Trung Quốc gần đây đã duyệt hai dự án xây nhà máy điện hạt nhân trị giá hơn 10 tỉ USD, một phần do căng thẳng với Mỹ làm dấy lên mối lo ngại về sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Trung Quốc chi khoản tiền lớn để xây thêm nhà máy điện hạt nhân. |
Theo SCMP, Trung Quốc với lãnh thổ rộng lớn cùng số dân hơn 1,4 tỉ người, phụ thuộc rất lớn vào than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác.
Hồi tháng 5, Quốc vụ viện Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư vào các nguồn năng lượng khác. “Bên cạnh việc nâng cấp các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá, thủy điện và điện hạt nhân đang trở thành ưu tiên cấp bách, bên cạnh sự phát triển của điện gió và điện mặt trời”, báo cáo viết.
Michal Meidan, giám đốc Chương trình Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nói vấn đề an ninh năng lượng đang trở thành mối quan tâm hàng đầu ở Trung Quốc.
“Quan hệ với Mỹ ngày càng căng thẳng làm gia tăng lo ngại về sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, trong khi dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến cơ sở hạ tầng nội địa, bao gồm cơ sở phân phối và lưu trữ”, bà Meidan nói.
Trung Quốc phụ thuộc vào dầu mỏ, gas, than đá để tạo năng lượng cấp điện. Sản lượng nhập khẩu cả 3 loại nhiên liệu này đã tăng mạnh trong năm 2019. Năm 2017, Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Sản lượng dầu mỏ nhập khẩu năm ngoái cũng tăng 9,5%.
Yang Fuqiang, cố vấn năng lượng cấp cao của văn phòng Hội đồng Phòng thủ Tài nguyên Thiên nhiên Bắc Kinh, nói các ưu tiên trong chính sách năng lượng của Trung Quốc là phát triển các nguồn năng lượng sạch, hiệu quả, nhưng “vấn đề an ninh đang được đặt lên hàng đầu”.
Nhằm tự chủ hơn về năng lượng và giảm thiểu ảnh hưởng do điện than gây ra với môi trường, Trung Quốc duyệt hai dự án xây nhà máy điện hạt nhân, bao gồm dự án mở rộng nhà máy điện hạt nhân trên đảo Hải Nam và dự án xây nhà máy điện hạt nhân ở Chiết Giang. Tổng trị giá hợp đồng lên tới hơn 10 tỉ USD, theo SCMP.
Các nhà máy điện hạt nhân mới sẽ sử dụng lò phản ứng Hualong One. Đây là lò phản ứng nội địa sử dụng công nghệ Pháp, tối ưu hơn lò phản ứng AP1000 của Mỹ.
Một khi toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng hoàn thiện, Trung Quốc sẽ tạo ra sản lượng điện tương đương 108GW và chính thức vượt Mỹ về điện hạt nhân.
Wei Zhaofeng, Phó Chủ tịch Hội đồng Điện lực Trung Quốc, nói rằng nếu Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ xây dựng từ 6 lên 8 lò phản ứng mỗi năm từ năm 2021 đến năm 2030, công suất điện hạt nhân có thể đạt 137GW vào năm 2030.
Cố vấn Yang nói điện than vẫn sẽ chiếm tỉ trọng lớn trong chính sách năng lượng của Trung Quốc trong tương lai gần, nhưng Trung Quốc sẽ thúc đẩy sử dụng phương tiện chạy điện, giảm sự lệ thuộc vào hoạt động nhập khẩu, vận chuyển dầu mỏ và khí đốt.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang đi đầu trong các dự án phát triển điện gió và điện Mặt trời. Năm ngoái, hai nguồn năng lượng này tạo ra 56GW điện ở Trung Quốc.
Theo ĐĂNG NGUYỄN (Dân Việt/SCMP)