếp nhận số lượng ít và đòi hỏi tiêu chuẩn tay nghề cao nên NLĐ khó đáp ứng được. Bên cạnh đó, một số lao động là người dân tộc thiểu số không có họ khiến việc làm hồ sơ cũng gặp khó khăn.
Mặc dù số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng cao, song chỉ tập trung tại một số địa phương. Năm 2023, chỉ tiêu giao cho huyện Chư Păh là đưa 60 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nhưng đến nay mới chỉ có 30 lao động đăng ký. Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Trần Oanh Tuấn lý giải: Phần lớn người dân còn tâm lý e ngại đi làm việc xa nhà trong thời gian dài. Chi phí xuất cảnh ở một số thị trường còn cao so với thu nhập của người dân.
“Về chính sách tín dụng ưu đãi, NLĐ thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được tuyển chọn, có nhu cầu vay vốn để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất thấp. Dù vậy, họ vẫn chưa mặn mà với việc vay vốn đi làm việc ở nước ngoài bởi khó thay đổi tập quán sinh hoạt, tác phong lao động cũng như năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề”-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện trăn trở.
Trong khi đó, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lê Thanh Truyền nêu khó khăn: Ngân sách dành cho công tác tuyên truyền XKLĐ không có nên Trung tâm phải cân đối, điều tiết, lồng ghép tư vấn XKLĐ trong các phiên giao dịch, giới thiệu việc làm. Bên cạnh đó, nhân sự làm công tác tư vấn mỏng, văn phòng đại diện tại huyện Chư Sê, thị xã An Khê còn ít người nên chưa thể thực hiện một chương trình riêng về tư vấn XKLĐ.
“Sức ì” từ chính NLĐ
Một thực tế cần phải nhìn nhận là không ít NLĐ còn hạn chế về hiểu biết pháp luật lao động, tác phong công nghiệp và tay nghề thấp nhưng muốn đi làm việc ở các nước có thu nhập cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại chưa chủ động đổi mới phương thức, nội dung, thời gian đào tạo ngoại ngữ trong giao tiếp, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về phong tục tập quán, pháp luật của các nước sở tại cũng như việc nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Đáng chú ý, không ít gia đình chưa có ý thức chi tiêu tiết kiệm nên số tiền dành dụm được không nhiều, dù mức thu nhập của NLĐ ở nước ngoài gửi về khá cao. Sau 2 năm đi làm việc ở Ả Rập Xê Út, chị Siu H'Mép (làng Puối B, xã Ia Le, huyện Chư Sê) gửi về cho gia đình hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi hết hạn hợp đồng về nước, chị H'Mép lại trắng tay vì người thân đã tiêu xài hoang phí số tiền chị gửi về.
“Mình buồn lắm. Cứ nghĩ làm được ít tiền gửi về, người nhà sẽ cất giành và mua đất sản xuất nhưng thực tế lại đem tiêu xài hoang phí. Thế là 2 năm mình đi lao động ở nước ngoài trở thành công cốc”-chị H'Mép buồn bã nói.
Lao động Gia Lai làm việc tại một doanh nghiệp ở Nhật Bản. Ảnh: Đinh Yến |
Ông Lê Thành Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Le-cho hay: Lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi tiền về, việc chi tiêu do gia đình quyết định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, số tiền có được nhờ người thân đi XKLĐ gửi về bị người nhà tiêu xài hoang phí dẫn đến cuộc sống tiếp tục gặp khó khăn. Thậm chí có gia đình, cuộc sống đang bình thường, nhưng sau một thời gian kể từ khi chồng (hoặc vợ) đi XKLĐ lại xảy ra nhiều bi kịch trong cuộc sống dẫn đến vợ chồng chia tay, con cái thất học.
Xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) hiện có 14 lao động làm việc ở Đài Loan với mức thu nhập 18-20 triệu đồng/tháng nhưng một số gia đình đã không tiết kiệm được tiền mà chi tiêu hoang phí. Theo Chủ tịch UBND xã Siu Teen, bà con đi làm việc ở nước ngoài rất chăm chỉ, đều gửi tiền về cho gia đình. Tuy nhiên, có một thực tế là một số hộ không giữ được tiền. Khi anh em họ hàng cần đều cho mượn hết. Đến khi người đi làm việc ở nước ngoài trở về thì không còn tiền để đầu tư phát triển kinh tế.
Một thực trạng khác cũng đáng quan tâm là thị trường lao động Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức có mức lương cao nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và ngoại ngữ của NLĐ Gia Lai chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Trần Thanh Hải cho biết: Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số doanh nghiệp XKLĐ, việc kiếm được hợp đồng lao động ở thị trường Nhật Bản đã khó nhưng khi cung ứng để giữ được người thì càng khó hơn. Bởi ý thức làm việc và việc chấp hành pháp luật của NLĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều người sau khi qua làm một thời gian rồi bỏ ra ngoài để tìm việc khác dẫn đến phá vỡ hợp đồng của các doanh nghiệp XKLĐ, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.
“Không chỉ vậy, công tác giáo dục định hướng cho NLĐ còn hạn chế. Các doanh nghiệp XKLĐ chưa thật sự phối hợp chặt chẽ trong đào tạo nghề và cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường XKLĐ hiện nay. Đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố chưa thường xuyên, đồng bộ; chưa quyết liệt trong chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc. Vì vậy, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều nơi vẫn chưa hiệu quả như mong đợi”-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nêu rõ.